Thủ tướng dự lễ khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư lớn nhất từ trước đến nay

Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP và dự án khu công nghiệp Hưng Phú.

Thủ tướng dự lễ khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư lớn nhất từ trước đến nay- Ảnh 1.

Nằm trong tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9 km. Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nam Định dài khoảng 27,6 km, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài khoảng 33,3 km.

Điểm đầu Dự án thuộc Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, trên địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại Km80+200 tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, trên địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đây là tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/h với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m. Toàn dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên đường cao tốc và 4 cầu vượt ngang cùng với 7 nút giao liên thông.

Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, nhà đầu tư là Liên danh Geleximco - Vinaconex - Phuong Thanh Tranconsin - Naso CO - Hoang Cau IIC.

Đây là Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư lớn nhất ngành giao thông vận tải tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay với tổng mức đầu tư của dự án là 19.785 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 6.200 tỷ đồng, vốn chi trả kinh phí bồi thường GPMB và tái định cư là 3.173 tỷ đồng, phần vốn mà nhà đầu tư chịu trách nhiệm sắp xếp là 10.448 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư xây dựng trong 36 tháng, cơ bản hoàn thành vào năm 2027 và đưa vào khai thác vận hành năm 2028.

Dự án nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các trung tâm kinh tế, chính trị, khu công nghiệp trọng yếu đồng thời tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn Geleximco đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú.

Khu công nghiệp Hưng Phú nằm trên địa giới hành chính của xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, với diện tích là 209,08 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư. Đây là khu công nghiệp có tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất cả nước, với thời gian chỉ 55 ngày.

Khu công nghiệp Hưng Phú được định hướng trở thành khu công nghiệp đa ngành, sử dụng công nghệ hiện đại, tập trung vào các ngành như công nghiệp cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ kho bãi logistics, công nghiệp vật liệu xây dựng cao cấp.

Trong đó, dự án ‘lõi’ mang tính động lực của Khu công nghiệp là dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J – nhà máy sản xuất các dòng xe cao cấp thuộc thương hiệu Omoda & Jaecoo, được đặt tại lô CN2 Khu công nghiệp Hưng Phú có tổng diện tích quy hoạch khoảng 800.000 m² với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD.

Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2026, nhà máy sẽ bắt đầu lắp ráp các dòng xe năng lượng mới (NEV) thuộc thương hiệu chiến lược Omoda và Jaecoo, với định hướng sản xuất lâu dài tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng, góp phần chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thủ tướng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ này, ông đã có cuộc làm việc với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, trong đó xác định nút thắt về giao thông kết nối, để tháo gỡ thì phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa 4 địa phương, kết nối với cửa khẩu, sân bay, cảng biển, kết nối với 3 cực tăng trưởng phía bắc là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng và kết nối quốc tế, từ đó tạo đột phá phát triển cho các địa phương.

Theo Thủ tướng, muốn làm giàu, phát triển công nghiệp thì phải làm đường, trong khi tại đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là tỉnh khó khăn nhất về giao thông. Từ năm 2021 đến nay, Thái Bình đã hoàn thành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng 1.182 km đường ở 4 cấp, nhưng nhìn chung mới có đường phục vụ phát triển nông nghiệp chứ chưa có nhiều tuyến đường phục vụ phát triển công nghiệp.

Thủ tướng cho biết dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài, để có đủ điều kiện khởi công dự án này, các cơ quan đã phải cùng nhau xử lý một khối lượng lớn công việc để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn. Thủ tướng nhân dịp này đề nghị các bộ, ngành đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản, đỡ mất thời gian, lãng phí công sức, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/thu-tuong-du-le-khoi-cong-cao-toc-ninh-binh-hai-phong-du-an-duoc-dau-tu-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-a61230.html