
Tôi đọc được một bài chia sẻ như sau: Một bác sĩ phẫu thuật do phải thực hiện nhiều ca mổ, thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng cao độ, tình trạng của bệnh nhân cũng thường khiến anh lo lắng bất an.
Để giảm bớt áp lực, anh đã đăng ký trở thành một tài xế giao đồ ăn. Mỗi khi cảm thấy quá căng thẳng, anh lại đi giao hàng để điều chỉnh tâm trạng.
Khi làm công việc này, anh có thể ngắm nhìn khung cảnh thành phố về đêm, hít thở không khí trong lành, đôi khi trò chuyện ngắn với người khác trên đường, giúp anh tạm quên đi những phiền muộn trong công việc.
Sau này, anh nhận ra rằng nghề giao đồ ăn thực ra cũng không dễ dàng.
Lúc còn làm bác sĩ, anh luôn được tôn trọng, bệnh nhân đều rất lịch sự với anh. Nhưng khi trở thành tài xế giao hàng, anh thường xuyên gặp phải sự kỳ thị. Có lần, khi mặc đồng phục giao hàng đi qua một sảnh lớn, anh bị một người từ phía sau đẩy mạnh, như thể anh chỉ là một "chướng ngại vật".
Mỗi công việc đều có cái khổ riêng.
Bác sĩ nhìn bề ngoài có vẻ hào nhoáng nhưng thực tế áp lực tinh thần rất lớn; còn tài xế giao hàng tưởng chừng tự do nhưng thực ra lại phải bôn ba trong gió mưa, vô cùng vất vả.
Anh rút ra một bài học: Dù làm bác sĩ hay tài xế giao hàng, đều cần có một tâm lý vững vàng.
Đúng vậy, thế gian này vốn dĩ không có công việc nào nhẹ nhàng và dễ dàng cả. Dù bạn làm nghề gì, đằng sau đó chắc chắn sẽ có áp lực, tủi thân, thất bại, thử thách và cả những nỗi khổ. Muốn làm tốt một công việc, không chỉ cần kỹ năng mà còn phải có một tâm lý vững vàng, khỏe mạnh.

01
Trong môi trường làm việc, áp lực ở khắp mọi nơi, bao trùm mỗi người như không khí. Để kịp tiến độ dự án, thường xuyên phải thức khuya tăng ca; núi hồ sơ chất đống, những cuộc họp dường như không bao giờ kết thúc, khiến con người kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần; KPI như một ngọn núi lớn, đè nặng đến mức không thể ngẩng đầu lên…
Tôi tin rằng, bất cứ ai từng lăn lộn trong chốn công sở đều có thể thấu hiểu những áp lực này.
Tại một diễn đàn do Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc, tổ chức, kênh Tin tức CCTV đã mời Tử Ninh, một MC có tiếng của đài, đến chia sẻ về công việc của mình.
Cô kể về cuộc sống thường ngày khi làm người dẫn chương trình buổi sáng. Mỗi ngày, khi trời còn chưa sáng, cô đã bắt đầu công việc. Lịch trình khắt khe khiến cô gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Có khoảng thời gian, vì áp lực quá lớn, cô bắt đầu sốt liên tục, mỗi sáng thức dậy đều cảm thấy đau đầu dữ dội. Cô đã từng nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng đến giờ làm, cô vẫn kiên trì đến đài đúng giờ, bất kể nắng mưa.
Cô nói: "Nếu không có sự kiên trì khi ấy, hôm nay sẽ không có một MC tên Tử Ninh đứng ở đây để chia sẻ với mọi người."
Nhiều khi, một người có thể đi xa đến đâu, không phụ thuộc vào tài năng lớn hay nhỏ. Dù giỏi đến đâu, nhưng nếu tinh thần yếu đuối, chỉ cần sụp đổ một lần, tất cả coi như bằng không.
Trong công việc, điều thực sự quyết định một người có thể tiến xa đến đâu chính là khả năng chịu áp lực.
Không có công ty nào muốn tuyển dụng một người chỉ cần gặp chút áp lực đã than trời trách đất, rồi bỏ cuộc.
Ngay cả khi tôi tuyển người cho đội nhóm của mình, tôi cũng thêm một điều kiện: "Có khả năng chịu áp lực tốt."
Chốn công sở không dành cho những người yếu đuối, mà chỉ ưu ái những người có sức chịu đựng bền bỉ.
Lôi Quân, CEO của Xiaomi, từng chia sẻ rằng ông đặc biệt ấn tượng với một người trẻ tên là Châu Thụ Tư. Công việc đầu tiên của Châu Thụ Tư là ở Goldman Sachs, nơi có cường độ làm việc vô cùng khắc nghiệt. Tan làm lúc 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường.
Anh nhớ lại: "Suốt hai năm, hầu như không có ngày cuối tuần nào."
Anh không trốn tránh, không than phiền. Nhờ môi trường làm việc áp lực cao, anh có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về thị trường và sau đó trở thành người phụ trách khu vực Trung Quốc của DST.
Trong công việc, áp lực cao là chuyện bình thường. Hãy trở thành một người bền bỉ – dù hấp, luộc, đập hay nghiền cũng không thể vỡ.
Bạn cần phải hiểu rằng: Nếu bạn không kiên trì, không chống đỡ, bạn sẽ không có tư cách cũng như cơ hội để đạt được cuộc sống mà mình mong muốn. Chỉ khi bạn vượt qua từng đợt sóng áp lực, bạn mới có thể tăng trưởng nhanh hơn và có được mức thu nhập cao hơn.

Lôi Quân - CEO của Xiaomi, tỷ phú công nghệ Trung Quốc.
02
Bạn đã từng trải qua những điều này chưa?
Thức trắng nhiều đêm để hoàn thành một kế hoạch, nhưng khi trình lên sếp thì bị chê bai thậm tệ.
Khách hàng mà bạn theo đuổi bấy lâu vẫn chưa có tiến triển, khiến sếp đưa ra lời cảnh báo cuối cùng: "Nếu còn không làm được thì đổi người khác!"
Rõ ràng bạn đã rất nỗ lực làm tốt công việc của mình, nhưng thứ nhận lại chỉ là sự phủ nhận và những lời chỉ trích.
Lúc này, chắc chắn sẽ có người bảo bạn hãy phản kháng hoặc nhảy việc. Nhưng khi đối mặt với những đòn đánh khắc nghiệt của cuộc sống, cách này không phải lúc nào cũng khả thi.
Trong công việc, chỉ khi học cách đối mặt với những uất ức, bạn mới có thể trưởng thành và vững vàng hơn.
Mã Đông, một MC nổi tiếng tại Trung Quốc, từng kể rằng, khi mới bước chân vào ngành truyền hình, anh đã dẫn một chương trình suốt 83 số. Anh còn đặt một chiếc giường xếp trong văn phòng, suốt một năm rưỡi ăn ngủ tại chỗ để toàn tâm toàn ý cho chương trình. Khoảng thời gian đó, anh dốc hết tâm huyết, tự tin rằng chương trình mình làm rất tốt. Nhưng không lâu sau, anh nhận được thông báo từ cấp trên rằng chương trình bị hủy bỏ.
Ngay khi biết tin, trước mặt cả ê-kíp, Mã Đông bật khóc đến mức không thể kiểm soát. Thế nhưng, anh nhanh chóng điều chỉnh tâm lý, lấy lại tinh thần. Chính lần vấp ngã này đã giúp anh hiểu thế nào là "làm chương trình" và "làm việc đúng cách". Sau đó, nhờ kinh nghiệm tích lũy từ những thất bại trước, anh lần lượt sản xuất ra nhiều chương trình truyền hình đình đám.
Trên đời có hai kiểu người: Một kiểu, sau một lần thất bại là mất hết động lực, bỏ cuộc; Kiểu còn lại, dù chật vật trong khó khăn, vẫn gượng dậy và trở nên mạnh mẽ hơn.
Những người thực sự kiên cường, luôn xem thất bại, đả kích trong công việc là bài học để trưởng thành. Chứ không phải chỉ vì một lần thất bại mà rơi vào vòng xoáy hoài nghi bản thân, rồi gục ngã không gượng dậy nổi.
Cuộc sống không bao giờ chỉ tồn tại hai từ "suôn sẻ", công việc cũng vậy. Luôn có những điều xui xẻo ập đến, nhưng hãy nhớ rằng: Những gì không thể đánh gục bạn, sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

03
Trong một cuộc phỏng vấn, luật sư nổi tiếng người Trung Quốc, Lưu Tư Viễn, đã chia sẻ về hành trình trưởng thành của mình. Ngay từ công việc đầu tiên, cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi, thậm chí sếp còn muốn sa thải cô. Nhưng người hướng dẫn của cô lại đề nghị giữ cô lại.
Một phần vì cô có nền tảng tốt, phần khác vì cô có tâm lý vững vàng. Dù bị mắng thế nào, cô vẫn luôn tươi cười, chưa từng khóc vì những lời chỉ trích từ sếp hay người hướng dẫn. Để tránh bị mắng, cô lao vào làm việc chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm, và nhanh chóng có thể tự mình đảm đương công việc. Năm 30 tuổi, cô đã trở thành đối tác của một công ty luật hàng đầu.
Trong "One Piece" có một câu thoại: "Thế giới này thuộc về những người có thể chịu đựng được những lời chỉ trích và vẫn tiếp tục tiến về phía trước."
Trong môi trường làm việc, không ai tránh khỏi việc bị cấp trên phê bình. Những lời chê trách sắc bén ấy giống như những mũi kim đâm vào lòng tự trọng của bạn. Có thể nói, bị phê bình cũng là một phần của công việc. Nếu bạn không chịu được những lời gay gắt, không quen bị phê bình, không biết quan sát sắc mặt của sếp, thì bạn khó có thể tồn tại lâu dài trong môi trường làm việc.
Những người có tâm lý vững vàng sẽ không để vài lời phê bình của cấp trên khiến mình tổn thương. Ngược lại, họ coi việc bị mắng như một bữa cơm công sở – ăn vào để trưởng thành.
Trong bộ phim truyền hình "Vinh Quang Bình Phàm", nhân vật Tôn Dịch Thu lúc mới đi làm thường xuyên bị sếp phê bình vì mắc lỗi. Có lúc, anh hoài nghi liệu mình có thực sự phù hợp với công việc này hay không. Nhưng sau đó, một tiền bối đã nói với anh: "Sếp phê bình cậu, nhiều khi là vì muốn cậu làm tốt hơn."
Trong công việc, hãy bỏ đi lòng tự ái, rèn luyện bản lĩnh chịu đựng.
Xem lời phê bình như kính lúp – từ đó nhìn ra những thiếu sót của bản thân để cải thiện.
Xem lời phê bình như đèn tín hiệu – sếp mắng bạn, nghĩa là họ vẫn kỳ vọng vào bạn, đừng nghĩ đó là sự công kích cá nhân.
Học hỏi từ những lần bị phê bình, tích lũy kinh nghiệm – nghĩ theo cách này, tâm lý của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Và quan trọng nhất, muốn giảm bớt những lần bị phê bình, hãy làm tốt công việc của mình, cố gắng làm đến đến mức không ai có thể bắt lỗi.
Đừng để vài lời phê bình của ai đó khiến bạn thấy bầu trời sụp đổ rồi vứt bỏ công việc.

CEO Nhậm Chính Phi của Huawei với triết lý dùng người - tin người nổi tiếng.
▽
Nhậm Chính Phi từng viết trong "Mùa Đông của Huawei": "Ngã thì có sao? Nắm một nắm cát rồi đứng dậy tiếp tục bước đi." Ai mà không từng chịu ấm ức trong công việc? Ai mà không thấy mệt mỏi vì công việc?
Những người thực sự trưởng thành trong môi trường làm việc sớm đã tôi luyện trái tim thủy tinh thành trái tim kim cương – vừa có thể phản chiếu ánh sáng, vừa đủ cứng rắn để chống chọi với những cơn bão cấp tám.
Chỉ khi rèn luyện được một "trái tim thép", giữ vững tinh thần trước mọi tình huống, bạn mới có thể vững vàng tiến lên, vượt sóng băng gió trong sự nghiệp.