Quốc gia BRICS gần Việt Nam bỗng nổi lên thành 'cửa ngõ' mới cho dầu Nga, hàng trăm nghìn tấn dầu âm thầm lách lệnh trừng phạt

Admin
Cảng biển này tiếp nhận hơn 850.000 tấn sản phẩm dầu Nga chỉ trong quý I/2025, trở thành trung tâm trung chuyển lớn nhất khu vực.

Theo Reuters, cảng Karimun của Indonesia đã nổi lên như một điểm trung chuyển lớn nhất cho các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nơi các thương nhân lưu trữ hàng hóa được đổi tên trước khi tái xuất khẩu.

Đáng nói, hoạt động của cảng này không chịu sự kiểm soát của chính quyền Indonesia, do cảng nằm trong khu vực thương mại tự do và ngoài phạm vi quản lý của nước này.

Theo số liệu, từ đầu năm 2025, khoảng 590.000 tấn dầu nhiên liệu, 217.000 tấn dầu diesel và 50.000 tấn dầu thô đã được xuất khẩu qua cảng Karimun.

Trong bối cảnh đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Nga được cho là đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế để xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu.

Việc trung chuyển qua cảng Karimun giúp các công ty Nga lách các biện pháp trừng phạt. Cơ quan Tình báo Đối ngoại Ukraine giải thích rằng tại cảng, các sản phẩm dầu mỏ Nga được pha trộn với dầu từ các nguồn gốc khác. Sau đó, các sản phẩm này được coi là dầu của Indonesia, không chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, được tái xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2025, cảng Karimun đã xử lý 590.000 tấn dầu nhiên liệu từ cảng Ust-Luga của Nga, tương đương khoảng 3,2 triệu thùng dầu. Con số này gấp gần 5 lần khối lượng cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, trong năm nay, cảng này lần đầu tiên tiếp nhận khoảng 217.000 tấn dầu diesel và 50.000 tấn (450.000 thùng) dầu thô từ Nga. Cơ quan tình báo Ukraine cũng cho biết ít nhất ba lô hàng trên các tàu chở dầu thuộc diện bị Liên minh châu Âu (EU) và Anh trừng phạt đã cập cảng Karimun trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2025.

Các công ty trung gian trong hoạt động buôn bán hàng hóa bị trừng phạt thường là những doanh nghiệp thương mại ít tên tuổi, liên tục thay đổi tên gọi trước khi hàng hóa đến điểm đích cuối cùng.

Trước đó, các báo cáo cho thấy xuất khẩu dầu mỏ từ khu vực Bắc Cực của Nga sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 4, nhờ vào phương thức trung chuyển tàu sang tàu (STS) nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Để giảm thiểu rủi ro, các nhà giao dịch đã tích cực sử dụng phương thức STS trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Malaysia và Singapore. Dầu mỏ được chuyển sang các tàu chở dầu rất lớn (VLCC) không nằm trong danh sách trừng phạt, sau đó được vận chuyển đến các cảng của Trung Quốc.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột quy mô lớn vào năm 2022, Nga đã ghi nhận tổng cộng 847 tỷ euro từ bán nhiên liệu hóa thạch, vượt xa con số 211 tỷ USD mà Lầu Năm Góc ước tính Nga đã chi cho cuộc xung đột từ năm 2022 đến 2024.

Cũng có thông tin rằng Liên minh châu Âu đang xem xét áp đặt trừng phạt đối với chi nhánh giao dịch tại Dubai của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga. Công ty Litasco Middle East DMCC, đặt trụ sở tại Dubai, là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt tiềm năng này.

Mới đây nhất, Chính phủ Anh công bố kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt lên tới 100 tàu chở dầu, vốn được cho là đang phục vụ việc vận chuyển dầu thô của Nga ra thị trường quốc tế. Với quyết định này, Anh sẽ vượt qua các quốc gia khác để trở thành nước áp đặt lệnh trừng phạt lên nhiều tàu chở dầu Nga nhất.