Thà chịu giá gấp đôi chứ không chọn Trung Quốc, đường sắt cao tốc 136 tỷ USD mãi không thể về đích, lỡ hẹn 4 lần đã chọn công nghệ gì?

Admin
Dự án đường sắt cao tốc 136 tỷ USD tiếp tục bị trì hoàn.
Thà chịu giá gấp đôi chứ không chọn Trung Quốc, đường sắt cao tốc 136 tỷ USD mãi không thể về đích, lỡ hẹn 4 lần đã chọn công nghệ gì?- Ảnh 1.

Dự án đường sắt cao tốc HS2 tại Anh được khởi công vào năm 2020, là tuyến đường sắt cao tốc kết nối London với Birmingham. Đây cũng là tuyến liên thành phố đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc London trong hơn một thế kỷ qua.

Dự án không chỉ nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống đường sắt vốn đã quá tải, mà còn mang đến hành trình nhanh hơn và không phát thải carbon giữa hai thành phố lớn nhất của Anh. Khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ London đến Birmingham sẽ được rút ngắn tới 40%, chỉ còn 49 phút.

HS2 được chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 nối London với West Midlands; Giai đoạn 2a kéo dài đến Crewe, kết nối khu vực phía Bắc; và Giai đoạn 2b hoàn thiện tuyến đến Manchester và Leeds.

Tuy nhiên, tiến độ Giai đoạn 1 đã liên tục bị điều chỉnh. Theo tạp chí New Civil Engineer, giai đoạn này ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, báo cáo mới nhất cho thấy thời hạn đã bị lùi đến năm 2029, rồi tiếp tục lùi đến 2033. Gần đây nhất, dự án lại tiếp tục bị tuyên bố trì hoãn thêm một lần nữa.

Nguyên nhân chủ yếu do những thay đổi lớn về quy mô dự án, cùng với các thách thức kỹ thuật và tài chính ảnh hưởng đến tiến độ ban đầu. Đáng chú ý, thời hạn thực sự hoàn thành dự án sẽ tiếp tục được điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình thi công.

Tờ Building (Anh) cho biết, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) từng đề xuất thi công dự án HS2, đồng thời cam kết chi phí thấp hơn một nửa nhờ kinh nghiệm xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, với giá trung bình chỉ từ 17-21 triệu USD/km, thấp hơn nhiều so với mức 25-39 triệu USD/km tại châu Âu.

Tuy nhiên, Anh đã từ chối đề xuất này. Nguyên nhân chính là do đường sắt cao tốc được xem là hạ tầng chiến lược, và chính phủ Anh muốn kiểm soát chuỗi cung ứng trong nước để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp nội địa.

Đồng thời, Anh cũng ưu tiên đảm bảo rằng việc xây dựng HS2 sẽ mang lại việc làm và đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế quốc gia. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu Trung Quốc tham gia dự án, Anh có thể rơi vào tình trạng phụ thuộc quá mức vào nước ngoài trong những lĩnh vực trọng yếu.

Thay vào đó, Anh đã chọn công nghệ của Nhật Bản và Pháp cho các đoàn tàu cao tốc. Cụ thể, HS2 sẽ sử dụng tàu tốc độ tối đa 360 km/h, được thiết kế bởi các nhà sản xuất như Hitachi và Alstom. Những con tàu này tích hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm tiếng ồn, đồng thời hệ thống đường ray sử dụng công nghệ không mối nối nhằm giảm độ rung lắc, tăng độ ổn định và độ bền.

Với các cầu và hầm lớn, dự án áp dụng công nghệ máy khoan hầm (Tunnel Boring Machine - TBM) để đảm bảo thi công an toàn, nhanh chóng, theo Railway News.

Về công nghệ quản lý vận hành, HS2 sẽ triển khai hệ thống kiểm soát tàu tự động ETCS thế hệ mới nhất, giúp giám sát và điều khiển tàu ở tốc độ cao với độ chính xác tối đa. Ngoài ra, hệ thống tín hiệu kỹ thuật số cũng được tích hợp để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm nguy cơ va chạm và tối ưu hóa lịch trình vận hành.

Theo The Business Times, vào 19/6, Bộ trưởng Giao thông Anh đã công bố thêm một đợt trì hoãn đối với tuyến đường sắt cao tốc HS2 mới của nước này. Tuyến đường sắt cao tốc nối London và Birmingham sẽ không còn được hoàn thành vào mục tiêu năm 2033 như đã lên kế hoạch, bất chấp việc dự án đã bị cắt giảm quy mô do nhiều lần trì hoãn và chi phí tăng cao.

“Hàng tỷ bảng tiền thuế của người dân đã bị lãng phí do liên tục thay đổi phạm vi dự án, hợp đồng kém hiệu quả và quản lý gặp nhiều vấn đề”, Bộ trưởng Giao thông Anh cho biết. Bộ trưởng Giao thông Anh cam kết rằng sẽ giải quyết vấn đề này nhưng không nêu rõ mốc thời gian mới cho việc hoàn thành dự án.

HS2 sẽ là tuyến đường sắt cao tốc thứ hai của Anh, sau tuyến đường hiện đang vận hành các đoàn tàu Eurostar từ London đến Hầm eo biển Manche và sang Pháp. Tuy nhiên, dự án HS2 đã bị vướng vào nhiều tranh cãi kể từ khi dự án bị cắt bỏ các nhánh quan trọng do chi phí tăng ngoài tầm kiểm soát.

Chi phí ước tính của dự án đã gần như tăng gấp ba, từ 37,5 tỷ bảng năm 2013 lên hơn 100 tỷ bảng Anh (tương đương 136 tỷ USD), khiến nó trở thành một trong những tuyến đường sắt đắt đỏ nhất thế giới.