Trên đời này, nợ nần là một loại tài sản mà chắc chắn không ai muốn có, đặc biệt là những khoản nợ chẳng phải do mình đi vay. Nhiều khi là chồng giấu vợ đi vay rồi tới khi vỡ lẽ ra, vợ mới ngớ người; nhiều khi là bố mẹ đi vay rồi đến khi mất khả năng trả, con cái phải đứng ra "gánh" giúp.
Tâm sự của cô gái trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy. 30 tuổi, dù chưa từng vay tiền ai, cô vẫn phải oằn mình gánh nợ cho mẹ. Điều đáng nói chính là người mẹ này vay nợ để thỏa đam mê vui chơi, sống sang chảnh chứ không phải mua nhà, mua xe hay đầu tư thua lỗ...
5 lần 7 lượt "nhận nợ" của mẹ, tủi thân đến cùng cực vì đã lập gia đình mà giờ không còn gì trong tay
Nguyên văn tâm sự của cô gái này như sau: "Em năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình. Mẹ đẻ em suốt ngày nợ nần, bà toàn vay chỗ nọ đập chỗ kia, vay hết ngân hàng rồi lại tới vay ngoài. Bà sống hào nhoáng, đi xe đẹp nhưng tất cả đều là tiền vay. Bà bị vỡ nợ 2-3 lần, em nói mẹ bán nhà, bán xe đi trả nợ cho đỡ vất vả nhưng bà không chịu. Bà bảo đã vay tổng hơn 6 tỷ.

Ảnh minh họa
Bố em mất, để lại cho em mảnh đất. Mảnh đó bà chỉ là đại diện nên không cắm ngân hàng vay hay bán được, nhưng bà bí tiền nên cắm sổ đổ vay ngoài 1 tỷ. Giờ 3 năm không trả được, họ gọi cho em để em có trách nhiệm trả cho bà thì mới cho lấy sổ ra. Em quá sốc. Trước khi lấy chồng, năm 27 tuổi, em đã trả nợ cho bà 500 triệu là hết sạch vốn liếng của em rồi.
Thật sự em chưa bao giờ đi vay khoản tiền to như vậy. Em nghĩ chỉ cần làm ít, tiêu ítm tiết kiệm ít một là được. Em nói mẹ em mãi rồi, mẹ con suốt ngày lục đục cãi nhau đến chán.
Giờ em cũng không có nhiều tiền để chuộc cái sổ đỏ kia ra nữa. Mẹ em thì cứ ì ra kệ khoản nợ đó, ý là nếu em muốn lấy sổ ra thì em phải trả nợ khoản đó."
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều vừa thương, vừa nể phục cô gái này. Vì 3 năm trước, ở độ tuổi 27 mà cô đã có khả năng trả nợ 500 triệu cho mẹ thì rõ ràng cô cũng là người có chí làm ăn, biết vun vén tiết kiệm.
"Trời ơi mảnh đất chồng để lại cho con gái trước khi qua đời mà mẹ bạn cũng nỡ làm vậy sao... Mình nghĩ bạn trao đổi với nhà kia cùng ra ngân hàng để bạn cắm sổ vay 1 tỷ trả cho họ luôn, xong bán luôn đất đi lấy làm vốn phòng thân" - Một người gợi ý.
"Mình nghĩ cái đầu tiên bạn cần thay đổi là suy nghĩ của bạn. Bạn là bạn, mà mẹ bạn là mẹ bạn, cái gì ra cái đó, và kể cả là mẹ con thì cũng phải có ranh giới. Ranh giới đến đây thôi là dừng được rồi. Mẹ bạn còn nhà, còn xe thì kệ bà xoay sở với khoản nợ 1 tỷ đó. Chỉ có điều đó là tài sản bố bạn để lại, nhưng không nên vì thế mà tiếp tục đứng ra trả nợ cho mẹ nữa, kiểu gì trả xong thì bà cũng lại mang về khoản nợ mới thôi. Bạn còn chồng con, tập trung lo cho gia đình nhỏ của mình, không ai trách được bạn" - Một người khuyên.
"Mẹ mình cũng thế. Thậm chí từ lúc mình chưa chồng đến lúc có chồng, có quỳ xuống van xin bà đừng mang nợ về nữa cũng không được. Bà nợ tới cỡ phải bán cả nhà, ba mình chịu không nổi phải bỏ đi, rồi bà lấy cả xe của chồng mình, lắc tay vàng của con mình đi bán..." - Một người chung cảnh ngộ chia sẻ.
Ranh giới mong manh giữa "nợ tốt" và "nợ xấu"
Khái niệm "tốt" và "xấu" ở đây không nằm ở bản chất của việc vay nợ mà nằm ở mục đích sử dụng khoản vay, cách quản lý khoản nợ đó và tác động của nó đến tình hình tài chính của người đi vay.
1. "Nợ xấu" - Gánh nặng tài chính và những hệ lụy
"Nợ xấu" thường được hiểu là các khoản vay được sử dụng cho mục đích tiêu dùng không tạo ra tài sản hoặc thu nhập trong tương lai, hoặc các khoản vay mà người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn.

Ảnh minh họa
Mục đích sử dụng của nợ xấu thường là để mua sắm các tài sản tiêu sản như quần áo, đồ dùng cá nhân, các chuyến du lịch xa xỉ,.. hoặc chi trả cho các dịch vụ không mang lại giá trị lâu dài, hoặc đơn giản hơn nữa là lấp đầy những thiếu hụt tài chính tạm thời do chi tiêu quá mức.
Những khoản vay với mục đích như vậy thường không tạo ra dòng tiền hoặc giá trị gia tăng trong tương lai. Chính bởi thế, "nợ xấu" gây áp lực lớn lên ngân sách cá nhân cũng như việc chi tiêu, tích lũy cho tương lai.
Nếu không được quản lý tốt, những khoản vay với mục đích tiêu sản này có thể ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và gây ra những hệ lụy tài chính nghiêm trọng.
2. "Nợ tốt" - Đòn bẩy cho sự tăng trưởng và thịnh vượng
Trái ngược với "nợ xấu", "nợ tốt" là các khoản vay được sử dụng một cách có chiến lược để đầu tư vào các tài sản có khả năng sinh lời, hoặc tạo ra thu nhập trong tương lai.
Mục đích sử dụng của "nợ tốt" thường là để đầu tư vào các tài sản có giá trị tăng theo thời gian, điển hình là mua nhà. Nếu được quản lý hiệu quả, "nợ tốt" có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu tài chính lớn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là "nợ tốt" vẫn là nợ và cần được quản lý một cách cẩn trọng. Trước khi quyết định vay tiền phục vụ cho các mục tiêu chính đáng, cần phải đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng sinh lời, khả năng trả nợ và các rủi ro có thể xảy ra. Một kế hoạch trả nợ chi tiết và kỷ luật là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng "nợ tốt" thực sự mang lại lợi ích như mong đợi.