Năm 2015, Vương Dương (sinh năm 1989) và Lâm Thư (sinh năm 1990) kết hôn và chuyển tới thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) để sinh sống, làm việc. Khi ấy, cả hai đều là nhân viên văn phòng với tổng thu nhập trung bình 38.000 NDT/tháng (khoảng 138 triệu đồng). Là người sống có kế hoạch, họ sớm đặt mục tiêu mua một căn hộ 2 phòng ngủ để ổn định cuộc sống.

Cuối năm 2016, vợ chồng Lâm Thư quyết định đặt cọc mua một căn hộ rộng 90m2 ở quận Phổ Đà (Thượng Hải, Trung Quốc) với giá 1,8 triệu NDT (khoảng 6,6 tỷ đồng). Khi đó, họ mới có 600.000 NDT (khoảng 2,2 tỷ đồng) tiền tiết kiệm. 1,2 triệu NDT (4,3 tỷ đồng)còn lại, đương nhiên phải vay ngân hàng kỳ hạn 20 năm.
Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi tháng, vợ chồng Lâm Thư phải trả khoảng 7.500 NDT tiền gốc và lãi (khoảng 27 triệu đồng), chiếm gần 1/5 tổng thu nhập của cả hai.
Tưởng có nhà là cuộc sống ổn định, nhưng…
Sau khi gánh nợ mua nhà, tình hình tài chính của vợ chồng Lâm Thư có phần khá bấp bênh. Hàng tháng, họ không tiết kiệm được bao nhiêu. Thu nhập dường như chỉ vừa đủ để trả nợ, thanh toán phí quản lý chung cư, điện nước, ăn uống, đi lại. Dù cuộc sống không thiếu thốn, nhưng hai người cũng luôn trong trạng thái thắt lưng buộc bụng vì lo sợ sẽ có việc phát sinh.
“Chúng tôi không dám đi du lịch, không dám nghĩ tới chuyện đổi xe. Thậm chí nhiều lúc phải từ chối đi đám cưới của người quen vì không đủ tiền để mừng cưới” - Lâm Thư chia sẻ.

Thời gian đầu, cả hai vẫn cảm thấy việc tạm thời phải thắt chặt chi tiêu là điều hợp lý và cũng dễ chấp nhận, vì họ đang được sống trong ngôi nhà do chính họ đứng tên. Nhưng sự hài lòng ấy cũng chỉ kéo dài được chừng 1 năm sau khi mua nhà. Những áp lực tài chính dồn nén trong im lặng bắt đầu khiến cuộc hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt.
Lâm Thư từng muốn sinh con nhưng Vương Dương lại lo không đủ tài chính để vừa chăm con, vừa trả nợ. Những cuộc tranh luận không hồi kết về vấn đề chi tiêu, tiết kiệm, làm thêm để tăng thu nhập dần trở thành chủ đề duy nhất mà 2 vợ chồng bàn bạc với nhau.
Cứ thế, áp lực về tiền dần bào mòn cảm xúc. Vợ chồng cứ ngày càng xa cách, mỗi người một việc, một dòng suy nghĩ. Những cuộc trò chuyện vui vẻ cũng dần vắng bóng. Phần lớn thời gian họ im lặng với nhau vì chẳng biết, cũng chẳng muốn nói gì nữa. Mà nếu có nói, vấn đề cũng lại là… tiền.
Lúc hết nợ cũng là lúc hết tình cảm
Cuối năm 2023 - 7 năm sau khi vay tiền mua nhà, nhờ nỗ lực thắt lưng buộc bụng và chăm chỉ “cày cuốc” kiếm tiền, vợ chồng Lâm Thư cũng thành công trả hết nợ. Ở thời điểm đó, căn hộ trị giá 1,8 triệu NDT năm nào đã tăng giá lên gần 2,5 triệu NDT (khoảng 9,1 tỷ đồng). Với nhiều người, đó hẳn phải là thời điểm ăn mừng.
Nhưng với vợ chồng Lâm Thư, cảm xúc lại có phần rất khác. Hết nợ, họ không thở phào mà vẫn… thở dài vì nhận ra tình cảm đã cạn đến mức khó lòng cứu vãn.

“Chúng tôi sống sót qua áp lực nợ nần, nhưng lại không vượt qua được cảm giác xa lạ mỗi ngày khi đối diện nhau” - Lâm Thư nói.
Không có người thứ ba, không có mâu thuẫn lớn, không có cuộc cãi vã nào ầm ĩ, chỉ đơn giản là sau 7 năm sống cùng nhau mà trong đầu chỉ đau đáu về 1 chữ tiền, thì lúc hết áp lực về tiền cũng là lúc cả 2 trở thành 2 người lạ chung nhà.
Lâm Thư và Vương Dương cũng cố gắng cứu vãn, họ thử đi du lịch, thử ra ngoài hẹn hò 3 lần/tuần. Thậm chí, còn cùng nhau đi học thiền. Nhưng tất cả cũng không thể khiến họ thu ngắn khoảng cách đã hình thành trong vòng 7 năm trời.
Quyết định ly hôn được đưa ra trong hòa bình. Căn nhà chung được đem bán với giá 2,45 triệu NDT. Sau khi trừ thuế phí và thủ tục, số tiền còn lại chia đôi cho mỗi người khoảng 1,2 triệu NDT (khoảng 4,4 tỷ đồng). Vương Dương thuê một căn studio gần công ty. Lâm Thư chuyển về sống cùng với bố mẹ.
Có thể nói, sau 7 năm cố gắng, họ đã đạt được mục tiêu lớn về tài sản. Nhưng chính hành trình đạt được nó lại khiến mối quan hệ của họ cạn dần sự gắn kết.
“Vay tiền mua nhà không sai nhưng nếu để toàn bộ năng lượng của dồn hết vào khoản nợ, thì rất dễ quên mất lý do ban đầu mình sống chung là gì” - Lâm Thư viết.
Có lẽ nếu được quay lại năm 2015, họ vẫn sẽ mua nhà. Nhưng có thể sẽ chọn một căn vừa tầm hơn, hoặc sẽ không vì khoản vay mà cắt bỏ mọi niềm vui, mọi kết nối giữa hai người.
Câu chuyện của Vương Dương và Lâm Thư không phải là hiếm. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến,… đang đối mặt với áp lực sở hữu nhà, chi trả khoản vay hàng tháng, và cân bằng chi tiêu trong bối cảnh giá cả leo thang.
Tham gia vào cuộc đua mua nhà, nhiều người chấp nhận vay không ít tiền, cắt giảm gần như toàn bộ nhu cầu cá nhân, từ bỏ các kỳ nghỉ, các bữa ăn ngon, thậm chí cả kế hoạch sinh con. Nhưng cái giá của sự “ổn định” đôi khi lại là sự xói mòn của chính mối quan hệ từng cùng nhau xây dựng.
Bởi vì lúc vay tiền mua nhà, không ai nói với họ: Nhà thì có thể trả góp, còn tình cảm thì không. Nhiều người chỉ nhìn thấy căn nhà mà quên mất rằng, thứ giữ một cuộc hôn nhân bền lâu không nằm ở một căn chung cư hay một mảnh đất, một khu biệt thự, mà nằm ở việc cả 2 có còn hiểu nhau, có còn chung tiếng nói và chung định hướng trong tương lai hay không.
Theo Weibo