KOL: Từ quyền lực ảo đến ảo quyền lực!

Những vụ bê bối gần đây đã phơi bày mặt tối của công việc này, thậm chí là vướng vòng lao lý nếu thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm trong hoạt động quảng bá.

Được coi là nghề trong mơ với hào quang của sự nổi tiếng và thu nhập hấp dẫn, KOL/KOC đang thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ bước chân vào hành trình xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội. Thế nhưng, những vụ bê bối gần đây đã phơi bày mặt tối của công việc này, thậm chí là vướng vòng lao lý nếu thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm trong hoạt động quảng bá.

“Lối tắt” đến thành công

"Những KOL nổi tiếng sẽ được nhãn hàng săn đón. Họ không chỉ dư dả tài chính mà còn có thời gian tự do và không chịu sự quản lý của ai", đó là chia sẻ của Nguyễn Ngân (19 tuổi), tân sinh viên ngành Truyền thông, khi nói về lý do cô muốn trở thành KOL - nghề mà nhiều bạn trẻ hiện nay xem như "lối tắt" đến thành công, vừa kiếm tiền vừa có tiếng nói.

Không riêng gì Ngân, ngày càng có nhiều bạn trẻ coi KOL/KOC là công việc mơ ước, một nghề không nặng nề về bằng cấp, chỉ cần sáng tạo và có "chất riêng". Với đam mê ghi lại những khoảnh khắc đời thường, Chúc Linh (18 tuổi) cũng bắt đầu làm video chia sẻ về cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội, hy vọng sẽ thu hút sự chú ý. "Em không kỳ vọng quá nhiều, nhưng nếu được biết đến và lan tỏa năng lượng tích cực thì em nghĩ mình có thể kiếm thêm thu nhập, thậm chí mở ra cơ hội khác", Chúc Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được rằng, đằng sau ánh hào quang của nghề KOL là vô vàn áp lực và cạm bẫy. Điển hình là vụ việc của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục khi vào đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam hai người này cùng ba cá nhân khác với cáo buộc sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng. Họ thừa nhận "nổi tiếng quá nhanh" khiến bản thân không lường hết được trách nhiệm khi nhận quảng cáo.

KOL: Từ quyền lực ảo đến ảo quyền lực!- Ảnh 1.

Ngoài ra, nhiều KOL/KOC khác cũng từng vướng vào các vụ lùm xùm như quảng cáo thực phẩm chức năng không kiểm chứng, livestream bán hàng lậu, tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng, thậm chí xúi giục đầu tư tiền ảo trái phép.

Đến nay vẫn còn nhiều người nhớ đến vụ việc streamer V. đã từng quảng bá cho dự án Zuki Moba, một GameFi “chơi để kiếm tiền”. Sự góp mặt của streamer này thu hút lượng lớn người tham gia, nhưng khi thị trường lao dốc, đồng coin Zuki Moba mất gần hết giá trị, dự án cũng “bốc hơi”, kéo theo hàng tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Những vụ việc như trên đều có điểm chung rằng, các KOL/KOC sở hữu hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt theo dõi, một thứ "quyền lực ảo" dễ khiến người ta lầm tưởng rằng mình có thể nói và làm mọi thứ.

Điều này gây ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về khoảng trống pháp lý và sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng trong giới sáng tạo nội dung. Nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi mà không hiểu rằng, mình đang nắm trong tay quyền ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, lối sống và cả tư duy của hàng vạn người.

KOL/KOC cần nói không với việc đánh đổi uy tín cá nhân

Ông Lê Minh Tâm, chuyên gia lĩnh vực Marketing nhận định, vụ việc của Quang Linh và Hằng Du Mục là "hồi chuông báo động" cho giới sáng tạo nội dung nói chung và những người làm nghề KOL/KOC nói riêng. Nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi mà không hiểu rằng, mình đang nắm trong tay quyền ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, lối sống và cả tư duy của hàng nghìn người.

“Trên thực tế các KOL/KOC có thể xuất thân tư nhiều ngành nghề khác nhau và mới chỉ bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh trong thời gian ngắn. Vì vậy, có thể họ chưa tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm cũng như các quy định trong lĩnh vực này mà đã quảng cáo”, ông Tâm lý giải.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Pháp, Giám đốc Marketing Công ty Enuy cho rằng, không nên dùng kịch bản mang yếu tố kịch hóa hay quảng cáo quá đà để bán những mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm chức năng, sản phẩm sinh lý.

“Các sản phẩm nhạy cảm có thể tạo tranh luận, nhưng người đại diện phát ngôn nên là chuyên gia như bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc ít nhất phải có nguồn thông tin rõ ràng, dẫn chứng cụ thể. Không thể nói cảm tính rồi khi sai lại chỉ xin lỗi cho qua chuyện”, ông Pháp nhấn mạnh.

Sau các vụ việc lùm xùm diễn ra, các chuyên ra cho rằng, KOL/KOC cần trang bị kiến thức vững vàng về lĩnh vực mình theo đuổi và sản phẩm quảng bá. Việc chuyên sâu vào một số ngành thế mạnh như công nghệ, mỹ phẩm, thời trang hay hàng tiêu dùng, sẽ giúp họ giảm thiểu sai sót, tránh việc "ôm đồm" quá nhiều lĩnh vực dẫn đến tư vấn sai lệch.

KOL: Từ quyền lực ảo đến ảo quyền lực!- Ảnh 2.

Sự kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Ảnh: Milieu Insight.

Theo ông Lê Minh Tâm, các KOL/KOC cần đặt pháp luật và đạo đức nghề nghiệp làm kim chỉ nam. Không chỉ là người quảng bá sản phẩm, họ còn là cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng nên việc tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý liên quan là yêu cầu tối thiểu. Đồng thời, KOL/KOC cũng cần giữ tâm trong nghề, thận trọng trong từng nội dung truyền tải, nói không với việc đánh đổi uy tín cá nhân để nhận booking hoặc chạy theo doanh thu ngắn hạn.

Qua đó, cần có hợp đồng rõ ràng, minh bạch, có cam kết về độ chính xác của thông tin sản phẩm, kèm theo đầy đủ giấy phép kinh doanh, chứng nhận kiểm định chất lượng và các điều khoản ràng buộc trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả mỗi khi làm việc với các nhãn hàng. Chỉ khi hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và hành xử có trách nhiệm, KOL/KOC mới thực sự xây dựng được một thương hiệu cá nhân bền vững và xứng đáng với niềm tin của công chúng.

Vụ việc liên quan đến Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục phần nào sẽ giúp cho các KOL/KOC nhận ra nhiều bài học. Đó là khi thành công đến quá nhanh chóng sẽ luôn đi kèm với những cạm bẫy, nghề nghiệp nào cũng phải nỗ lực rất nhiều để có thành tựu bền vững; và dù là người nổi tiếng trên mạng xã hội thì vẫn phải thượng tôn pháp luật.

KOL, KOC hay influencer (người có sức ảnh hưởng) là những từ chỉ một kiểu công việc sử dụng sự "ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội". Nghề này tuy không mới nhưng vẫn khá "hot" trong giới trẻ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo khảo sát của The Hollywood Reporter cuối năm 2024, hơn 50% Gen Z mơ ước trở thành influencer. Ngoài ra, 54% người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 60 mong muốn nghỉ việc nếu họ có thể kiếm tiền bền vững với công việc sáng tạo nội dung.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/kol-tu-quyen-luc-ao-den-ao-quyen-luc-a57920.html