Từng không có nổi 5 triệu đồng trong ví, cô gái quyết tâm thay đổi 1 thứ, giờ tháng nào cũng có tiền mua vàng

Chỉ đến khi trải qua giai đoạn khó khăn, bạn mới trân quý những đồng tiền tiết kiệm khó khăn lắm mới kiếm được.

Nhiều dân công sở đùa vui rằng, bạn sẽ khó biết bản thân cần sống tiết kiệm như thế nào nếu không trải qua biến cố. Bởi lẽ chỉ khi gặp khó khăn về tài chính, bạn mới trân trọng từng đồng tiền kiếm được khi cuộc sống còn ổn định. Đó cũng là lý do mà Hồng Nhung (SN 1995, TP.HCM) đã phải thay đổi tư duy tài chính trong một lần đi bệnh viện mà trong tay không có đủ tiền đóng viện phí.

“Lúc đó mình từng không quan tâm đến chuyện tương lai”

Từng xem việc mua sắm là cách để xả stress sau giờ làm, Hồng Nhung đã trải qua một giai đoạn dài đắm chìm trong cảm giác thỏa mãn khi được sở hữu món đồ mới. "Cứ cuối tuần là mình lại ra mall. Tủ quần áo thì không còn chỗ trống, nhưng chỉ cần có mẫu mới là mình lại muốn mua. Mình từng nghĩ, còn trẻ thì cứ tiêu, chứ tiết kiệm để làm gì?", cô kể.

Lương mỗi tháng gần 15 triệu đồng, nhưng Nhung không có đồng tiết kiệm nào. Tiền vừa về tài khoản là cô nhanh chóng tiêu gần hết cho quần áo, mỹ phẩm, ăn uống với bạn bè và các đơn hàng online. Cô bạn tự nhận: "Lúc đó, mình không quan tâm đến chuyện tương lai. Cứ thấy tiền là tiêu, sống theo kiểu tháng nào biết tháng đó."

Từng không có nổi 5 triệu đồng trong ví, cô gái quyết tâm thay đổi 1 thứ, giờ tháng nào cũng có tiền mua vàng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Bước ngoặt đến khi cô trải qua đợt điều trị sức khỏe kéo dài 2 tháng. Chi phí viện phí, thuốc men khiến cô phải vay mượn bạn bè, gia đình vì trong tay không có nổi 5 triệu đồng. "Lúc đó mình nhận ra, nếu tiếp tục sống như vậy, mình sẽ luôn trong trạng thái chạy theo đồng tiền. Không tiết kiệm, không đầu tư, thì lúc cần tiền, mình chẳng có gì cả ngoài sự hoảng loạn”, Nhung nhớ lại.

Sau đợt đó, Nhung quyết định thay đổi. Cô bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, học cách chi tiêu theo kế hoạch và đặt mục tiêu đầu tiên: Mua được 5 chỉ vàng.

"Vàng là thứ hữu hình, dễ cất giữ và có giá trị theo thời gian. Mình chọn nó làm mục tiêu đầu tiên vì đơn giản là muốn thấy thành quả rõ ràng, cầm được trên tay. Lúc mua được chỉ vàng đầu tiên từ tiền tiết kiệm, mình thấy rất tự hào. Nó không nhiều, nhưng là minh chứng cho nỗ lực vượt qua thói quen tiêu xài vô tội vạ của bản thân”, cô nàng tâm sự.

Cảm giác mua được vàng giống như tự thưởng cho mình

Hiện tại, ngoài công việc chính trong lĩnh vực truyền thông, Nhung còn làm thêm nội dung tự do cho các nhãn hàng và bán hàng online theo mùa. Tổng thu nhập hàng tháng tăng lên gần 25 triệu đồng, trong đó đều đặn mỗi tháng cô trích ra ít nhất 3 triệu để mua vàng.

"Cảm giác mỗi lần đi mua vàng giống như tự thưởng cho chính mình vậy. Nhìn số vàng tích luỹ dần, mình thấy yên tâm và có động lực hơn trong công việc. Vàng không chỉ là tài sản, mà còn là thành quả của sự kỷ luật và kiên trì."

Từng không có nổi 5 triệu đồng trong ví, cô gái quyết tâm thay đổi 1 thứ, giờ tháng nào cũng có tiền mua vàng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Hiện cô đang áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ để phân chia thu nhập: 50% cho nhu cầu thiết yếu, 20% tiết kiệm, 10% đầu tư học tập, 10% hưởng thụ, 5% từ thiện và 5% dự phòng khẩn cấp. Ban đầu hơi rối rắm nhưng chỉ sau vài tháng, cô quen dần và thấy rõ sự khác biệt. "Khi có kế hoạch rõ ràng, mình không còn tiêu theo cảm xúc nữa. Cái gì cũng có lý do chính đáng mới rút tiền ra chi."

Hồng Nhung chia sẻ, cô từng nghĩ tiết kiệm là thiệt thòi bản thân, nhưng sau một thời gian áp dụng, cô nhận ra: "Tiết kiệm không phải là sống khổ, mà là sống có kế hoạch. Mình vẫn đi chơi, vẫn ăn ngon, vẫn mua sắm... nhưng là mua những gì thật sự cần và nằm trong ngân sách. Không tiêu xài hoang phí, nhưng cũng không bóp nghẹt bản thân."

Hiện tại, cô đã sở hữu 1 cây vàng sau hơn 1 năm thay đổi thói quen tài chính. Cô đặt mục tiêu tích lũy thêm 1 cây nữa trong năm tới, đồng thời học thêm về đầu tư để sử dụng tiền hiệu quả hơn. "Mình không muốn đến tuổi 40 mà vẫn sống nhờ vào lương tháng. Phải có tài sản riêng và có thu nhập thụ động thì mới yên tâm sống theo cách mình muốn."

Với Hồng Nhung, việc thay đổi tư duy tài chính là một hành trình dài nhưng xứng đáng. Từ một cô gái sống theo cảm xúc, tiêu tiền không cần nghĩ, giờ đây cô đã trở nên có kế hoạch, biết cân đối và đặt mục tiêu rõ ràng.

"Chỉ cần mua được chỉ vàng đầu tiên, bạn sẽ hiểu cảm giác kiểm soát được tiền bạc là như thế nào. Nó không phải là sự tằn tiện, mà là sự tự do thực sự. Tự do không nằm ở việc tiêu bao nhiêu, mà ở chỗ bạn có lựa chọn khi cần thiết."




Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/tung-khong-co-noi-5-trieu-dong-trong-vi-co-gai-quyet-tam-thay-doi-1-thu-gio-thang-nao-cung-co-tien-mua-vang-a58596.html