Sáp nhập địa giới hành chính, có phải đổi căn cước công dân?

Sau khi cập nhật địa giới hành chính mới, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh dữ liệu, người dùng VNeID không cần đổi giấy tờ.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, đã chia sẻ nội dung trên tại tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi", sáng 22-4, do Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Sáp nhập địa giới hành chính, có phải đổi căn cước công dân?- Ảnh 1.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, nói về lợi ích khi kết nối VNeID - Ảnh: Danh Khang

Giấy tờ cũ có còn hiệu lực?

Theo ông Hiển, đến nay trung tâm đã cấp 82 thẻ Căn cước công dân (CCCD) cho công dân đủ tuổi, theo địa danh hành chính cũ. Tuy nhiên, hiện nay có sự sáp nhập các tỉnh, thành. Theo khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các loại giấy tờ được cấp trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết hạn, thì người dân vẫn được sử dụng bình thường.

Nghị quyết 190-2025 của Quốc hội cũng quy định các văn bản, giấy tờ của cơ quan nhà nước đã được ban hành trước đây vẫn có thể tiếp tục sử dụng nếu còn thời hạn giá trị. Đối với CCCD, khi có thay đổi địa giới hành chính, trường hợp công dân đi cấp đổi là không bắt buộc.

"Như vậy, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, không bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý biến động trên các loại giấy tờ nếu như chưa hết thời hạn"- ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, về danh mục đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, việc cập nhật và điều chỉnh sẽ do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Cụ thể, sau khi Tổng cục Thống kê ban hành danh mục địa giới hành chính mới và cung cấp cho C06, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương để cập nhật lên hệ thống theo danh mục mới.

Sáp nhập địa giới hành chính, có phải đổi căn cước công dân?- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Tuy nhiên, đại diện C06 cho biết nếu người dân vẫn sử dụng giấy tờ truyền thống, có thể sẽ phải cấp đổi khi địa giới hành chính thay đổi. Trong khi đó, nếu dùng ứng dụng VNeID, cơ quan công an sẽ tự động cập nhật thông tin địa giới hành chính mới vào tài khoản định danh điện tử của người dân. Các loại giấy tờ đã tích hợp trên VNeID có giá trị pháp lý tương đương với bản giấy.

Sẽ cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài

Ông Hiển cũng thông tin thêm đến nay đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỉ lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần năm 2023).

Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức trên VNeID. Từ 1-7 tới, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường.

"Dự kiến từ 1-7 sẽ triển khai cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài. Sẽ có định danh cá nhân, tổ chức, người nước ngoài và dự kiến 1-7 sẽ triển khai đồng bộ"- ông Hiển nói thêm.

Sáp nhập địa giới hành chính, có phải đổi căn cước công dân?- Ảnh 3.

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, không bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh các loại giấy tờ nếu như chưa hết thời hạn

Tại tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nêu rõ VNeID là một "siêu ứng dụng" ví điện tử, giấy tờ do trực tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội xây dựng, phát triển.

Ông Toàn cho rằng so với các ứng dụng khác thì "đây có lẽ một siêu ứng dụng với số lượng người dùng lớn nhất hiện nay, các thông tin, chức năng của VNeID không quá xa lạ với người dân".

Hiện nay, các loại giấy tờ cơ bản nhất như căn cước công dân, giấy phép lái xe, BHYT… đã được cập nhật trên nền tảng ứng dụng này và sử dụng thuận tiện.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-co-phai-doi-can-cuoc-cong-dan-a58537.html