Pixel hóa và làm mờ (blur) từ lâu đã là các biện pháp phổ biến để che nội dung nhạy cảm hoặc cần kiểm duyệt trong ảnh và video. Tuy nhiên, một loạt thử nghiệm gần đây cho thấy: việc che bằng hiệu ứng hình khối (mosaic) hay làm mờ nhẹ hoàn toàn không còn an toàn. Với các công cụ mã nguồn mở sẵn có, người dùng bình thường cũng có thể "giải mã" phần bị che và khôi phục tương đối nội dung ban đầu.
Trong một video mới trên YouTube, lập trình viên nổi tiếng Jeff Geerling đã đăng tải một thử nghiệm nhỏ: anh pixel hóa một cửa sổ tập tin trên màn hình và treo thưởng 50 USD cho bất kỳ ai có thể đoán được nội dung trong khung hình đó. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, nhiều người đã gửi lại hình ảnh mờ nhưng vẫn xác định đúng nội dung gốc - qua đó chứng minh mosaic không phải là lớp bảo vệ đáng tin cậy.

Nếu muốn che thứ gì đó khỏi video, tốt nhất là đừng quay nó vào, hoặc nếu cần, hãy dùng lớp che hoàn toàn như hình khối màu đặc - nơi không còn thông tin nào rò rỉ phía sau. (ảnh minh họa)
Một người dùng GitHub tên KoKuToru đã chia sẻ cách sử dụng các phần mềm miễn phí như FFmpeg và GIMP để phục dựng hình ảnh bị pixel hóa. Phương pháp này dựa vào sự dịch chuyển của khu vực bị làm mờ qua nhiều khung hình: khi đối tượng hoặc lớp che di chuyển, các pixel bị biến dạng cũng thay đổi vị trí, cho phép phần mềm tổng hợp dữ liệu từ hàng trăm khung hình khác nhau để tạo ra bức ảnh "khôi phục" tương đối.
Trong lần thử đầu tiên, KoKuToru dùng tay để phân tích thủ công các khung hình và chỉ thu được kết quả mờ nhòe. Nhưng ở lần thứ hai, anh dùng FFmpeg để trích xuất 200 khung hình có chứa vùng bị che, rồi áp dụng thuật toán phát hiện đường viền (edge detection) để tái dựng hình ảnh rõ ràng hơn rất nhiều. Cách tiếp cận này tương tự với những gì các công nghệ nâng cấp hình ảnh trong game hiện đại đang sử dụng - như TAA, FSR, DLSS hoặc XeSS - vốn tận dụng dữ liệu chuyển động để làm nét lại hình ảnh độ phân giải thấp.
Geerling đặt câu hỏi liệu sử dụng hiệu ứng làm mờ (blur) có an toàn hơn không. Nhưng nhiều người bình luận cho rằng ngay cả blur cũng có thể bị phục hồi, bởi ngành thiên văn học từ lâu đã phát triển các công cụ để xử lý hình ảnh bị mờ do khí quyển - và hoàn toàn có thể áp dụng những kỹ thuật này để đảo ngược blur trong video.
Kết luận của Geerling khá rõ ràng: nếu muốn che thứ gì đó khỏi video, tốt nhất là đừng quay nó vào, hoặc nếu cần, hãy dùng lớp che hoàn toàn như hình khối màu đặc - nơi không còn thông tin nào rò rỉ phía sau.