Việt Nam và nhiều quốc gia chặn Telegram

Admin
Telegram được coi như “vùng đất” màu mỡ của các nhóm tội phạm.

Telegram là một ứng dụng nhắn tin mã hóa nổi bật với giao diện thân thiện, cách đăng ký đơn giản và khả năng bảo mật cao, thu hút lượng lớn người dùng toàn cầu. Tuy nhiên, chính những ưu điểm này lại đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Telegram, "Vùng đất màu mỡ" cho tội phạm mạng

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, Telegram có thể trở thành công cụ phục vụ cho các hình thức lừa đảo tài chính nhờ vào tính năng mã hóa đầu cuối (end-to-end), cho phép chỉ người gửi và người nhận mới có thể đọc được nội dung tin nhắn. Đặc biệt, các cuộc trò chuyện bí mật không được lưu trữ trên máy chủ của Telegram, càng khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.

Việt Nam và nhiều quốc gia chặn Telegram- Ảnh 1.

Với tính năng bảo mật cao của mình, Telegram đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đứng ngoài vòng pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Tính bảo mật mạnh mẽ này vô tình biến Telegram thành nền tảng lý tưởng để phát tán virus, phần mềm độc hại, ransomware nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc tống tiền người dùng. Ngoài ra, nhiều hội nhóm trên Telegram còn bị phát hiện tổ chức các hoạt động bất hợp pháp như mại dâm, buôn bán ma túy, cờ bạc, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, mua bán dữ liệu cá nhân và lôi kéo đầu tư tài chính trái phép. Mỗi nhóm có thể quy tụ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên, hoạt động xuyên quốc gia, giao dịch kín đáo qua tin nhắn riêng, gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng và xã hội.

Trong khi các nền tảng như Facebook hay X (trước đây là Twitter) có cơ chế kiểm duyệt và vô hiệu hóa tài khoản liên quan đến hành vi bất hợp pháp, thì Telegram lại thiếu những chính sách kiểm soát tương tự.

Chính sự đơn giản trong cấu trúc và khả năng ẩn danh cao đã khiến Telegram trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho tin tặc và các tổ chức tội phạm mạng, tạo ra một "vùng đất màu mỡ" cho các hoạt động phi pháp phát triển.

Hàng loạt quốc gia ra lệnh cấm Telegram

Theo Surfshark và Netblocks, tổng cộng đã có 31 quốc gia cấm nền tảng Telegram kể từ năm 2015, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Danh sách này có những cường quốc như Anh, Tây Ban Nha, Nga,...

Việt Nam

Trước tình trạng ứng dụng Telegram ngày càng bị lạm dụng cho các hoạt động vi phạm pháp luật, Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông ngăn chặn hoạt động của nền tảng này.

Theo công văn số 2312/CVT-CS ngày 2/5, Cục Viễn thông đã chỉ rõ những căn cứ pháp lý và thực tiễn cấp bách đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức đối với Telegram. Công văn này được ban hành dựa trên cơ sở văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4 của Cục A05, trong đó nêu chi tiết về tình hình vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến ứng dụng Telegram tại Việt Nam.

Việt Nam và nhiều quốc gia chặn Telegram- Ảnh 2.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã gióng lên hồi chuông báo động về việc Telegram đang trở thành một công cụ đắc lực cho nhiều loại hình tội phạm. (Ảnh minh hoạ)

Vương quốc Anh

Tại Anh, các kênh Telegram bị cáo buộc đã được sử dụng để tổ chức các cuộc bạo loạn chống người nhập cư vào tháng 8/2024, dẫn đến lời kêu gọi siết chặt quản lý ứng dụng này.

Tây Ban Nha

Tháng 3 năm 2023, Tây Ban Nha đã tạm thời cấm Telegram sau khi một thẩm phán phán quyết theo hướng có lợi cho các tập đoàn truyền thông lớn cáo buộc ứng dụng này phát tán nội dung có bản quyền trái phép. Tuy nhiên, lệnh cấm nhanh chóng bị đảo ngược do sự phản đối mạnh mẽ, cho thấy lo ngại về việc ứng dụng có thể bị lạm dụng và ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng.

Na Uy

Na Uy không ban hành lệnh cấm hoàn toàn nhưng đã hạn chế việc sử dụng Telegram trên thiết bị làm việc của các quan chức chính phủ do rủi ro an ninh quốc gia. Quyết định này nhấn mạnh sự lo ngại về khả năng phát tán thông tin sai lệch của nền tảng.

Đức

Đức từng cân nhắc cấm Telegram vào năm 2022 sau khi phát hiện 64 kênh vi phạm luật chống phát ngôn thù hận. Thay vì cấm, Đức đã phạt Telegram 5 triệu euro vì không tuân thủ quy định, khiến Telegram đồng ý xóa các nội dung bị chính quyền đánh giá là bất hợp pháp.

Nga

Nga đã cấm Telegram trong hai năm từ 2018 đến 2020 sau khi công ty từ chối chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ. Mặc dù bị cấm, Telegram vẫn rất phổ biến và thậm chí các cơ quan nhà nước vẫn sử dụng ứng dụng này để liên lạc.

Belarus

Tại Belarus, Telegram không bị cấm chính thức nhưng Chính phủ đã gắn mác cực đoan cho một số kênh Telegram, và người dùng theo dõi các kênh này có thể bị phạt nặng, thậm chí là tù giam.

Trung Quốc

Trung Quốc đã chặn Telegram từ năm 2015 sau một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Iran

Iran cấm Telegram vào năm 2018 sau các cuộc biểu tình đòi cải cách kinh tế. Chính phủ cáo buộc ứng dụng đã kích động bất ổn và kêu gọi người dân sử dụng các ứng dụng nội địa thay thế.

Thái Lan

Telegram bị cấm tại Thái Lan từ năm 2020 sau khi ứng dụng này được dùng để tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Tham khảo Surfshark và Netblocks, Times of India