Triển khai Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục Thể thao tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cục Thể dục thể thao

Hội nghị được tổ chức nhằm cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thể dục thể thao (TDTT) được nêu tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Thông qua các ý kiến của các ban, ngành, địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức… đưa ra các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác TDTT và đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp TDTT. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT.

Sau hơn 10 năm triển khai, các chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng tồn tại những hạn chế đòi hỏi thể thao Việt Nam phải khắc phục nếu muốn nâng cao thành tích. Trên cơ sở đó, ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045.

Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

Tại Hội nghị, đại diện các ban, ngành, địa phương, Hiệp hội, Liên đoàn, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng với công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các ý kiến đều tập trung đưa ra các giải pháp, kế hoạch trên cả 3 phương diện thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, từ đó, góp phần giúp ngành TDTT có được cái nhìn sát nhất để triển khai hiệu quả Chiến lược.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngoài kế hoạch dài hơi, hàng năm Thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó mỗi năm tổ chức hơn 1.000 sự kiện thể thao uy tín góp phần quảng bá tich cực hình ảnh của Thủ đô…. Đó là một phần của việc triển khai kinh tế thể thao vào thực tế.

"Đối với kinh tế thể thao thì đầu tiên là chúng ta phải suy nghĩ là cái sản phẩm của kinh tế thể thao là sản phẩm gì? Thứ 2 nữa là thị trường mà chúng ta có thể cung cấp cái sản phẩm đó là ai? Và thứ 3 nữa là kết nối dịch vụ", ông Đỗ Đình Hồng nói.

Khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.Hồ Chí Minh cho biết: việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Nhân cho rằng: "Chúng ta phải tận dụng thế mạnh của các từng các tỉnh thành, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, thế mạnh ở các môn nào, quân đội ở các môn nào, để chúng ta tìm ra những thế mạnh các môn để cùng nhau xây dựng nên, chứ chúng ta không có nên công tác, đào tạo một cách đại trà".

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc tham mưu, trình các cấp ban hành Chiến lược, đưa ra những giải pháp, lộ trình rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và đã kịp thời tham mưu, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược.

Để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành cùng ngành TDTT, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong toàn ngành nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện Chiến lược; trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược; vừa bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Ngoài ra, chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đồng thời đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu TDTT. Tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao; nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển TDTT theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt. Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức, thực hiện hiệu quả Chiến lược...

Minh Thúy

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Việt Nam xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệpViệt Nam xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/trien-khai-chien-luoc-phat-trien-the-duc-the-thao-viet-nam-a46708.html