Thị trường tiêu dùng còn nhiều "điểm nghẽn"

Admin
Theo GS. Trần Đình Thiên, tỉ lệ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam cao, nhưng cấu trúc thị trường gặp nhiều "điểm nghẽn", tốc độ lưu thông thị trường chậm, vòng quay tiền ở Việt Nam thấp.

Tương lai của doanh nghiệp là thị trường nội địa

Sáng 25/4 tại Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", GS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết năm nay, khi sức cầu thị trường trong nước yếu thì xuất khẩu cũng có thể gặp khó khăn và triển vọng đầu tư chưa rõ ràng. Ba động lực đó đóng vai trò cốt lõi đối với tăng trưởng kinh tế, liên thông với nhau, từ đó các giải pháp cần liên thông với nhau, không nên rời rạc, riêng biệt.

"Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump buộc Việt Nam phải xem lại mô hình phát triển, trong đó cốt lõi là thị trường trong nước", ông Thiến nhấn mạnh.

Dữ liệu cho thấy trong cấu trúc GDP, khu vực tư nhân chiếm sản lượng 51% còn khu vực FDI chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ chiếm 25-27%, trong đó khu vực FDI chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP của Việt Nam.

Từ đó, doanh nghiệp nội địa chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và tương lai của khu vực doanh nghiệp trong nước là thị trường nội địa. Cần đặt vấn đề khảo sát thị trường nội địa gắn với khu vực tư nhân nội địa, vốn chiếm 84% thị trường lao động. Nếu khu vực này không ổn, động lực tăng trưởng sẽ không được đảm bảo. Những vấn đề căn cơ không được bàn đến nơi đến chốn.

Thị trường tiêu dùng còn nhiều "điểm nghẽn"- Ảnh 1.

GS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tổng thống Trump đánh thuế quan không chỉ nhắm vào xuất khẩu của Trung Quốc mà còn thị trường tiêu dùng trong nước của Trung Quốc, bởi thị trường nội địa Trung Quốc hiện rất yếu, trong khi Trung Quốc không thể thay đổi mô hình phát triển nhanh được.

Trong khi đó, tỉ lệ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam cao, nhưng cấu trúc thị trường gặp nhiều "điểm nghẽn", tốc độ lưu thông thị trường chậm, vòng quay tiền ở Việt Nam thấp. Ông Thiên đề xuất phân tích, bàn thảo tác động của chính sách thuế quan Mỹ ảnh hưởng đến thị trường nội địa Việt Nam ra sao.

Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa trong bối cảnh thế giới biến động phức tạpRào cản thương mại giáng đòn mạnh vào niềm tin tiêu dùng Eurozone

"Đây là vấn đề cơ bản để đi tìm giải pháp chiến lược. Chính sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc có tác động mạnh đến thị trường nội địa, nền sản xuất, việc làm và thu nhập của lao động Việt Nam. Về ngắn hạn, câu chuyện suy giảm của thị trường Trung Quốc là nguy cơ đối với Việt Nam", GS. Trần Đình Thiên nói.

Đơn cử, khi sàn thương mại điện tử Trung Quốc Temu vừa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có nhiều xáo trộn. Do đó, ông Thiên chỉ ra cần đánh giá xem chính sách tín dụng hiện nay có giúp doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với Temu được không.

Đối với chương trình kích cầu nội địa, cần bàn xu hướng, triển vọng, tác động của thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh thị trường thế giới biến động như hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp về thay đổi mô hình phát triển kinh tế.

Về cơ bản, đất nước cần tập trung bàn những vấn đề căn cơ, gắn với doanh nghiệp, công nghiệp, cấu trúc thương mại, gồm những vấn đề sinh tử, buộc chúng ta tư duy lại toàn bộ cấu trúc phát triển, sống còn hiện nay.

"Trong bối cảnh rủi ro suy thoái thế giới rõ ràng, Việt Nam cần bơm tiền để "tháo" đầu tư ra, tăng dòng chảy của tiền. Đó là những cách cơ bản, khơi thông được thị trường vốn lớn", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Đẩy mạnh sức hấp dẫn thị trường tiêu dùng Việt Nam

Tại đây, GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự VAFIE cho rằng dù bàn nhiều về thị trường trong nước nhưng hiện tại vẫn ít quan tâm đến chính sách thị trường trong nước.

"Cách đây 15 năm là ưu tiên hàng Việt Nam, cách tiếp cận như vậy giờ không thích hợp. Ví dụ, ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng, như thế họ mới cố gắng sản xuất tốt hơn nữa. Tóm lại, nên thay đổi cách tiếp cận, ưu tiên hàng Việt Nam bằng cách khuyến khích việc sản xuất cho người Việt Nam sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý", GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng đặt ra câu hỏi nước ta là nước có thu nhập trung bình cao và đang tiến tới thu nhập cao, nếu không giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông thì sao có thể kích cầu?

Thị trường tiêu dùng còn nhiều "điểm nghẽn"- Ảnh 2.

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự VAFIE (Ảnh: nhadautu).

Hiện nay, doanh nghiệp Việt đủ sức để thay thế nước ngoài để làm ô tô, xe máy, xây dựng, khách sạn,… năng lực của doanh nghiệp Việt từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn đủ sức làm, thậm chí làm tốt hơn, chất lượng tốt hơn, công trình xây dựng nhanh hơn. Nếu muốn tiêu dùng nội địa, kích cầu thì phải nhấn mạnh đặc thù trong nước.

Theo đó, ông đề xuất cần thực hiện 7 giải pháp: Đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường; đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường; các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường; doanh nghiệp cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu, hiện có rất ít thương hiệu mạnh, cần khuyến khích DN xây dựng hình ảnh; nâng cao năng lực quản trị của DN; tăng cường đầu tư R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Ngoài ra cần khuyến khích DN trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt doanh nghiệp quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Đây là những giải pháp cần thiết, giúp thị trường trong nước không chỉ hấp dẫn với người Việt Nam, doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài.