
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031- 2050.
Trong đó điện thương phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh.
Điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN. Có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), không bao gồm thủy điện, phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%.
Quy hoạch điện VIII cũng nhấn mạnh ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, đến năm 2030, tăng quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW.
Dự kiến đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW và duy trì với quy mô 10.000 MW đến năm 2050. Công xuất xuất khẩu điện thậm chí có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đẩy mạnh nhập khẩu điện từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tiềm năng về thủy điện. Quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam.
Trong đó nhập khẩu điện 14.688 MW từ Lào, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 1,8 - 1,9%), có thể tăng thêm quy mô tối đa hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc nếu điều kiện thuận lợi, giá thành hợp lý.
Chia sẻ tại Hội thảo liên quan đến Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII hồi tháng 2, Thạc sĩ Cao Đức Huy, nghiên cứu viên phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
“Việc xuất khẩu điện nhằm tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai”, ông Huy phân tích.