Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi

Admin
Đối với nhiều người, áo dài Tết chỉ cần lên ảnh là không mặc lại nữa, bất kể nó ở mức giá nào, vài trăm nghìn hay vài triệu đồng. Tùy vào chủ nhân, những bộ cánh đó có số phận khác nhau.

Có lãng phí khi mua áo dài tiền triệu chỉ để mặc một lần?

Trước Tết Nguyên đán 2022, Võ Lâm Anh (SN 1995, quê Hà Tĩnh) đặt mua set đồ gia đình tại thương hiệu thời trang thủ công ở Đà Nẵng, bao gồm áo dài cho mẹ và con trai 2 tuổi cùng bộ đồ cho bố bằng chất liệu đũi xước, với tổng giá trị hơn 4 triệu đồng, chưa tính phí giao hàng. Ngoài việc giao hàng đường dài, set đồ đến tay Lâm Anh lâu hơn bình thường vì hãng chỉ may khi có đơn đặt hàng.

Đắt tiền và kỳ công là thế, nhưng Lâm Anh cùng chồng con chỉ mặc một lần để chụp bộ ảnh gia đình trước khi về quê ăn Tết. Một phần nguyên nhân là thiết kế và chất liệu vải không phù hợp mặc giữa thời tiết mưa lạnh ở Hà Tĩnh vào năm đó. Phần còn lại là gia đình Lâm Anh định cư ở Hàn Quốc, không có sự kiện phù hợp nào để mặc. Theo thời gian, bé trai lớn lên và bố mẹ thay đổi kích cỡ cơ thể, không thể mặc vừa trang phục.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 1.

Bộ áo dài chỉ mặc một lần để chụp ảnh của Lâm Anh và con trai. Ảnh: FBNV.

Trong lần về quê ăn Tết năm nay, bà nội trợ 9X lại tìm mua áo dài cho cô với con trai và con gái một tuổi. Rút kinh nghiệm lần trước, Lâm Anh chọn những bộ có giá dưới 400.000 đồng.

" Áo dài không phù hợp mặc hàng ngày, bỏ tiền triệu ra chỉ để mặc vào mồng 1 Tết thực sự lãng phí tiền bạc, nhưng mình vẫn thích có một bộ cho ba mẹ con diện đi chơi Tết. Lần này mình mua đồ ít tiền, không mặc nữa cũng đỡ áy náy", Lâm Anh chia sẻ.

Minh Khuê (33 tuổi, ở TP.HCM) cũng cho rằng nếu không vì tính chất công việc hay cần làm hình ảnh, không cần thiết phải chi quá nhiều tiền cho áo dài mặc Tết.

Là nha sĩ có thu nhập tốt, Minh Khuê chỉ mua chiếc áo dài giá hơn 200.000 đồng cho dịp Tết năm nay. Theo cô, bộ đồ rẻ tiền dĩ nhiên chất lượng không quá xuất sắc nhưng vẫn đẹp, lịch sự, còn tiền để làm việc khác có ý nghĩa hơn.

Nguyễn Hoàng (33 tuổi, ở Hà Nội) có suy nghĩ khác. Tối 20/1, anh cùng người yêu chốt đơn 2 chiếc áo dài đôi (không kèm quần), hết tổng cộng 2,340 triệu đồng.

Chủ tiệm hoa 9X cho biết nếu chất liệu vải đẹp, thiết kế hợp thời trang, phom dáng chỉn chu và thương hiệu uy tín, một bộ áo dài có giá từ một triệu đến vài triệu là xứng đáng. Tuy nhiên, vì đắt hơn mặt bằng chung, anh không mua online mà phải đến tận nơi xem trực tiếp để tránh tiền mất tật mang.

Cửa hàng anh Hoàng ghé thăm là local brand có tiếng ở Hà Nội, chuyên bán trang phục phi giới tính. Anh Hoàng xác định mua áo dài chỉ để mặc vào dịp Tết bởi công việc của anh thường phải tiếp xúc với hoa lá, màu trắng dễ bám bẩn và khó giặt sạch.

Trong khi đó, người yêu anh Hoàng chọn áo màu hồng nhạt, cũng chỉ có thể mặc đi chơi Tết. Nhân viên cho biết giá áo dài tại cửa hàng nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Bộ áo dài kèm quần có giá lên đến hơn 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, cửa hàng không cho rằng mức giá đó là đắt.

"Chúng tôi bán sát giá vì chất liệu vải luôn chọn loại cao cấp như đũi tơ, nhiều chi tiết phải may thủ công. Chúng tôi cũng nhận may theo số đo, theo yêu cầu của khách hàng", nhân viên giải thích.

Theo nữ nhân viên, chủ thương hiệu là chị Trang Bùi không giảm giá dù có đặt may với số lượng lớn, chỉ thỉnh thoảng tặng kèm khách vài món phụ kiện nhỏ. Ngày Tết, các cửa hàng khác áp dụng nhiều ưu đãi nhưng Trang Bùi không thay đổi.

Dẫu vậy, doanh thu những ngày cận Tết vẫn tăng 50% so với bình thường. Vào cuối tuần, người kéo đến đông nghịt, không có chỗ đứng. Nếu ngày thường cửa hàng đóng vào 18h, ngày cận Tết phải kéo dài đến tận 21h.

Nhân viên chia sẻ tính đến ngày 20/1, cửa hàng dừng nhận đơn đặt may nhưng vẫn có người nài nỉ làm giúp, thậm chí không ngại trả giá cao hơn. Tuy vậy, cửa hàng từ chối vì không thể đảm bảo giao hàng trước Tết.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ không mặc lại áo dài lần hai. Ảnh: Tú Oanh.

"Nếu một người có thu nhập cao, sống trong môi trường nhiều người sử dụng đồ đắt tiền, có địa vị xã hội hay các sự kiện họ đến đòi hỏi sự sang trọng, bỏ vài triệu đồng mua một bộ áo dài không có gì xa xỉ. Tuy nhiên, với một người có mức lương hay điều kiện kinh tế gia đình bình thường, sẽ là lãng phí nếu chỉ mặc một lần rồi thôi. Tâm lý chung là bộ đồ nào mặc chụp ảnh rồi không muốn mặc lại nữa. Do đó, cần chi tiêu hợp lý hoặc tìm những cách để bộ đồ không bị phí phạm như bán lại hoặc cho thuê đồ", bà cửa hàng áo dài nói.

Cách xử lý áo dài sau Tết

Trên mạng xã hội có Hội trao đổi - thanh lý đồ với 32.900 thành viên. Trong đó, không ít tài khoản rao bán áo dài, kèm chú thích: "Mới mặc một lần đi chụp ảnh". Mức giá tùy theo tình trạng hiện vật và thương lượng nhưng luôn thấp hơn giá gốc, ít nhất một vài trăm nghìn đồng.

Tương tự, nhiều hội nhóm thanh lý áo dài local brand cũng hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt vào những ngày cận Tết. Nhiều người dọn tủ đồ cũ để mua đồ mới. Ngược lại, không ít cô gái muốn tìm áo dài có thương hiệu với mức giá phải chăng hơn.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 3.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 4.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 5.

Số phận những chiếc áo dài Tết mặc một lần rồi thôi- Ảnh 6.

Các nhóm thanh lý áo dài hoạt động sôi nổi ngày cận Tết không thua kém gì tại trang bán hàng chính thức của hãng.

Thanh Huyền (22 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, quê Yên Bái) gợi ý ngoài bán lại áo dài, còn có một cách khác là ký gửi. Có những cửa hàng chuyên làm trung gian môi giới giữa người bán và khách hàng. Người có nhu cầu bán lại đồ cũ chỉ cần trả một khoản phí nhất định cho cửa hàng và nhiệm vụ của cửa hàng ký gửi là tìm chủ nhân mới cho món đồ đó.

Bên cạnh đó, cho thuê lại cũng là phương pháp chống lãng phí áo dài hay bất kỳ trang phục nào không sử dụng nhiều. Mạng xã hội cũng có những hội nhóm cung cấp dịch vụ này như Cho thuê áo dài các Brand hót hít (Xéo Xọ/Tủ nhà Mây/Lengdeng/Ramé/Linn…) với hơn 60.500 thành viên. Hoạt động của những nhóm này tương tự nhóm thanh lý. Nếu may mắn, bên cho thuê còn có thể thu hồi được số tiền mua áo dài và có thêm tiền lời.

Gia Linh (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết từng thuê một bộ áo dài của thương hiệu Xéo Xọ từ một tài khoản mạng xã hội với giá 500.000 đồng. Con số này có thể mua được một chiếc áo dài có chất lượng ổn, thậm chí tốt, ở những hãng ít nổi hơn. Tuy nhiên, xét đến áo dài mới của Xéo Xọ thường có giá hàng triệu đồng, Linh chấp nhận bỏ ra số tiền trên.

Đó là những cách làm kinh tế nhất cho những tín đồ áo dài, nhưng không phải ai cũng áp dụng. Hai bộ áo dài mẹ - con của Lâm Anh bị lãng quên trong tủ quần áo, có thể một ngày sẽ đi thẳng ra thùng rác.

Những bộ đồ tầm vài trăm nghìn đồng cũng vậy. Trần Ngọc Bảo Châu (16 tuổi, ở Hà Nội) vẫn giữ lại những chiếc áo dài mặc một lần, với suy nghĩ một ngày nào đó có dịp tái sử dụng. Cho người quen hoặc quyên góp đồ cũ cho các hội nhóm từ thiện cũng được Bảo Châu nghĩ tới.