Ba tháng trước, tôi rời Hà Nội về quê với một kế hoạch tưởng như hoàn hảo: Dùng toàn bộ 500 triệu tiền tiết kiệm mở một quán cà phê tại thị trấn đang đô thị hóa. Tôi tin rằng, người dân quê nay đã khác xưa – thu nhập cao hơn, sống hiện đại hơn, và chắc chắn, cũng cần những không gian thư giãn như người thành phố.
Nhưng thực tế tôi đã nhầm.
Kế hoạch tưởng như hoàn hảo
Tôi từng làm nhân viên marketing cho một công ty lớn tại Hà Nội, lương khá, nhưng áp lực. Sau gần 10 năm đi làm, tôi tích lũy được 500 triệu. Trong lúc nhiều bạn bè chọn đầu tư chứng khoán, bất động sản, tôi lại tin vào một “lối thoát” khác: Về quê mở quán cà phê, sống chậm, tự do và an yên.
Tôi khảo sát thị trấn quê mình – cách Hà Nội khoảng 40km. Đường xá đang mở rộng, khu hành chính mới mọc lên, nhiều nhà máy cũng đang xây dựng. Người dân có vẻ sung túc: nhà tầng, xe hơi, con cái học trường quốc tế ở thành phố. Tôi nghĩ, tại sao không?
Tôi lập bảng chi tiêu chi tiết:
Thuê mặt bằng 6 tháng đầu: 36 triệu
Cải tạo, sơn sửa: 70 triệu
Mua bàn ghế, quầy bar, hệ thống đèn decor: 85 triệu
Máy pha cà phê bán tự động: 40 triệu
Nguyên liệu tháng đầu, đào tạo 2 nhân viên: 30 triệu
Chi phí marketing, truyền thông ban đầu: 15 triệu
Dự phòng vận hành 3 tháng: 150 triệu
Còn lại là tiền mặt dự phòng
Tôi tham khảo nhiều mô hình: The Coffee House, Cộng Cà Phê, cả mấy quán indie nổi tiếng ở Đà Lạt. Tôi đầu tư chỉnh chu, thiết kế tối giản nhưng có “chất”, menu có cà phê máy, cold brew, bánh mì kẹp kiểu Âu, giá trung bình 30.000 – 45.000 đồng/món.
Mở cửa quán, tôi tin mình đã làm đúng mọi thứ. Nhưng khách thì không đến.
Ở quê, người ta không đi cà phê kiểu thành phố
Tuần đầu tiên, quán có khách. Toàn bạn bè, người quen, vài em học sinh đi check-in. Tuần thứ hai, vắng. Rồi càng ngày càng thưa dần.

Tôi trắng tay vì đầu tư thiếu suy nghĩ
Tôi bắt đầu ngồi quan sát kỹ. Người dân quê tôi không quen đi uống cà phê buổi sáng hay ngồi lai rai giờ tan tầm. Bởi họ rất bận rộn, họ còn lo chuyện đồng áng, chăn nuôi, đi kiếm tiền, hay chăm cháu.
Còn người trẻ? Về thị trấn ngày cuối tuần, nhưng rồi đi chơi xa, lên thành phố lớn hoặc tụ tập tại nhà. Không ai nghĩ đến chuyện vào quán ngồi một mình làm việc, đọc sách hay nhâm nhi cold brew.
Cái "giàu có" mà tôi nhìn thấy – nhà to, xe xịn – không phản ánh hành vi tiêu dùng. Họ giàu theo kiểu tích lũy, đầu tư vào đất, xây nhà to để cưới vợ cho con. Họ không sẵn sàng bỏ 40.000 cho một cốc cà phê “ngồi điều hòa sống ảo”. Nếu có tới, họ sẽ chọn vài cốc trà chanh và đĩa hướng dương ngồi cắn cả buổi.
Tôi làm khuyến mãi, giảm giá, đổi menu, livestream mời khách nhưng vẫn không khá lên. Doanh thu trung bình mỗi ngày chỉ 300.000 không đủ trả điện.
Tôi trắng tay – nhưng không dám than thở
Ba tháng sau, tôi dừng quán. Bán tháo máy pha, bàn ghế, lỗ gần hết 500 triệu.
Điều khiến tôi đau nhất, không phải mất tiền. Mà là ánh mắt của những người xung quanh. Họ không quan tâm tôi đã dốc hết sức ra sao. Họ chỉ nhìn thấy tôi "thất bại", giờ ở nhà, không việc làm, không lương. Một vài người còn thì thầm: “Nó tưởng mở cái quán là hái ra tiền à?”
Ở quê, họ không cần biết bạn có giấc mơ hay cố gắng ra sao. Họ chỉ nhìn xem bạn mặc gì, đi xe gì, tiêu tiền thế nào và nhà có to không.
Qua thất bại lần này, tôi thấu hiểu việc đem tiền đi đầu tư không đơn thuần là bi kịch tài chính, mà là bài học sâu sắc về mô hình kinh doanh không phù hợp với thị trường mục tiêu. Nó cho thấy rằng sự hiểu rõ văn hóa, thói quen chi tiêu, năng lực tài chính, và mong muốn thực tế của người dân địa phương mới là yếu tố sống còn, chứ không phải chỉ sự đầu tư hoành tráng hay niềm tin mù quáng.
*Bài viết theo ý kiến độc giả