VN cung cấp 1 mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp, Campuchia là khách "sộp", chiếm gần 35% đơn hàng

Admin
Một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng mà Campuchia mua rất nhiều từ Việt Nam.
VN cung cấp 1 mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp, Campuchia là khách "sộp", chiếm gần 35% đơn hàng- Ảnh 1.

Hình minh họa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, thu trên 709,91 triệu USD , giá trung bình 411,1 USD/tấn. Con số này tăng 11,7% về khối lượng, tăng 9,4% về kim ngạch, nhưng giảm 2% về giá so với năm 2023.

Phân bón là một mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp. Mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 34,3% trong tổng khối lượng và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Trong năm 2024 vừa qua, Campuchia đã mua 592.121 tấn phân bón từ Việt Nam, tăng 1,4% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt 240,82 triệu USD, giá trung bình 406,7 USD/tấn giảm 3,6% về giá so với năm 2023.

Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu sang Campuchia đạt 55.980 tấn, tương đương 21,24 triệu USD, giá trung bình 379,5 USD/tấn, giảm 2,8% về lượng, giảm 4% kim ngạch và giá giảm 1,3% so với tháng 11/2024.

VN cung cấp 1 mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp, Campuchia là khách "sộp", chiếm gần 35% đơn hàng- Ảnh 2.

Theo dữ liệu của Chứng khoán An Bình, nhu cầu tiêu thụ ure hàng năm của Campuchia ở mức 380.000 - 410.000 tấn, phân DAP là từ 250.000 - 280.000 tấn/năm, và phân NPK là từ 260.000 - 300.000 tấn/năm. 90% nhu cầu tiêu thụ ure của Campuchia là ure hạt đục. Trong khi đó, tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được loại sản phẩm này.

Do tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý, Đạm Cà Mau đã giảm thiểu chi phí logistics, thời gian vận chuyển từ đó duy trì giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh vượt trội so với đối thủ trên thị trường Camphuchia. Hiện Đạm Cà Mau đang chiếm 35 - 40% thị phần phân ure của Campuchia và đặt mục tiêu tăng lên mức 50 - 60% trong thời gian tới.

Bên cạnh Campuchia, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu phân bón lớn thứ hai của Việt Nam với khối lượng xuất khẩu đạt 220.174 tấn, tương đương 89,14 triệu USD, giá trung bình 404,9 USD/tấn. So với năm trước, lượng xuất khẩu tăng 146,6%, kim ngạch tăng 154,6%, và giá tăng nhẹ 3,2%.

Xuất khẩu sang thị trường Philippines đứng ở vị trí thứ 3, đạt 109.381 tấn, tương đương 46,35 triệu USD, giá trung bình 423,8 USD/tấn; tăng 93,3% về lượng, tăng 78,9% kim ngạch, nhưng giảm 7,4% về giá.

VN cung cấp 1 mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp, Campuchia là khách "sộp", chiếm gần 35% đơn hàng- Ảnh 3.

Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 - 2028. Dự báo, xu hướng sử dụng phân bón hóa học và phân bón hữu cơ trong giai đoạn 2024 - 2029 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,5 - 6,7%.

Cùng với đó, năm 2025, giá phân bón toàn cầu được dự báo tăng khoảng 3 - 5%, có khả năng tác động lên mức giá trong nước, đặc biệt tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam.

Nghiên cứu viên Trần Thị Huế - Viện Kinh tế - Tài chính (Học Viện Tài chính) cho biết, năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được kỳ vọng duy trì sự ổn định về nguồn cung nhờ năng lực sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện.

"Các nhà máy lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và DAP Đình Vũ đã triển khai các dự án mở rộng công suất, nâng cấp công nghệ, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sản lượng và chất lượng sản phẩm", bà Huế chia sẻ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo, biên lợi nhuận gộp ngành phân bón năm 2025 tăng nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán đầu ra của phân bón nội địa.