Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn hồi sinh gốc cây xà cừ đổ do bão Yagi, gửi gắm thông điệp ý nghĩa.

Trong lòng Hà Nội, nơi thời gian dệt nên những câu chuyện dài hơn cả đời người, có một cây xà cừ 70 năm tuổi đứng hiên ngang giữa vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm. Cái cây ấy đã bước qua vô số thời khắc lịch sử, chứng nhân của hai cuộc đấu tranh Pháp và Mỹ, và những năm tháng hòa bình của đất nước.

Thế nhưng, cơn bão Yagi tháng 9 năm 2024, với sức mạnh cuồng nộ, đã quật ngã hơn 25.000 cây xanh, trong đó có cây xà cừ ấy. Bằng con mắt và trái tim của một nghệ sĩ, Tia-Thủy Nguyễn quyết định hồi sinh cây xà cừ, thổi hồn vào thân cây đổ, tạo nên tác phẩm Hồi sinh như lời gửi gắm về sự sống, cái chết, và sự tái hợp vĩnh cửu với vũ trụ. Lễ khai mạc chính thức của Hồi sinh sẽ diễn ra vào ngày 22/4/2025 tại vườn hoa Cổ Tân, Hà Nội. Sau lễ khai mạc, tác phẩm sẽ tiếp tục hiện diện tại vườn hoa Cổ Tân, như một phần của không gian công cộng để mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 1.

 Tác phẩm Hồi sinh không chỉ là một sắp đặt nghệ thuật, mà còn là một hành trình chuyển hóa đầy chất thơ. Từ thân cây xà cừ, dù đã gục ngã, không hề kết thúc vòng đời của mình trong mắt Tia-Thủy Nguyễn. Từ những “mảnh vỡ” của thiên nhiên, cô đã dựng nên một tác phẩm cao 9 mét, đường kính 2 mét, sử dụng thép không gỉ và thạch anh để tái hiện hình hài cây xà cừ trong một sắc thái hoàn toàn khác – lấp lánh, nguy nga, nhưng vẫn giữ được linh hồn của sự tự nhiên.

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 2.

Thép không gỉ và thạch anh để tái hiện hình hài cây xà cừ trong một sắc thái hoàn toàn khác

Năm 2023, Tia-Thủy Nguyễn từng thực hiện tác phẩm Hoa đời với những kỹ thuật tương tự. Với Hồi sinh, nữ nghệ sĩ đã đẩy kỹ thuật và thẩm mỹ lên một tầm cao mới. Quá trình tạo nên Hồi sinh là một bản giao hưởng của sự kiên nhẫn và sáng tạo. Hơn 6.000 giờ làm việc, hơn 6 tấn thép không gỉ đã được nghệ sĩ sử dụng.

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 3.

Những tấm thép dày 5mm được gò thủ công, ôm sát theo từng đường cong gồ ghề của thân cây. Các nghệ nhân hàn kín từng mối nối, tạo ra những nốt và rãnh xù xì, như thể tái hiện lớp vỏ cây trong một ngôn ngữ mới – ngôn ngữ của kim loại lấp lánh. Cành cây được mô phỏng với những đường nét khúc khuỷu, tự nhiên, trong khi tán lá được tạo nên từ hàng nghìn chiếc lá thép óng ánh, điểm xuyết bởi những “bông hoa” thạch anh lấp lánh đủ sắc màu. Khi ánh nắng lên cao, chúng sẽ “chạm vào”, biến tác phẩm như bừng tỉnh, reo ca một khúc nhạc của sự sống.

Lớp vỏ kim loại không chỉ là khung bảo vệ, mà còn là một bộ trang sức rực rỡ, vừa kiêu sa vừa gần gũi. Nó vừa là một công trình kỹ thuật kỳ công, vừa là một lời tuyên ngôn nghệ thuật: cái chết không phải là điểm kết, mà là khởi đầu cho một chương mới, như cái cách chúng ta đứng dậy mạnh mẽ sau cơn bão..

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 4.

Hồi sinh vẫn được đặt lại tại chính nơi cây xà cừ từng đứng. Nó được người nghệ sĩ thổi hồn để không còn là một tác phẩm tĩnh mà có sự sống, có hơi thở, và còn có thể đối thoại với thế giới xung quanh.

Ánh sáng, thế mạnh đặc biệt của Tia-Thủy Nguyễn trở thành một phần không thể tách rời của tác phẩm. Từng tia nắng rơi xuống, được cô “bẫy” bằng những chiếc lá thép và hoa thạch anh, tạo nên những màn trình diễn ánh sáng không bao giờ lặp lại. Mỗi khoảnh khắc, tác phẩm lại khoác lên mình một diện mạo mới, như thể nó đang kể những câu chuyện khác nhau cho từng người thưởng lãm.

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 5.

 Tia-Thủy Nguyễn đã khéo léo dung hòa sự đồ sộ của một sắp đặt cỡ lớn với sự tinh tế trong từng chi tiết. Hồi sinh không chỉ khiến người xem choáng ngợp bởi kích thước, mà còn khơi gợi những cảm xúc sâu kín. Một tia nắng đúng hẹn có thể làm lòng cây bừng sáng, như đánh thức những ký ức ngủ quên.

Nữ nghệ sĩ thổi hồn vào thân cây đổ, "hồi sinh" những “mảnh vỡ” của thiên nhiên- Ảnh 6.

Kết hợp với Hồi sinh là tác phẩm Tiếng vọng của nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng. Tiếng vọng là các băng ghế làm từ chính cây xà cừ đổ, được sắp đặt theo những cung tròn đồng tâm, hướng về Hồi sinh. Hình ảnh thể hiện như những vòng gỗ. Tác phẩm được đúc trong những khối acrylic trong suốt, đặt trên chân thép không gỉ, như thể thời gian đã hóa thành một dòng sông lấp lánh, trôi mãi trong hoài niệm.

Sự cộng hưởng giữa hai tác phẩm tạo nên một không gian nghệ thuật vừa hoài cổ vừa hiện đại, vừa tĩnh lặng vừa sống động, như một lời nhắc nhở rằng mọi sự sống đều có thể được tái định nghĩa. Tác phẩm không chỉ là một biểu tượng của sự tái sinh, mà còn là một lời cam kết cho tương lai, nơi nghệ thuật và thiên nhiên hòa quyện để chữa lành những vết thương.

Hồi sinh sẽ được chính thức ra mắt khán giả thủ đô và cả nước vào cuối tháng Tư. Đây chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, những ai yêu mến cái đẹp, nghệ thuật. Hồi sinh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một nỗ lực làm đẹp cho Hà Nội sau cơn bão Yagi. Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã ủng hộ dự án này của nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn, với mong muốn phục hồi không gian công cộng, tạo điểm nhấn văn hóa, và phát huy giá trị lịch sử của cây xanh đô thị.


Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/nu-nghe-si-thoi-hon-vao-than-cay-do-hoi-sinh-nhung-manh-vo-cua-thien-nhien-a58013.html