Rủi ro 'lướt sóng' chung cư ngắn hạn

Admin
Trong năm 2024, nhu cầu đầu tư bất động sản (BĐS) phục hồi khoảng 40%. Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trước tình trạng chung cư tăng giá mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà đầu tư có tâm lý đầu cơ, lướt sóng chung cư ngắn hạn, bất chấp những rủi ro của thị trường giá đang ở mức cao nhất lịch sử.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), nhu cầu mua nhà ở thực ngày càng tăng cao. Trong đó, có một phần nhu cầu chưa được đáp ứng do giới hạn về khả năng tài chính. Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền là nhu cầu ở thực chính của thị trường. Nhu cầu về nhà ở cao cấp, hạng sang cũng ở mức cao và đang không ngừng tăng cùng sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, thượng lưu.

Trong năm 2024, nhu cầu đầu tư BĐS phục hồi khoảng 40%. Lượng giao dịch tiếp tục ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất. Nhu cầu mua BĐS, bao gồm cả để ở và đầu tư rất cao, đang không ngừng tăng cùng tốc độ đô thị hóa và quá trình phát triển kinh tế, trên nền tảng hành lang pháp lý được hoàn thiện.

Theo thống kê của VARS, tổng sản phẩm giao dịch năm 2024 đạt hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt 72%. Lượng giao dịch gấp gần 3 lần so với năm 2023. Quý IV/2024, thị trường ghi nhận hơn 20.000 giao dịch, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2023. Phân khúc căn hộ áp đảo thị phần, chiếm 75% lượng giao dịch toàn thị trường. Hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhu cầu đầu tư. Nhiều sản phẩm được “sang tay” ngay cả khi chưa hoặc mới ký kết hợp đồng mua bán. Càng về cuối năm, số lượng chuyển nhượng theo hình thức này càng tăng lên do nguồn cung cải thiện, nhà đầu tư có trót “lướt sóng” căn hộ phải bán cắt lỗ do gặp áp lực tài chính.

Giao dịch thấp tầng cải thiện mạnh trong bối cảnh thị trường phục hồi, tỷ lệ hấp thụ các dự án mở bán mới ở mức rất tốt, ước đạt gần 65%, tương đương với gần 9.000 giao dịch. Giao dịch chuyển nhượng tập trung chủ yếu ở các dự án đại đô thị đã có dân cư ở với hạ tầng, tiện ích đồng bộ, hiện đại. Phân khúc đất nền, giao dịch tập trung chủ yếu trên thị trường thứ cấp, khi hành lang pháp lý mới buộc các chủ đầu tư phải xây nhà để bán. Các mảnh đất lớn, chưa có pháp lý bị cắt lỗ, trong khi các mảnh đất đã tách thửa, pháp lý đảm bảo được các nhà đầu tư săn lùng.

Giao dịch thứ cấp tăng mạnh khi các nhà đầu tư mạnh dạn cắt lỗ các tài sản không tạo ra dòng tiền hoặc có tiềm năng tăng giá thấp như đất nền xa trung tâm, dự án chưa hoàn thiện để tái có cấu lại danh mục đầu tư, phân bổ tài sản vào các tài sản có khả năng kinh doanh, khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Các sản phẩm có pháp lý đảm bảo, giá dưới 4 tỷ đồng tại các thành phố lớn hút thanh khoản thị trường khi nguồn cung sơ cấp có mức giá ở mức cao. Lượng giao dịch vẫn còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận vốn của người mua.

Hồi cuối tháng 12 năm 2024, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian sở hữu để tránh đầu cơ như một số nước. Theo Bộ Tài chính, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc này, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, một số nước còn áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại.

Bộ Tài chính đề xuất có thể thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian nắm giữ giống như một số quốc gia trên. Việc này sẽ giúp thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sử dụng nhà đất có hiệu quả, quy định mức thuế cao với người sở hữu nhiều BĐS. Đồng thời, đánh thuế mua bán theo thời gian sở hữu cũng làm giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS.