Thương chiến lan đến sản phẩm bình dân nhất: Mỹ áp thuế 170% khiến một ngành nuôi cá Trung Quốc lao đao, 10 người thì 1 người có nguy cơ mất việc

Admin
Việc Mỹ áp thuế khiến cho 425 triệu USD cá tô phi xuất khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Tại Maoming – một thành phố ở miền Nam Trung Quốc – cá không chỉ là món ăn bình dân mà còn là nguồn sống của hàng nghìn người dân nơi đây. Tuy nhiên, tất cả điều đó đang đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một khu vực có diện tích lớn gấp rưỡi San Francisco được dành cho hoạt động nuôi cá rô phi ở Maoming. Các trại ươm giống và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi duy trì sự vận hành của các trang trại cá. Toàn thành phố có 16 nhà máy chế biến cá rô phi thành phi lê để xuất khẩu – chủ yếu phục vụ cho các siêu thị tại Hoa Kỳ.

Nhiều đợt áp thuế của Mỹ khiến cho 425 triệu USD cá rô phi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ phải chịu mức thuế lên tới 170%, gần như loại bỏ sản phẩm này khỏi thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ.

Tính đến cuối tháng 4, các trại cá giống tại Maoming cho biết họ không nhận thêm đơn hàng mới, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng cho biết khách hàng đang cắt giảm. Trong khi đó, các nhà máy chế biến rơi tạm dừng, và nhiều nông dân đang thua lỗ với mức giá hiện tại.

Theo Tongwei – một trong những doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Trung Quốc – cứ 10 người nuôi cá rô phi thì có 1 người có nguy cơ mất việc.

“Mức thuế cao này đã giáng một đòn tàn khốc vào chúng tôi,” Huang Songfei – một người mua lâu năm ở Maoming – chia sẻ.

Thương chiến lan đến sản phẩm bình dân nhất: Mỹ áp thuế 170% khiến một ngành nuôi cá Trung Quốc lao đao, 10 người thì 1 người có nguy cơ mất việc- Ảnh 1.

Cá rô phi có thể chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng mối đe dọa đến sinh kế của người dân Maoming đang được cảm nhận rõ ở cả hai phía khi cuộc chiến thuế quan ngày càng căng thẳng.

Từ tháng 3 đến tháng 5 là mùa cao điểm thả cá rô phi. Thông thường, cá giống mới nở được tiêu thụ nhanh chóng và chuyển tới tay nông dân. Nhưng mùa xuân năm nay, đơn đặt hàng gần như không có.

“Đây là năm khó khăn nhất từ trước đến nay,” một công nhân (giấu tên) cho biết. “Thông thường giờ này chúng tôi đã bán được rất nhiều. Nhưng năm nay không ai mua.”

Chủ của cô cho biết doanh thu đã giảm quá nửa. “Một số doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ cũng rơi vào hoảng loạn,” ông nói. “Đây là hiệu ứng dây chuyền.”

Giá cá rô phi đã giảm 17% vào đầu tháng 4 sau các đợt trả đũa thuế quan từ Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù sau đó có hồi phục nhẹ, nhưng giá vẫn ở mức thấp đáng báo động. Một số nông dân đang vật lộn để bán được hàng, theo lời Huang.

16 nhà máy chế biến cá xuất khẩu tại thành phố cũng trong tình trạng lao đao. Trước đây, họ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn cá rô phi mỗi năm – chủ yếu sang Hoa Kỳ và Canada, theo chính quyền địa phương – đủ để phục vụ khẩu phần cá thường niên cho 25 triệu người Mỹ.

“Nếu tình trạng này tiếp tục, tất cả chúng tôi sẽ phá sản,” Zhu Huazhi – một người mua đại diện cho nhiều nhà máy – cho biết. Hơn 60% cá rô phi của các nhà máy này từng được xuất sang Hoa Kỳ.

Tại tỉnh Hải Nam lân cận, nơi Hoa Kỳ chiếm tới một nửa sản lượng cá rô phi xuất khẩu, hiệp hội thủy sản địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn thị trường Mỹ là điều vô cùng khó khăn. Dù vẫn có cơ hội ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông, nhưng không thị trường nào đủ lớn hoặc có thể mở rộng nhanh chóng như Mỹ. Ví dụ, thị trường châu Phi chủ yếu nhập khẩu cá nguyên con, ít chế biến – theo một nhà xuất khẩu cá rô phi.

Kinh tế trong nước cũng không phải là chỗ dựa dễ dàng. Nhu cầu nội địa yếu, người tiêu dùng thận trọng và chi tiêu giảm. Do đó, người dân vẫn đặt hy vọng vào một thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia.