Theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ ngày 4/4/2025, nước này đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với sáu loại đất hiếm nặng – loại khoáng sản chỉ được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc – cùng với nam châm đất hiếm, chiếm 90% sản lượng toàn cầu. Các loại đất hiếm và nam châm này hiện chỉ được xuất khẩu nếu có giấy phép đặc biệt. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này sau đó lần lượt được tăng lên thành 20% vào 4/3, 54% vào 2/4, 104% vào 8/4 và 145% vào 9/4.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Trung Quốc thông báo cấm xuất khẩu một loạt công nghệ chiết xuất và phân tách đất hiếm. Công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm và vật liệu hợp kim, công nghệ chế tạo một số nam châm đất hiếm cũng bị đưa vào Danh mục chịu hạn chế hoặc cấm xuất khẩu, theo Reuters.
Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, tuabin gió cùng nhiều thiết bị điện tử và năng lượng tái tạo. Chúng chia thành hai nhóm chính là đất hiếm nhẹ (LREE, từ lanthanum đến europium) và đất hiếm nặng (HREE, từ gadolinium đến lutetium).
Environmental Change and Security Program cho biết, đất hiếm là kho báu quý nhưng công nghệ tinh chế, chế biến còn quý hiếm hơn. Năm 1992, khi đến thăm Bao Đầu, Nội Mông, một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có câu nói nổi tiếng: "Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm".
Nhưng không giống như các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông chủ yếu khoan và xuất khẩu dầu thô, Trung Quốc đã xây dựng toàn bộ hệ sinh thái xung quanh đất hiếm, từ sản xuất và chế biến khoáng sản đến sản xuất thành phẩm và quan trọng nhất là nam châm đất hiếm.
Từ năm 1950 đến tháng 10/2018, Trung Quốc đã nộp hơn 25.000 bằng sáng chế về công nghệ đất hiếm, vượt qua 10.000 bằng sáng chế của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, các kỹ sư Trung Quốc đã hoàn thiện quy trình chiết xuất dung môi để tinh chế REE, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vị thế hàng đầu của Trung Quốc.
Trung Quốc đã làm chủ được quá trình tinh chế, chế biến đất hiếm, trong khi các công ty phương Tây lại thiếu chuyên môn để đạt được kết quả tương tự. Theo đó, Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ báu vật của mình - đó là công nghệ tinh chế đất hiếm .
Đáng chú ý, Trung Quốc đã tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), và tự động hóa vào các khâu khai thác, tách, và tinh chế đất hiếm. Các công nghệ số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình chế biến và tinh chế nguyên tố đất hiếm tại Trung Quốc, giúp nước này củng cố vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Như tại mỏ đất hiếm lớn như Bayan Obo (Nội Mông) sử dụng cảm biến IoT để giám sát chất lượng quặng, độ ẩm, và thành phần hóa học ngay tại hiện trường. Dữ liệu này được truyền về trung tâm điều khiển để tối ưu hóa quá trình tuyển nổi và tách quặng. Hệ thống IoT giúp giảm thiểu lãng phí quặng và cải thiện hiệu suất khai thác, đặc biệt với các loại quặng đất hiếm nặng (như dysprosium, terbium) có hàm lượng thấp.
Cùng với đó, ScienceDirect cho biết Trung Quốc ứng dụng tối đa tự động hóa quy trình tinh chế. Cụ thể, các nhà máy tinh chế đất hiếm tại Trung Quốc sử dụng hệ thống điều khiển số (digital control systems) để tự động hóa các công đoạn như hòa tan axit, chiết xuất và kết tủa oxit đất hiếm. Và robot công nghiệp được triển khai trong các khâu nguy hiểm (như xử lý chất thải axit) để giảm rủi ro cho công nhân và tăng độ chính xác.
Thực tế, rất nhiều nước đang phụ thuộc và nguồn cung thành phẩm từ đất hiếm thông qua Trung Quốc, trong đó có Mỹ. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, hiện nay Mỹ khai thác khoảng 12% nguồn cung đất hiếm của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nhưng tinh chế đòi hỏi nhiều vốn và không có lợi nhuận cao nên Trung Quốc là trung tâm chế biến chính.
Wall Street Journal cho biết, Mỹ xuất khẩu khoảng 2/3 lượng đất hiếm của mình sang Trung Quốc. Mỹ không có nhiều lựa chọn, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng 85% hoạt động tinh chế đất hiếm của thế giới. Sau đó, các công ty Trung Quốc biến quặng thành sản phẩm cuối cùng, đó là nam châm đất hiếm và xuất khẩu nam châm trở lại Mỹ.
Morgan Bazilian, giám đốc Viện Payne tại Đại học Mỏ Colorado cho biết, “khâu xử lý và tinh chế quặng thực sự quan trọng, nhưng chúng hiện do Trung Quốc nắm giữ". Ông Morgan Bazilian cho biết thêm, với nỗ lực hiện tại của Trung Quốc, nước này khó có thể đánh mất vị thế thống trị trong lĩnh vực tinh chế quặng.