
Ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC
Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng vào ngày 15/4, ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (mã: BCM) đã có ý kiến về tăng vốn.
"Theo Quyết định 426 của Thủ tướng Chính phủ, Becamex được phép giảm tỷ lệ vốn nhà nước đến năm 2025. Tuy nhiên, do tác động bất lợi từ thị trường tài chính toàn cầu, kế hoạch đấu giá công khai trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã tạm hoãn.
Từ thực tế này, Becamex đề nghị Thủ tướng xem xét gia hạn thời gian giảm tỷ lệ vốn nhà nước theo Quyết định 426. Điều này sẽ giúp Becamex tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi để huy động vốn hiệu quả, hướng tới trở thành tổng công ty có vốn hóa lớn. Becamex cam kết nhanh chóng triển khai lại kế hoạch tăng vốn khi điều kiện thị trường cải thiện", ông Phạm Ngọc Thuận nói.
Hôm 11/4, Becamex IDC công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tạm hoãn đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ của công ty.
Doanh nghiệp cho biết lý do tạm hoãn là nhằm đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi cho đợt chào bán.
HĐQT Becamex IDC sẽ xem xét, quyết định và triển khai đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ vào thời điểm khác phù hợp với lợi ích của công ty, cổ đông và theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện báo cáo về việc tạm hoãn đợt chào bán cổ phiếu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Trước đó, Becamex IDC chốt thực hiện đấu giá công khai 300 triệu cổ phiếu BCM tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào 9h ngày 28/4/2025.
Theo phương án được phê duyệt, Becamex IDC sẽ đấu giá 300 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 28,99% tổng lượng cổ phiếu lưu hành), với giá khởi điểm là 69.600 đồng/cp, tương ứng số tiền có thể thu về gần 21.000 tỷ đồng. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ đấu giá cổ phần lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Số tiền thu được sẽ được phân bổ để (1) Đầu tư vào KCN Cây Trường và KCN Bàu Bàng Mở rộng tại tỉnh Bình Dương. (2) Tăng vốn cho các công ty liên kết, bao gồm Công ty Liên doanh Phát triển Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP); Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Becamex Bình Phước; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Becamex-VSIP (BVP); Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng Thông minh Việt Nam-Singapore (VSSES); và Công ty Cổ phần Becamex Bình Định. (3)Tái cấu trúc tài chính, bao gồm thanh toán các trái phiếu và khoản vay hiện tại, tổng giá trị 5.060 tỷ đồng.
Tại buổi Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thuận chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ông Thuận cho biết, Becamex xác định chuyển đổi số phải đạt hai mục tiêu chính. Một là, hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp tại các địa phương mà Becamex và VSIP (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore) hiện diện, giúp các doanh nghiệp chuyển từ thâm dụng lao động, đất đai sang thâm dụng vốn, tri thức và công nghệ. Hai là, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy tự chủ công nghệ và tạo thị trường mới.
Tại Bình Dương, Becamex đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm sản xuất, viện nghiên cứu, vườn ươm doanh nghiệp, cùng các chương trình đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi công nghệ 4.0. Những nỗ lực này góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư tay nghề cao, doanh nhân công nghệ, và giúp Bình Dương chuyển mình hướng tới giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Thuận cho biết, hệ sinh thái mới này không chỉ thu hút nhà đầu tư thế hệ mới mà còn giữ chân nhà đầu tư hiện hữu bằng cách đáp ứng các yêu cầu tiên tiến. Điển hình, dự án Lego (với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD) là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này, hay dự án nhà máy thông minh Orion của Hàn Quốc (được Becamex triển khai 100% bằng giải pháp tự chủ).
Về việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, ông Thuận cho hay, trong 30 năm qua, Becamex đã đồng hành cùng chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bao gồm khu công nghiệp, đô thị, giao thông và dịch vụ tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành.
Các dự án tiêu biểu bao gồm Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, và sắp tới là Vành đai 4. Trong giai đoạn tới, Becamex tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Brainport Eindhoven (Hà Lan), cùng các đối tác Singapore, Nhật Bản để phát triển hệ sinh thái công nghiệp sinh thái và thông minh.
Các dự án trọng điểm bao gồm khu công nghiệp tập trung công nghệ thông tin, khu khoa học công nghệ, hệ thống metro, trung chuyển hàng hóa đường sắt, và hạ tầng xã hội.
Thông qua hệ thống VSIP, Becamex thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mở rộng mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị, đồng thời nâng cấp lên thế hệ mới: công nghiệp sinh thái thông minh và đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, Becamex tận dụng chuyển đổi số để thành lập các công ty công nghệ và năng lượng bền vững, xây dựng mô hình kinh doanh trên không gian số và xanh. Ví dụ, tại Bình Dương, hợp tác với đối tác Singapore hình thành Công ty Năng lượng thông minh, với đối tác Nhật Bản để lập công ty công nghệ thông tin, kinh doanh viễn thông, trung tâm dữ liệu, giải pháp công nghiệp 4.0, thành phố thông minh và phát triển phần mềm. Becamex mong muốn được Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình này từ Bình Dương ra toàn quốc.