Ở giữa lòng Trùng Khánh (Trung Quốc) nắng cháy và mưa dầm, có một cô gái từng chẳng biết trồng nổi một cọng hành, đã dành hai năm cuộc đời để vun trồng một khu vườn – không chỉ bằng phân bón, nước tưới, mà còn bằng cả yêu thương, tiếc nuối và rất nhiều lần học cách buông bỏ.
Đó không phải là khu vườn của một người chuyên nghiệp, càng không phải nơi “check-in” hào nhoáng. Nhưng từng cành cây, gốc hoa, góc ngồi, lối đi… đều mang dấu vết của một tâm hồn đang lớn lên, đang tìm kiếm sự bình yên giữa bộn bề cuộc sống.
Hãy cùng theo dõi hành trình làm vườn – cũng là hành trình làm lành với chính mình – của cô gái ấy.

Vườn của tôi – sự thô mộc, vụng về và những điều học được
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có ngày yêu cây cối đến vậy. Hai năm trước, tôi còn là người chưa từng gieo được một mầm hành, chưa từng trồng nổi một tép tỏi. Vậy mà bằng sự tò mò, đôi lúc là bối rối, tôi bắt đầu hành trình của mình.
Khu vườn nằm sát nhà ở phía Đông, bên Nam là hàng trúc, phía Tây là vài cây lớn. Tôi mất một năm quan sát để tìm ra đâu là vị trí thích hợp cho các loại cây trồng. Nếu ai đã biết đến Trùng Khánh thì sẽ biết nơi đây nắng gắt, mưa dầm, thời tiết không quá thuận lợi.
Khu trồng cây ban đầu toàn là đất lẫn gạch đá xây dựng. Tôi không biết thay đất, chỉ biết cải tạo bằng cách rải thêm phân, thêm mùn. Đến giờ vẫn thấy hậu quả.
Tôi học được bài học đầu tiên: Trồng cây, phải bắt đầu từ đất
Tôi giữ lại một khoảng để phơi đồ nơi có nhiều nắng nhất và dần biến nó thành "sân khấu" của cây hoa giấy. Tôi cũng đặt một chiếc ghế cạnh cửa, để ngồi ăn sáng, lắng nghe tiếng mưa rơi, và ngắm nhìn những chùm cẩm tú cầu đung đưa theo mùa.

Khi mùa xuân đến, cây phong đỏ rực như tranh vẽ. Khi thu về, lá rụng lác đác, khoảnh khắc buồn nhưng đẹp lạ kỳ.

Học cách buông bỏ – và yêu lấy mọi khoảnh khắc
Tôi đã từng tham lam: Muốn trồng tất cả, muốn hoa nở rộ khắp nơi. Nhưng sau hai năm, tôi hiểu rằng vườn đẹp không nằm ở số lượng, mà ở sự hài hòa.
Tôi từng thất vọng khi hoa không nở như mong muốn, từng tiếc nuối khi cây chết vì không hợp khí hậu. Nhưng rồi tôi hiểu: không có sai lầm nào là vô nghĩa, mỗi lần thử và sai đều dạy tôi điều gì đó. Giờ đây, tôi chọn cây phù hợp hơn, ít chăm sóc hơn, và đẹp theo cách riêng.

Tôi không có hoa hồng dây, không có tử đằng như mạng xã hội vẫn tung hô. Nhưng tôi có những cẩm tú cầu dịu dàng, cỏ tía rực rỡ, hoa giấy khoe sắc từ hè đến thu – những loài thực sự hợp với Trùng Khánh và hợp với tôi.


Tôi học được cách "giảm": Giảm mong muốn, giảm bon chen, để thay vào đó là cân bằng giữa yêu thích và phù hợp

Tôi vẫn mê màu đỏ dù nó khó phối màu, tôi vẫn cố gắng giữ lấy, vì đó là tôi. Vườn của tôi không hoàn hảo, nhưng là nơi chứa đựng cả trái tim tôi.
Tôi không còn chó, nhưng lại được bầu bạn với những chú mèo hoang trong khu – chúng không để tôi chạm vào, nhưng lại thường xuyên ghé thăm. Tôi gọi chúng là những linh hồn nhỏ trong thế giới cổ tích của mình.






Khu vườn – tấm gương phản chiếu chính mình
Góc tôi thường ngồi có thể nhìn thấy cây phong, hoa nhài gió, cẩm tú cầu, thậm chí cả đàn cá nhỏ đang bơi. Tôi đặt những loài mình yêu nhất ven lối đi, để mỗi sáng chiều đi ngang, dù bận rộn thế nào cũng có thể liếc nhìn, mỉm cười.

Góc đồ cũ tôi đang tỉ mỉ hoàn thiện – không vội vã. Tôi muốn mỗi chi tiết trong vườn đều có ý nghĩa, có câu chuyện.



Làm vườn không phải một cuộc thi. Nó là hành trình riêng của mỗi người. Không có đẹp nhất, chỉ có hợp nhất với bạn.




Tôi mất hai năm để học hỏi, từng nhiều lần thất bại rồi lại tiếp tục trồng lại. Nhưng cuối cùng, tôi hiểu rằng: Làm vườn là học cách yêu thương, học cách chấp nhận, học cách buông bỏ.
Nếu có yêu thích gì, tôi vẫn sẽ mua về. Cứ thử, cứ trồng, dù có thể nở rộ hay úa tàn. Miễn là tôi thấy hạnh phúc trong từng khoảnh khắc bên khu vườn của mình.



Và nếu bạn đang bắt đầu, đừng lo nếu mình không chuyên. Chỉ cần bạn yêu thích, vườn của bạn sẽ tự kể nên câu chuyện – một câu chuyện chỉ riêng bạn có.