Quốc gia Đông Nam Á tự tin sẽ sớm “chia tay” nhiên liệu hóa thạch

Admin
Indonesia là một trong những quốc gia khai thác và đốt than hàng đầu thế giới, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất khoảng 80% sản lượng điện.

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cho biết ông muốn đất nước mình chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vào giữa thập kỷ tới, sớm hơn nhiều so với mục tiêu mà quốc gia Đông Nam Á này đã công bố trước đó.

"Chúng tôi đang có kế hoạch đạt được 100% năng lượng tái tạo trong vòng 10 năm tới", ông Prabowo cho biết khi phát biểu trong một cuộc họp báo với Tổng thống Brazil Lula da Silva tại thủ đô Brasilia hôm 9/7.

"Tất nhiên, mục tiêu là năm 2040, nhưng các chuyên gia của tôi cho biết chúng tôi có thể đạt được mục tiêu này nhanh hơn nhiều", nhà lãnh đạo của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cho biết trong chuyến thăm tới Brazil sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 tại Rio de Janeiro.

Quốc gia Đông Nam Á tự tin sẽ sớm “chia tay” nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1.

Một nhà máy điện chạy bằng than ở Indonesia. Ảnh: Asia Times

Indonesia là một trong những quốc gia khai thác và đốt than hàng đầu thế giới, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất khoảng 80% sản lượng điện.

Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, ông Prabowo đã thể hiện mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất nước khỏi nhiên liệu hóa thạch, sớm hơn mục tiêu mà người tiền nhiệm của mình đặt ra.

Indonesia dưới thời ông Joko Widodo đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Kế hoạch điện quốc gia mới nhất của Indonesia dự kiến 75% công suất mới được bổ sung trong 9 năm tới sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Nhưng theo Bloomberg, điều đó nghĩa là nước này vẫn sẽ dựa nhiều vào các nhà máy điện than hiện có, với nhiều nhà máy trong số đó chỉ mới được xây dựng trong những năm gần đây.

Nó cũng để lại không gian cho việc bổ sung thêm các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt mới, Bloomberg cho hay.

Sự bùng nổ công nghiệp do ngành luyện niken của đất nước dẫn đầu cũng phần lớn được thúc đẩy bởi các nhà máy điện than mới được xây dựng.

Trước đó, vào năm 2022, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã ký một thỏa thuận tài chính khí hậu mang tính bước ngoặt, hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình loại bỏ than và xây dựng năng lượng sạch.

Kế hoạch này – gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), sau đó được triển khai ở các quốc gia có thu nhập trung bình khác – kể từ đó đã đạt được rất ít tiến triển.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra vào ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro đánh dấu sự tham gia đầu tiên của Indonesia với tư cách là thành viên chính thức của BRICS.

BRICS là nhóm ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã mở rộng để bao gồm thêm 6 quốc gia thành viên nữa, trong đó Indonesia là thành viên mới nhất.

Nhóm 11 thành viên này đặt mục tiêu khuếch đại ảnh hưởng của Nam Bán cầu bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế mới nổi.

Việc Indonesia gia nhập BRICS nhằm mục đích tăng cường vai trò toàn cầu của mình, tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới (NDB – Ngân hàng BRICS) để tài trợ cơ sở hạ tầng với ít điều kiện hơn so với các tổ chức phương Tây.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Straits Times)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Công viên điện mặt trời siêu khổng lồ có thể tạo ra 2.245 MW điệnQuốc gia Đông Nam Á tự tin sẽ sớm “chia tay” nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 3.
Tham khảo thêm
Cận cảnh tàu chở xe hơi chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giớiQuốc gia Đông Nam Á tự tin sẽ sớm “chia tay” nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 4.