Sầu riêng Thái đi luồng xanh vào thẳng Trung Quốc, vì sao ‘vua trái cây’ Việt vẫn mãi loay hoay?

Admin
Trong khi sầu riêng Thái Lan được Trung Quốc mở cửa "luồng xanh" thông quan 24/7, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn đang mắc kẹt giữa những đợt tái kiểm 100% tại cửa khẩu. Câu chuyện "vượt khủng hoảng" của người Thái trở thành tấm gương soi chiếu cho một ngành hàng tỷ USD của Việt Nam đang loay hoay tìm đường phát triển bền vững.

Bài học từ sự đồng bộ

Thái Lan vốn là quốc gia đầu tiên bị phát hiện tồn dư chất vàng O khiến cho Trung Quốc siết chặt kiểm tra toàn bộ sầu riêng nhập vào nước này từ đầu năm. Vậy mà chỉ qua vài tháng, Thái Lan lại là nước đầu tiên chạm tay vào đặc quyền "luồng xanh" - hành lang xuất khẩu ưu tiên vào thị trường Trung Quốc.

Bangkok Post đưa tin, bà Narumon Pinyosinwat - Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan - cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã đồng ý mở " luồng xanh " cho sầu riêng Thái Lan.

Theo đó, các trạm kiểm soát hải quan hoạt động 24/7 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Chính quyền Trung Quốc cũng đã tăng số lượng phòng thí nghiệm để mở rộng quy mô kiểm định sầu riêng Thái Lan.

Hiện Bộ Thương mại Thái Lan đang đàm phán với chính quyền Trung Quốc để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, nới lỏng các biện pháp kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ thông quan.

Sầu riêng Thái đi luồng xanh vào thẳng Trung Quốc, vì sao ‘vua trái cây’ Việt vẫn mãi loay hoay?- Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tự tay hái sầu riêng tại quận Tha Mai, Chanthaburi . Ảnh: Chính phủ Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) - cho rằng: Ngành hàng sầu riêng cần nhìn cách Thái Lan bước ra khỏi khủng hoảng để rút ra bài học. Hiện nay, mỗi ngày Thái Lan có khoảng 500 container sầu riêng - tương đương 10.000 tấn - được thông quan tại các cửa khẩu Trung Quốc. Trong số đó, chỉ có vài container bị trả về vì tồn dư hóa chất. Tỷ lệ vi phạm cực thấp trở thành căn cứ thuyết phục để chính phủ Thái Lan đàm phán với GACC giành được sự ưu tiên.

Sự phối hợp trong quản lý chất lượng của sầu riêng Thái Lan thể hiện rõ qua hai tầng kiểm định. Trước tiên là hệ thống hơn 300 “nhà môi giới” - thực chất là các phòng kiểm định địa phương làm nhiệm vụ kiểm tra sớm tại vườn. Nếu đạt yêu cầu tại các “nhà môi giới”, sầu riêng mới được phép chuyển đến cơ sở đóng gói. Tại đây, một lần nữa, hàng hóa phải trải qua hậu kiểm của các đơn vị được GACC công nhận, trước khi đưa lên xe đến biên giới.

"Giám sát chất lượng không dừng ở khâu cuối cùng mà đi ngược tận nơi sản xuất. Đây là điều mà Việt Nam chưa làm được. Trong khi hàng Thái được truy xuất tận vườn thì tại Việt Nam sầu riêng thường được thu gom từ nhiều nhà vườn khác nhau, rồi đưa về cơ sở đóng gói. Nếu phát hiện vi phạm, không ai biết lỗi bắt nguồn từ đâu. Chính sự thiếu minh bạch này khiến phía Trung Quốc vẫn chưa giảm tần suất kiểm tra cho các lô hàng sầu riêng Việt Nam", ông Nguyên nhấn mạnh.

Vì sao sầu riêng Việt vẫn chưa thể vượt bão?

Trong khi Thái Lan bước vào mùa thu hoạch với “luồng xanh” hanh thông, sầu riêng Việt Nam vẫn đang mắc kẹt. Đến nay, lượng sầu riêng xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức chỉ khoảng 200 - 300 container mỗi ngày được thông quan, bằng một nửa Thái Lan.

Tính đến ngày 20/4, Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với giá trị đạt 287 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới thu về khoảng 98 triệu USD sau ba tháng đầu năm.

Sầu riêng Thái đi luồng xanh vào thẳng Trung Quốc, vì sao ‘vua trái cây’ Việt vẫn mãi loay hoay?- Ảnh 2.

Lượng sầu riêng xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: IT.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký VINAFRUIT - chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất lo lắng khi ngành hàng tỷ USD của mình chưa đạt được bước tiến nào sau gần nửa năm. Nhiều khâu trong chuỗi giá trị vẫn còn thờ ơ một cách lạ thường”.

Sự thờ ơ thể hiện rõ qua việc nhiều nhà vườn không nắm được chất lượng trái sầu riêng do chính mình làm ra. Họ không biết sản phẩm có tồn dư kim loại nặng hay không, thậm chí không quan tâm thuốc bảo vệ thực vật đang dùng có an toàn hay không.

Một mẫu thử để xác định tồn dư kim loại nặng chỉ tốn khoảng 150.000 đồng - con số quá nhỏ so với giá trị mỗi lô hàng sầu riêng, nhưng lại ít được nhà vườn tự nguyện thực hiện.

“Chúng ta đang làm kinh tế tỷ USD mà lại thiếu sự chủ động ở cấp cơ sở. Nhà vườn phải tự kiểm nghiệm để có cơ sở thương lượng giá, đồng thời kiểm soát chất lượng đầu vào. Không thể trông chờ mãi vào thương lái hay doanh nghiệp”, ông Mười nhấn mạnh.

Thực tế, Việt Nam đã có những bước đi nhất định để cải thiện quy trình xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở chỉ mới truy xuất được tới nơi đóng gói, chứ chưa kiểm soát được tận vườn. Khi bị phía Trung Quốc tái kiểm, rất nhiều lô hàng bị “bắt lỗi” mà không xác định được trách nhiệm thuộc về ai. Đó là điểm yếu chí tử của ngành sầu riêng Việt Nam hiện nay.

Ông Mười khẳng định, chỉ có sự chung sức từ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị - từ sản xuất, kiểm nghiệm, đóng gói cho tới đàm phán chính sách - mới tạo ra một ngành hàng bền vững.