Victor Vũ là một trong những đạo diễn bảo chứng chất lượng phim điện ảnh hàng đầu của Việt Nam. Anh từng ghi đậm dấu ấn với những tác phẩm giật gân, có plot twist bất ngờ như Scandal: Bí Mật Thảm Đỏ (2012), Quả Tim Máu (2014)... Thời gian gần đây, Victor Vũ còn lấn sân sang thể loại tình cảm và gặt hái được ít nhiều thành công.
Năm 2023, nhà làm phim sinh năm 1975 cho ra mắt Người Vợ Cuối Cùng dựa trên tiểu thuyết Hồ Oán Hận của Hồng Thái. Song, anh đã lái phim theo hướng tình cảm, lãng mạn thay vì màu sắc kỳ bí của nguyên tác. Phim đạt doanh thu bùng nổ hơn 100 tỷ đồng và tạo tiền đề để Victor Vũ thực hiện tiếp ngoại truyện Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu.
Khác với lần trước, bộ phim sẽ quay về với thể loại sở trường của anh là trinh thám, giật gân và kinh dị. Nhân dịp Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu ra rạp, Victor Vũ đã có buổi phóng vấn với chúng tôi để chia sẻ nhiều điều thú vị xoay quanh tác phẩm.
Không ai thay thế được Quốc Huy trong vai thám tử Kiên
Vì sao anh quyết định làm bộ phim Thám Tử Kiên?
Thực tế mà nói, kịch bản của Thám Tử Kiên được phát triển cùng thời điểm với Người Vợ Cuối Cùng. Cả hai bộ phim đều được chuyển thể từ tác phẩm văn học Hồ Oán Hận của nhà văn Hồng Thái. Nếu Người Vợ Cuối Cùng khai thác câu chuyện tình cảm, bi kịch của Linh và Nhân thì có thể nói Thám Tử Kiên sẽ theo hành trình của Kiên khi Kiên đến một ngôi làng bị ma ám, khai thác, tìm hiểu về bí mật đáng sợ của ngôi làng này. Trong tiểu thuyết, hai câu chuyện này song song với nhau nên tôi và nhóm biên kịch thấy rất tiềm năng để tách hai câu chuyện này ra thành hai bộ phim khác nhau.
Thật ra, lúc đang phát triển 2 kịch bản, tôi nhận ra kịch bản Thám Tử Kiên khó hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều thời gian, sự đầu tư cần lâu dài hơn. Các tình tiết, logic cần phải chặt chẽ nên tôi quyết định ra mắt Người Vợ Cuối Cùng trước.
Điện ảnh Việt hiện nay khá ít dự án spin-off của một nhân vật riêng. Liệu Thám Tử Kiên có phải là phép thử của anh?
Có thể. Thật ra, Thám Tử Kiên là một dự án mà tôi đã ấp ủ từ lâu, rất muốn khai thác. Việc Người Vợ Cuối Cùng ra mắt trước, giới thiệu Kiên là một nhân vật phụ trong đó để khán giả thấy được một góc của nhân vật này. Sau khi phản ứng của khán giả khá tích cực, cũng có thể nói đây là động lực để tôi đẩy mạnh và phát triển Thám Tử Kiên nhiều hơn.

Quốc Huy là một cái tên khá mới ở phương diện điện ảnh và khó có thể cân được phòng vé. Tại sao anh vẫn quyết định giao vai chính cho Quốc Huy mà không phải là một gương mặt sao hạng A nào đó?
Từ trước đến giờ, quan điểm của tôi vẫn là không phụ thuộc vào tên tuổi nào đó. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là diễn viên phải hợp vai. Điều này không có nghĩa là tôi ngại làm việc với những diễn viên có hoặc chưa có kinh nghiệm. Vấn đề ở đây vẫn là lựa chọn diễn viên dựa theo sự phù hợp với vai diễn.
Qua Người Vợ Cuối Cùng, Quốc Huy đã thể hiện vai Kiên khá tốt nhưng không có nghĩa là Quốc Huy không cần phải casting cho phim Thám Tử Kiên. Trong Người Vợ Cuối Cùng, vai Thám Tử Kiên chiếm khoảng 25 - 30% thôi. Nhưng với Thám Tử Kiên, đây là một vai chính, xuất hiện xuyên suốt và là người dẫn chuyện cho khán giả luôn. Nhân vật lần này, về mặt tâm lý sẽ phức tạp hơn, có nhiều lớp tâm lý, cảm xúc, rất nhiều, có thể nói là nhiều gấp 10 lần Người Vợ Cuối Cùng. Việc tôi muốn thử diễn viên cho vai này mặc dù họ đã thực hiện việc đó trước đây là một điều tốt cho cả nhà làm phim và diễn viên. Cả hai đều tự tin với lựa chọn của mình và cho diễn viên cảm thấy tự tin rằng họ vào được một vai diễn đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Rất may là trong các buổi casting, tôi nhận ra không ai thay thế được Quốc Huy trong vai này. Khi Quốc Huy bước vào set trong bộ phục trang, bộ râu, Huy trở thành thám tử Kiên. Chỉ cần ánh mắt, cử chỉ, thần thái của Huy đã thuộc về thám tử Kiên rồi.
Việc làm một bộ phim trinh thám chuyển thể từ tiểu thuyết có phải là lợi thế lớn hơn so với các bộ phim gốc như Scandal, Thiên Thần Hộ Mệnh trước đây mà anh đã từng thực hiện?
Cũng có những lợi thế. Đó cũng là lý do vì sao tôi rất thích làm phim chuyển thể từ văn học. Vì đây là những tác phẩm được tác giả đầu tư nhiều tâm huyết về nội dung, nhân vật, tâm lý nhân vật. Các tác phẩm này đã có sẵn chi tiết, nội dung rất quý báu mà tôi có thể tìm cách cấu trúc lại theo một bộ phim điện ảnh. Tôi nghĩ đó là sự kết hợp rất hoàn hảo.
Đa phần các phim chuyển thể đều là những bộ phim trăm tỷ. Liệu đây có phải lý do để anh khai thác vũ trụ Hồ Oán Hận?
Đó không phải là lý do với tôi vì thực tế, Hồ Oán Hận không phải là một tác phẩm quá nổi tiếng. Thể loại này cũng không phải quá phổ biển tại thị trường Việt Nam. Với tôi, quan trọng là mình đã tìm được một câu chuyện đầy thú vị, hấp dẫn để khai thác thành bộ phim điện ảnh. Tôi nghĩ đó là lý do chính mà mình quyết định chuyển thể lần này.

Bối cảnh, phục trang và mood của Thám Tử Kiên gần như được “tái sử dụng” từ Người Vợ Cuối Cùng. Đó có phải là một quá trình dễ dàng không?
Dễ dàng thì không vì thực tế mà nói, tôi và ekip phải sản xuất lại từ đầu. Sau một bộ phim, thực tế mà nói, những phục trang, đạo cụ được dùng trong phim cũng khó để giữ gìn sang phim sau vì đã được sử dụng rất nhiều. Đối với một phim như Thám Tử Kiên, tôi phải làm lại rất nhiều thứ. Nếu dùng lại thì chỉ 20% còn 80% phải làm lại hết từ đầu. Thám Tử Kiên đang mang màu sắc trinh thám, ly kì nên về mặt màu sắc, thiết kế cũng phải khác và phù hợp với bộ phim lần này.
Kể từ bộ phim Thiên Mệnh Anh Hùng ra mắt tới nay đã được 10 năm. Vậy quá trình chuẩn bị cổ phục của Thám Tử Kiên so với 10 năm trước có điều gì khác biệt không? Theo anh thì quá trình này khó khăn hơn hay thuận lợi hơn?
Cả hai bộ phim đều có thử thách riêng nhưng có thể nói, quy mô của Thiên Mệnh Anh Hùng lớn hơn, liên quan đến cung đình nên những đòi hỏi về phục trang, bối cảnh sẽ cao hơn rất nhiều. Những phần đầu tư về bối cảnh, phục trang của Thám Tử Kiên sẽ không thử thách bằng Thiên Mệnh Anh Hùng. Tôi thấy thử thách nhiều hơn trong Thám Tử Kiên là cách kể chuyện trong bộ phim này. Đó chính là thứ mà tôi phải tính toán nhiều hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn.

30/4 là dịp lễ lớn, khán giả hoàn toàn có thể xem Thám Tử Kiên và Lật Mặt 8
Tại sao anh lại lựa chọn ra mắt Thám Tử Kiên vào dịp lễ 30/4, 1/5?
Đây là một quyết định chung chứ không phải của riêng tôi. Nhà sản xuất, nhà phát hành, phía truyền thông marketing đều thấy dịp lễ 30/4 lần này là một dịp rất lớn. Việc có những bộ phim đa màu sắc, nhiều thể loại để trình chiếu trong mùa lễ là một điều rất đáng mừng, nhất là khi thị trường đang phát triển mạnh mẽ. Dịp lễ này giống như một mùa Tết thứ 2 nên việc có 2 - 3 phim Việt ra rạp vào thời điểm đó là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường.
Khán giả thường có xu hướng xem những bộ phim về tình cảm gia đình, tình yêu đất nước vào dịp lễ 30/4, 1/5. Hiện nay cũng có một số bộ phim theo chủ đề này đã khởi chiếu. Việc ra mắt một sản phẩm trinh thám kinh dị vào dịp lễ 30/4, 1/5 có phải là một quyết định mạo hiểm của anh không?
Có lẽ vì tôi và mọi người đều cảm thấy bộ phim Thám Tử Kiên rất giải trí. Sau những buổi chiếu thử thì thật sự, từ ban đầu, đó là bộ phim có kịch bản được thiết kế không chỉ mãn nhãn mà còn kịch tính, giải trí, có nhiều cung bậc cảm xúc. Đối với tôi, đây không phải là bộ phim trinh thám kinh dị nặng nề. Phim có yếu tố kinh dị nhưng đa màu sắc và khá giải trí. Tôi nghĩ đây cũng là một bộ phim phù hợp với mùa lễ này.
Từ khi dự án của anh được công bố ra mắt cho tới hiện tại, điều mà báo chí và khán giả nhắc đến nhiều nhất là cuộc đụng độ của anh và Lý Hải trong dịp lễ 30/4 năm nay. Trong những năm gần đây, 30/4 gần như là dịp lễ dành cho phim của Lý Hải toả sáng. Có câu “Mùa Tết né phim Trấn Thành, mùa 30/4 né phim Lý Hải”. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Tôi nghĩ cả Lật Mặt 8 và Thám Tử Kiên đều là tâm huyết rất lớn của anh Lý Hải và tôi. Tôi có thể chắc chắn điều đó, đây là tâm huyết rất lớn của cả hai nhà làm phim. Hơn nữa, hai bộ phim là hai màu sắc hoàn toàn khác nhau. Khán giả hoàn toàn có thể xem cả hai phim. Tôi không nghĩ có tinh thần cạnh tranh gì ở đây hết. Người hưởng lợi nhất cũng không phải tôi và anh Lý Hải, mà là khán giả.

Cũng có ý kiến cho rằng việc Thám Tử Kiên ra mắt cùng dịp lễ với Lật Mặt 8 cũng là cách truyền thông không tồi, giống như Nụ Hôn Bạc Tỷ và Bộ Tứ Báo Thủ dịp Tết vừa rồi. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Tôi không dám bình luận về phim Tết vì thực ra tâm lý của người xem mùa Tết rất khác. Đó là một mùa phim đặc biệt. Tôi thấy đơn giản 30/4 là một dịp lễ lớn. Khán giả có nhiều thời gian nghỉ nên việc họ có thể xem 2 phim, không chỉ 1 phim là chuyện bình thường ở một thị trường như Việt Nam.
Được báo nước ngoài ngợi khen là Đạo diễn hàng đầu của Việt Nam, anh cảm thấy thế nào?
Tôi cũng ngại khi nghe nhận xét đó. Thực ra, tôi yêu nghề này, làm vì đam mê. Tôi làm những bộ phim chỉn chu không phải để thể hiện điều gì mà vì tôi tôn trọng cái nghề và khán giả của mình. Đó là lý do chính tại sao tôi luôn luôn hướng về việc làm những bộ phim chỉn chu hơn. Tất cả là vì đam mê của tôi thôi chứ tôi cũng không làm phim để cạnh tranh hay có đối thủ nào đó. Thật lòng là như vậy.

Trong sự nghiệp của mình, anh có một số dự án không được khán giả đón nhận và đánh giá cao. Anh đã làm gì để vượt qua và bước tiếp?
Dễ thôi. Tại vì đối với tôi, thất bại lớn nhất là thực hiện một điều gì đó không mới hoặc là lặp lại cái cũ. Tôi biết để khai thác những điều mới mẻ hoặc góp sức cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, mình phải chấp nhận rủi ro. Tôi phải chấp nhận việc làm một bộ phim như một phép thử vì thị trường mình đang thiếu thể loại này. Một phần tôi chấp nhận những rủi ro đó vì nghĩ về đường dài nhiều hơn.
Phim điện ảnh Việt ở mảng kinh dị đã có những cú bùng nổ lớn nhất từ trước đến giờ vào 4 tháng đầu năm nay. Với kinh nghiệm đã từng làm nhiều phim trăm tỷ, theo anh, nguyên nhân do đâu khiến cho mảng phim này thành công đến như vậy?
Thật ra, phim kinh dị là một thể loại rất phổ biến từ rất lâu. Các thị trường trên thế giới đến bây giờ vẫn rất phổ biến. Có thể thời gian gần đây, có một số nhà làm phim trẻ nói chung ở thị trường Việt Nam có đam mê với thể loại kinh dị. Họ dấn thân vào thể loại này, dám khai thác nhiều câu chuyện kinh dị. Thật ra, việc phim kinh dị ăn khách hay được khán giả yêu thích, tôi không bất ngờ vì đây là thể loại phổ biến và đã ăn khách từ rất lâu rồi, cả trăm năm nay rồi. Tôi nghĩ khác biệt ở chỗ thời gian gần đây, nhiều nhà làm phim gốc Việt đã khai thác đề tài này nhiều hơn. Thành công của thể loại này không gây bất ngờ với tôi.

Tuy nhiên, có một số bộ phim vấp phải tranh cãi về chất lượng. Có nhiều khán giả bình luận rằng nhiều bộ phim trăm tỷ không phản ánh chất lượng. Anh có nghĩ gu xem phim của khán giả Việt đang có quá dễ dãi và dễ chiều lòng không?
Tôi không dám bình luận về chất lượng của các bộ phim đó vì tôi luôn nghĩ mỗi khán giả sẽ có một cảm nhận riêng. Cái mình nghĩ là chất lượng thì người khác sẽ nghĩ khác, mình nghĩ phim này kém chất lượng thì người khác cũng có thể thấy vô cùng thích thú với bộ phim đó. Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào gu của mỗi người. Tôi có thể nói một điều là, đôi khi, chất lượng và đề tài là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Đề tài của bộ phim thu hút người xem còn chất lượng là vấn đề khác. Tôi nghĩ một bộ phim có cả hai, vừa có đề tài thu hút, vừa có chất lượng thì đương nhiên phim đó sẽ thành công hơn. Điều này không có nghĩa bộ phim không có đề tài thu hút lại không thể kéo được nhiều người xem ra rạp. Tôi nghĩ điều này hết sức bình thường.
Hiện nay, làn sóng sử dụng AI, đặc biệt trong điện ảnh đang diễn ra ngày một nhiều. Anh có nghĩ đây là một mối đe doạ cho nghề nghiệp của mình không?
Cũng có thể. Tôi nghĩ công nghệ luôn luôn là một con dao hai lưỡi. Biết sử dụng nó, biết điều khiển nó để phục vụ cho công việc tốt nhất có thể là điều rất tốt, mang lại những lợi ích cho nhà làm phim. Nhưng khi mình lệ thuộc vào nó, giảm đi sự sáng tạo của mình thì điều đó rất nguy hiểm. Tôi nghĩ trong nghệ thuật cần sự sáng tạo riêng của mỗi con người, việc mình lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ thực ra khá nguy hiểm.

Nhưng nếu sử dụng AI làm poster phim, nhạc phim để tiết kiệm thời gian và chi phí hơn thì liệu anh có chấp nhận điều đó không? Giống như Quỷ Nhập Tràng vừa rồi.
Tới hiện tại, ngày mai thì tôi không biết vì có thể ngày mai công nghệ có thể phát triển khủng khiếp tới mức không nhận ra đó là AI. Khi một cái gì đó được làm bởi AI và không có quá nhiều sự sáng tạo của con người thì tôi nhận ra một phần nào đó là đang sử dụng công nghệ. Nó thiếu sự chân thật. AI giống như một công cụ, con người càng tham gia, càng điều chỉnh và điều tiết thì thật ra nó sẽ mang lại cảm giác không phải công nghệ tạo ra. Nó luôn cần sự sáng tạo của con người. Tôi nghĩ tới thời điểm bây giờ, cái gì mình xem và cảm thấy: “À cái này là AI làm rồi” thì chưa chắc đã hay.
Tôi làm việc trong showbiz nhưng không thích sống theo showbiz
Anh tự đánh giá bản thân mình là một đạo diễn thế nào? Nghiêm khắc hay dễ tính, cầu toàn hay không? Có nhiều câu chuyện mà mọi người nói rằng Victor Vũ là một đạo diễn rất nóng tính khi ở trên phim trường.
Thật ra, nóng tính hay cầu toàn kĩ tính cũng không liên quan đến nhau. Tôi vẫn có thể kỹ tính hoặc cầu toàn nhưng không nhất thiết phải nổi nóng. Tôi cũng thừa nhận là có thời gian tôi nóng nảy, kiểu mất bình tĩnh nhiều hơn. Tôi nghĩ cái sự nóng tính có nguồn gốc từ sự thiếu bình tĩnh, thiếu kiên nhẫn nên tôi muốn biết tại sao mình có tính cách như vậy thì phải quay lại phân tích nhiều hơn. Lúc đó, tôi là người hơi thiếu bình tĩnh và kiên nhẫn. Có thể qua thời gian, tôi học được sự bình tĩnh và kiên nhẫn nên tính nóng giảm đi rất nhiều. Nhớ lại một số dự án gần đây, tôi nghĩ lâu lắm rồi mình không nổi nóng khi đi quay. Cảm giác đi phim khoảng 5-7 năm trở lại đây rất thoải mái, nhưng tôi nghĩ điều đó hiệu quả hơn.
Trong cuộc sống riêng với gia đình thì sao, trong việc nuôi dạy 2 bé, anh có phải là một người cha nghiêm khác không, có bao giờ phải nóng nảy không?
Phải nói là hai bé đã dạy cho tôi rất nhiều. Tôi thấy mình học hỏi được từ các con bằng những cái mà phải dạy cho các con. Từ khi làm cha, độ kiên nhẫn và bình tĩnh của tôi vượt lên rất nhiều. Tôi không chỉ bình tĩnh và kiên nhẫn hơn mà còn phải thay đổi cái tôi rất nhiều. Đôi khi, cái tôi của tôi là con số 0 luôn, không còn nữa vì điều quan trọng nhất không phải là mình mà là người khác.
Tôi cũng nghiêm khắc với các con vì tôi tin những đứa trẻ cũng cần một sự nghiêm khắc. Ở nhà, Diệp là một người mềm mại hơn nhưng tôi sẽ phải đóng vai bad guy, nghiêm khắc, để cho có sự cân bằng. Việc đó thì tôi sẵn sàng thôi, phải nói là trong lúc tôi nghiêm khắc thì vẫn phải uyển chuyển vì các con vẫn còn là những đứa trẻ, cần sự uyển chuyển của người lớn. Đó là điều mà tôi phải học hàng ngày và thấy khá thú vị.

Hiện giờ, nhiều cặp đôi nghệ sĩ trong showbiz cũng thích làm content cùng con cái, cho con tiếp xúc sớm với showbiz. Quan điểm của anh về điều này như thế nào?
Quan điểm của tôi khá đơn giản. Từ lâu, tôi làm việc trong showbiz nhưng không thích sống theo showbiz. Thật lòng là như vậy. Tôi không bao giờ khao khát mình là một người của công chúng hay nổi tiếng. Tôi chỉ nghĩ đến việc được làm phim là đam mê từ khi còn bé nên ngày nào còn được làm nghề, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tuy nhiên, khi làm phim, tôi cũng phải đứng ra, đôi khi phải quảng bá phim, làm các hoạt động về truyền thông. Thật lòng mà nói, tôi sống trong thế giới showbiz, làm việc trong showbiz nhưng không thích sống theo showbiz.
Đối với con cái, các bé không cần theo nghề của cha mẹ. Sau này các con muốn làm gì thì làm. Đó là đam mê của cha mẹ, không nhất thiết phải là đam mê của các con. Sau này các con chọn con đường nào thì là con đường của các con. Đó cũng là lý do tại sao tôi khá kín tiếng vì tôi thích cuộc sống như vậy.

Trong suốt hành trình làm nghề, đâu là khoảnh khắc mà anh cảm thấy biết ơn vợ mình nhất? Cả trong vai trò một người bạn đời lẫn đồng nghiệp.
Từ khi tôi và Diệp gặp lại nhau sau một thời gian dài không nói chuyện. Khi tôi mới về Việt Nam, hai người chỉ là bạn bè đồng nghiệp thôi. Sau một thời gian gặp lại nhau, năm 2014 - 2015, thật lòng tôi không phải là một người dễ chia sẻ. Một người hướng nội như tôi gặp người hướng ngoại như Diệp, tôi cảm thấy có thể cởi mở, chia sẻ nhiều với người này. Trước đó, trong công việc, tôi thấy mình hơi cô độc nhưng điều mà tôi rất biết ơn khi gặp Diệp và cưới Diệp là mình có thể chia sẻ mọi chuyện. Cảm giác đó quan trọng với tôi vì cái nghề làm phim đã quá quan trọng với mình. Khi tìm được người hiểu được sự quan trọng đó là một điều vô giá. Tôi cũng biết hai người làm hai nghề khác nhau nhiều khi sẽ mâu thuẫn và khó đồng cảm với nhau. Cũng có người nói rằng làm chung một nghề cũng có thể có va chạm nhưng tôi nghĩ tôi và Diệp có sự đồng cảm. Sự đồng cảm đó giúp tôi làm việc thoải mái hơn. Khi chia sẻ, tôi tin người đó cũng có một phần tư duy về nghệ thuật, sáng tạo đồng điệu với mình. Khi được chia sẻ điều đó, tôi cảm thấy rất thoải mái.

Anh có cảm thấy vì hết lòng giúp đỡ cho sự nghiệp làm phim của mình nên bà xã đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội diễn xuất vì trước đây, Ngọc Diệp cũng là một bóng hồng của điện ảnh Việt?
Thực ra Diệp cũng từng bỏ một số cơ hội trước khi gặp tôi rồi. Thời gian gặp tôi, Diệp muốn xa rời showbiz và chuyện phim ảnh. Có lẽ chính vì vậy mà tôi và Diệp có nhiều tâm sự và thời gian để nói chuyện để chia sẻ nhiều hơn. Có lẽ chính vì vậy, tôi đã tìm hiểu được con người bên trong của vợ hơn trước đây. Vì trước tôi chỉ thấy Diệp là một cô nhân viên, thể hiện ra ngoài như thế nào thì là như vậy. Thời gian sau này, Diệp giống như một cô gái bình thường. Khi tìm hiểu, tôi thấy vợ tôi rất giàu tình cảm và gần gũi.
Anh làm sao để cân bằng giữa việc làm phim và chăm lo cho gia đình?
Phải tìm cách thôi. Tất cả những gì tôi làm trong cuộc sống, nếu muốn thì sẽ tìm cách và sắp xếp thời gian. Tôi muốn dành thời gian cho gia đình thì sẽ tìm cách sắp xếp. Con người chỉ không làm khi thực sự không muốn thôi. Tôi nghĩ điều gì cũng có thể tìm được sự cân bằng, quan trọng là phải chịu khó thôi.
Trong showcase gần đây, Ngọc Diệp có chia sẻ là bị chồng mắng đến nỗi khóc trên phim trường. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
Thật ra cũng không phải là mắng đâu. Tôi chỉ hơi nghiêm khắc một tí. Tôi nghĩ ở ngoài hiện trường, tôi khá công bằng với tất cả diễn viên. Vì tôi nghĩ rằng, nếu không nghiêm khắc thì cả hai đều sẽ thất bại. Diễn viên cũng không toả sáng được, hoặc là mình cũng không đạt được cái mà mình mong muốn ở phần diễn xuất. Tôi nghĩ đôi khi mình phải đẩy diễn viên để làm tốt hơn vì họ có khả năng làm được. Tôi chọn họ vì tôi nghĩ họ có đầy đủ khả năng để làm tốt vai diễn. Trong trường hợp của Diệp, phải nói là vai Hai Mẫn trong Thám Tử Kiên khó hơn trong Người Vợ Cuối Cùng rất nhiều. Có thể là gấp 10 lần, về mặt cảm xúc, tâm lý phức tạp hơn rất nhiều.
Tôi biết Diệp phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng ngoài hiện trường, nói gì thì nói, chúng ta không có thời gian. Đôi khi phải nói một số thứ không chính xác để diễn viên hiểu vấn đề nằm ở đâu. Đôi khi mình phải như vậy. Diễn viên cũng là con người thôi, họ nhạy cảm nên mỗi người sẽ phản ứng khác nhau. Tôi nghĩ chính vì những câu nói đó, Diệp mới thể hiện được cái mà mình mong muốn. Qua kinh nghiệm đó, tôi thấy rất hiệu quả.

2 năm trước, anh từng trả lời phỏng vấn là sẽ làm thêm 40 - 60 phim nữa. Hiện tại thì “ngọn lửa” này còn không?
40 phim? Làm sao mà làm được. 20 phim là cùng. Tôi nghĩ lửa nghề không bao giờ tắt đâu. Có lẽ, mỗi ngày còn cháy rực rỡ hơn. Thật lòng mà nói, càng làm phim, tôi càng thấy nhiều điều để học hỏi, nhiều thứ hay ho để khai thác hơn.
Anh có muốn thử sức với dòng phim nào mới không? Khi anh đã là người đi qua rất nhiều thể loại trinh thám, giật gân, kinh dị, tình cảm,... Có thể loại phim nào mà anh mong muốn làm và khai thác không?
Việc muốn khai thác thể loại mới thì chắc chắn có. Nhiều khi tôi cũng nghĩ mình muốn thử sức làm một phim về chiến tranh hoặc tình cảm xã hội gì đó. Nhưng điều này chưa bao giờ thúc đẩy lớn vì đối với tôi, cái tên Victor Vũ không cần phải gắn liền với một thể loại nào đó. Quan trọng hơn là mình tìm được câu chuyện đáng để kể hoặc khiến người xem thích thú như cách mình thích thú với nó. Điều mà tôi luôn luôn đi tìm là một câu chuyện hay còn thể loại thì sẽ quyết định sau.
Với câu chuyện này thì có thể đi theo hướng tình cảm lãng mạn nhưng nếu đã làm trước đó rồi nên màu sắc dễ giống nhau. Cùng câu chuyện đó nhưng thử với phong cách li kì, tâm lý xã hội thì liệu câu chuyện có thú vị hơn hay không? Một câu chuyện có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau. Điều mà tôi luôn quan trọng là cách kể chuyện có dấu ấn hay không.
Trong cuộc đua dịp lễ 30/4 này, trên social rất nhiều người đánh giá Thám Tử Kiên cao hơn so với Lật Mặt vì cho rằng phim của anh là “tuyệt đối điện ảnh”. Anh có coi điều này là lợi thế của mình trong cuộc chiến phòng vé 30/4 với đối thủ của mình và cũng là lợi thế trên con đường sự nghiệp không?
Như tôi đã nói, người xem phim Victor đánh giá như thế nào là quyền của họ. Nếu họ nghĩ đó là “tuyệt đối điện ảnh” hay thuần là phim giải trí, phim thương mại hay phim nghệ thuật là quyền của khán giả. Tôi chỉ luôn hướng tôi một bộ phim chỉn chu nhất có thể. Hơn nữa, tôi luôn hướng tới bộ phim sau 10 - 15 năm, mọi người xem lại và cảm thấy chạm tới cảm xúc của họ, nó không hề cũ, có thể là bất kì cảm xúc nào, tình cảm lo sợ, hồi hộp, quan trọng là chạm tới người xem.
Để tạo ra một tác phẩm vượt thời gian, tôi nghĩ rất là khó nhưng đó là điều mà tôi luôn muốn hướng đến. Đối với tôi, điện ảnh không phải là phim ra mắt, chiếu vài tuần ở rạp rồi xong. Thực ra, đó đều là những phim mà tôi yêu thích. Nó sống trong ký ức của mọi người, khi khán giả xem vẫn có thể chạm tới cảm xúc, dù cho người đó ở những thời đại khác nhau. Có thể phim đã làm trước đây 20, 30 năm nhưng vẫn chạm tới cảm xúc của khán giả. Điều đó rất khó, tôi không biết mình làm được hay không nhưng đó là thứ mà tôi muốn hướng đến.

Cám ơn anh về cuộc phỏng vấn này và chúc Thám Tử Kiên sẽ gặt hái nhiều thành công.