“Ván cược” vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) không được như ý

Admin
Công nghệ CCS hiện tại chưa đủ trưởng thành để triển khai trên quy mô lớn, và nó cũng khó có thể mở rộng đủ nhanh để đạt được mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra nhanh hơn dự đoán của các nhà khoa học và lượng khí thải tiếp tục tăng vọt vượt mức cao kỷ lục mọi thời đại, các công ty đang đặt cược vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (công nghệ CCS) để đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai công nghệ chậm chạp và việc đầu tư được thực hiện vào một phạm vi hẹp của công nghệ, đã khiến "ván cược" không được như ý.

Thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) nghe có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời về giảm phát thải, và đã nổi lên như một giải pháp khí hậu được ngành nhiên liệu hóa thạch ưa chuộng, nhưng nó khác xa câu chuyện về mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Ván cược” vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) không được như ý- Ảnh 1.

Công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (công nghệ CCS) vẫn chưa phát triển đến mức đủ để đáp ứng đáng kể các mục tiêu về khí hậu do Thỏa thuận Paris đặt ra. Ảnh minh họa: ING

Với hóa chất, CO2 có thể được tách ra khỏi khí thải do các nhà máy điện tạo ra và được lưu trữ dưới lòng đất mãi mãi. Nhưng để vận hành công nghệ CCS, điều này có thể thúc đẩy việc đốt nhiều hydrocarbon hơn tại các nhà máy điện cũ.

"Công nghệ CCS tiêu tốn nhiều năng lượng đến mức nếu các vị thêm quy trình này vào một nhà máy điện than, các vị sẽ phải đốt gấp đôi lượng than cần thiết tại đó", bà Emily Grubert, giáo sư về chính sách năng lượng bền vững tại Notre Dame, cho biết.

"Việc xây dựng CCS quy mô lớn tại các nhà máy khí đốt sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về khí đốt. Tương tự,  việc xây dựng CCS quy mô lớn cho điện than sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về than. Do đó, các cấu trúc bổ sung này không phù hợp lắm với hành động vì khí hậu", bà Grubert chỉ ra.

Điều đáng lưu ý là, tính khả thi của việc thu hồi carbon chỉ là về mặt lý thuyết. Thực tế là, công nghệ CCS vẫn chưa phát triển đến mức cần thiết và với công suất hiện tại, tổng cộng mới chỉ có 318.000 tấn CO2 được thu hồi và lưu trữ vào năm 2024, so với 3,5 gigaton CO2 cần phải thu hồi và lưu trữ để đảo ngược sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Các nhà hoạt động vì khí hậu phàn nàn rằng việc đưa ra các cam kết dựa trên việc sử dụng một công nghệ chưa hoàn thiện chỉ đơn giản là một nỗ lực "tẩy xanh" đang được các công ty dầu mỏ sử dụng để phớt lờ nhu cầu cắt giảm khí thải.

Công nghệ CCS không chỉ chưa đủ trưởng thành để triển khai trên quy mô lớn; một nghiên cứu năm ngoái đã phát hiện ra rằng ngay cả khi công nghệ đã đủ trưởng thành, thì cũng không có đủ không gian lưu trữ dưới lòng đất để chứa toàn bộ lượng CO2 cần phải loại bỏ để đảo ngược sự gia tăng nhiệt độ.

Nghiên cứu – được công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào tháng 9 năm ngoái và do các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Chalmers và Đại học Bergen dẫn đầu, đã kết luận rằng công suất CCS hiện tại và dự kiến là không đủ để đáp ứng đáng kể các mục tiêu về khí hậu do Thỏa thuận Paris đặt ra.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả với những nỗ lực đáng kể, việc triển khai công nghệ CCS khó có thể mở rộng đủ nhanh để đạt được mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C và có thể không đủ cho mục tiêu 2 độ C.

Nghiên cứu ước tính rằng, trong thế kỷ này, không quá 600 gigaton CO2 có thể được cô lập bằng công nghệ CCS, thấp hơn nhiều so với mức 1.000 gigaton cần thiết để tạo ra sự khác biệt được nêu trong một số kịch bản giảm thiểu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Một trong những vấn đề chính là không có đủ khả năng lưu trữ dưới lòng đất để chứa toàn bộ CO2 đã thu được nhờ công nghệ CCS.

Để đạt được mục tiêu 2 độ C, công nghệ CCS sẽ cần phải tăng trưởng nhanh như năng lượng gió vào đầu những năm 2000 và đến những năm 2040 sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng đỉnh điểm của năng lượng hạt nhân vào những năm 1970.

Điều đó sẽ không xảy ra. Ngay cả khi có xảy ra, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng ngưỡng 1,5 độ C có khả năng đã nằm ngoài tầm với của nhân loại, trong bối cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 3 đã cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo báo cáo gần đây do Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU biên soạn và công bố.

Bản thân IPCC gần đây đã cảnh báo rằng các mục tiêu giới hạn nhiệt độ ở ngưỡng 1,5-2 độ C được đặt ra tại Paris đã bị bỏ lỡ, và thế giới hiện đang trên đà chứng kiến nhiệt độ tăng thảm khốc 2,7-3,1 độ C vào năm 2100.

Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Bloomberg)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thiết bị đặc biệt giúp người khiếm thị tự tin di chuyểnThiết bị đặc biệt giúp người khiếm thị tự tin di chuyển
Tham khảo thêm
Công nghệ giúp xây nhà ga xe lửa với tốc độ đáng kinh ngạcCông nghệ giúp xây nhà ga xe lửa với tốc độ đáng kinh ngạc