Trong thời gian gần đây, vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn tiếp tục là nỗi lo lắng của người dân, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vụ việc nghiêm trọng được phát hiện và công bố.
Mặc dù, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ở các bộ, ngành khác triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhưng các hành vi vi phạm liên quan sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết một trong những nguyên nhân khiến thuốc giả vẫn có mặt trên thị trường là do chế tài xử lý đối với các cơ sở vi phạm chưa đủ mạnh.
Vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: "Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, trong khi mức phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng". Điều này khiến các đối tượng sản xuất và buôn bán thuốc giả dễ dàng chấp nhận rủi ro, vì mức phạt không đủ sức răn đe.
Clip: Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chia sẻ về một số nội dung liên quan đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn còn lưu hành trên thị trường.
Bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt, Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh rằng cần có sự quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất thuốc giả.
Một trong những ví dụ điển hình là vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa. Sau khi nhận báo cáo từ Sở Y tế Thanh Hóa, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng tại địa phương để kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an điều tra.
Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã lập chuyên án để đấu tranh và triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn thuốc giả. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg năm 2018 và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, đặc biệt là đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu.
Sau khi xảy ra vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống thuốc giả và thuốc kém chất lượng.
Các đối tượng sản xuất thuốc giả và tang vật bị thu giữ (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Bộ Y tế hiện đang tập trung vào các giải pháp cụ thể và thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu về thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, đồng thời kết nối liên thông với các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.
Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh: "Mục tiêu là đảm bảo tất cả các sản phẩm thuốc đến tay người tiêu dùng đều có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp".
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân.
Đặc biệt, việc kiểm tra các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội - nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về thuốc giả cũng được đẩy mạnh.
Ngoài các giải pháp dài hạn, Bộ Y tế cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực kiểm nghiệm thuốc tại các cơ sở kiểm nghiệm trên toàn quốc.
"Hiện nay, có tới 30% hoạt chất trong thuốc chưa thể kiểm nghiệm được tại các cơ sở kiểm nghiệm của tỉnh do thiếu trang thiết bị", Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm.
Cùng với đó, các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương sẽ tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, đặc biệt là các loại có nguy cơ cao, cả định kỳ và đột xuất.
Để phòng ngừa tình trạng thuốc giả, Bộ Y tế cũng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, được khuyến khích để giúp người tiêu dùng nhận diện các sản phẩm thuốc hợp pháp.
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/che-tai-yeu-khien-thuoc-gia-van-nhon-nho-tren-thi-truong-a60665.html