Khi nói đến sức khỏe tài chính, chúng ta thường nghĩ ngay đến những yếu tố thực tế như lập ngân sách, thu nhập, trả nợ hay mục tiêu tiết kiệm. Nhưng phía sau những “con số” và lời khuyên tài chính lại tồn tại một dòng chảy âm thầm thường bị bỏ qua: Sự thiếu niềm tin vào chính mình.
Là một chuyên gia tài chính cá nhân, Nathan Astle đã chứng kiến không ít lần việc mọi người vật lộn với cảm giác không thể tin tưởng chính mình trong các quyết định liên quan đến tiền bạc. Không phải vì họ thiếu thông minh hay thiếu ý chí, mà bởi họ mang theo gánh nặng của những sai lầm trong quá khứ, cảm giác xấu hổ và sự bất an trong một môi trường hiếm khi cho cơ hội làm lại từ đầu.

Ảnh minh hoạ.
Cội nguồn của sự nghi ngờ
Phần lớn chúng ta chưa từng được dạy cách quản lý tài chính. Thực tế, nghiên cứu cho thấy 80% người Mỹ chưa từng được đào tạo về tài chính. Điều đó đồng nghĩa với việc đa số phải tự mình xoay xở trong những vấn đề liên quan đến tài chính đầy phức tạp.
Khi mắc sai lầm như trả chậm hay chi tiêu quá tay, cảm giác tội lỗi thường xuất hiện. Tội lỗi, nếu được nhìn nhận đúng, có thể là tín hiệu để thay đổi. Nhưng khi tội lỗi biến thành xấu hổ, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Cảm giác xấu hổ khiến chúng ta đồng nhất bản thân với sai lầm tài chính, thay vì nhìn nhận đó chỉ là một hành vi sai lầm cụ thể. Và khi vòng xoáy của sự xấu hổ bắt đầu, niềm tin vào bản thân cũng dần rạn nứt.
Khi một người bắt đầu cho rằng lựa chọn tài chính của mình phản ánh giá trị cá nhân hay phẩm chất đạo đức, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến ví tiền, mà còn tác động sâu sắc đến nhận diện bản thân.

Ảnh minh hoạ.
Vòng lặp của sự nghi ngờ
Những sai lầm tài chính là kết quả của áp lực, căng thẳng, hoặc sự thiếu thông tin để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Khi những lỗi lầm đó không được đón nhận bằng sự thấu cảm, từ chính mình, từ người khác hay từ xã hội, chúng ta rất dễ nội tâm hóa những suy nghĩ tiêu cực như: “Tôi không đủ năng lực để đưa ra quyết định tài chính tốt.”
Dần dần, những suy nghĩ đó trở thành niềm tin cá nhân và niềm tin thì định hình hành vi. Chúng ta trì hoãn đưa ra quyết định, né tránh việc kiểm tra tài khoản ngân hàng, hoặc tìm đến những “chuyên gia” đưa ra các quy tắc tài chính cứng nhắc, đơn giản hóa vấn đề theo kiểu đúng/sai. Khi những quy tắc ấy không phù hợp với hoàn cảnh hay giá trị sống của mình, vòng lặp nghi ngờ bản thân lại tiếp diễn.

Ảnh minh hoạ.
Hồi phục lòng tin: Những bước đi thực tế
Việc chữa lành mối quan hệ với tiền bạc bắt đầu bằng cách nhìn nhận bức tranh toàn diện, bao gồm cả những vùng xám trong tài chính.
Dưới đây là một vài cách để bắt đầu xây dựng lại sự tin tưởng vào chính mình:
- Tìm kiếm những ngoại lệ tích cực: Nếu bạn nghĩ “mình luôn thất bại”, hãy nhớ lại một lần bạn đã tiết kiệm đều đặn, hay đưa ra một quyết định tài chính hợp lý. Những thành công nhỏ này thường bị bỏ qua, nhưng chính chúng giúp bạn xây dựng lại câu chuyện mới về bản thân.
- Quan sát môi trường xung quanh: Hãy nhớ lại những thời điểm bạn cảm thấy vững vàng về mặt tài chính. Khi đó bạn đang trải qua điều gì? Cảm xúc lúc ấy ra sao? Việc nhận diện hoàn cảnh giúp bạn phân tách hành vi tài chính một cách rõ ràng hơn.
- Định nghĩa lại “niềm tin”: Tin vào bản thân không có nghĩa là bạn sẽ luôn đúng, mà là bạn tin mình có thể học hỏi và thích nghi. Sai lầm không khiến bạn mất đi quyền được đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai, ngược lại, nó là một phần của hành trình học hỏi.
- Trau dồi kiến thức từ những nguồn đáng tin cậy: Hãy bắt đầu với các nguồn khách quan, uy tín. Tránh những nội dung khiến bạn cảm thấy bị phán xét, ép buộc hoặc quá đơn giản hóa vấn đề.
- Chia sẻ với người bạn tin tưởng: Tự nghi ngờ và cảm giác xấu hổ sẽ lớn dần khi ta giữ trong lòng. Trước khi đưa ra quyết định lớn về tài chính, hãy chia sẻ với người thân thiết, những người sẵn sàng lắng nghe và góp ý một cách chân thành, tích cực.
Hành trình khôi phục niềm tin vào bản thân là một quá trình chậm rãi và rất cá nhân. Nhưng nếu bạn bắt đầu bằng sự bao dung thay vì đòi hỏi hoàn hảo, bạn đã đi được những bước đầu tiên để chạm đến sự vững vàng về tài chính, theo cách đúng với mình nhất.
Theo Psychology Today