Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một anh chồng đã khiến nhiều người… cười ra nước mắt. Câu chuyện có thể tóm tắt trong một câu ngắn gọn: Cô vợ sinh năm 2000 của anh tiêu hoang quá, anh bất lực chẳng biết giải quyết thế nào, đặc biệt là khi kinh tế của 2 vợ chồng cũng không mấy dư dả.
“Xin lời khuyên của anh chị trong nhóm về việc một người vợ chi tiêu không biết bao nhiêu là đủ. Nên quản lý tài chính thế nào trong trường hợp này ạ?
1. Đồ ăn mua về để quên, thiu hỏng rồi vứt đi. Mua đồ chỉ 1 mình ăn được nhưng mua rất nhiều, không ăn hết được.
2. Thường xuyên quán xá, bạn bè, ăn uống tụ tập dù đã có con nhỏ. Không có tiền sẵn thì vay mượn, vay cả cô, dì,... nhưng giấu không cho chồng biết.
3. Lấy tiền tiết kiệm của gia đình tiêu, chồng thấy thiếu nhưng chối không nhận. Hỏi tới hỏi lui cuối cùng mới nhận đã lấy trả khoản nợ từ trước khi cưới.
4. Ăn ngon mặc đẹp nhưng lúc nào cũng lên mạng kể khổ, kêu không có tiền.
5. Gia đình chồng không khá giả, mới xây nhà, chưa có tiết kiệm nhiều, mẹ già con nhỏ, nhưng nói mãi cũng không hiểu hoàn cảnh kinh tế để chi tiêu hợp lý…” - Nguyên văn chia sẻ của anh chồng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đồng tình rằng nếu vợ đã chi tiêu thiếu kiểm soát như vậy, thì phương án tốt nhất chính là anh chồng phải là người quản lý tài chính trong gia đình. Nhưng có vẻ như cách này cũng không mấy hiệu quả, vì nếu không có tiền tiêu, cô vợ này lại giấu chồng đi vay… Nói chung, rất nan giải!
Quản lý tài chính trong hôn nhân thế nào để hạn chế mâu thuẫn?
Không ai muốn bất đồng, mâu thuẫn với bạn đời, dù là trong khía cạnh nào của cuộc sống đi chăng nữa. Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại bảo “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Chỉ cần vợ chồng chung chí hướng, không khó khăn nào lại không vượt qua được.
Và cũng vì thế, mà vấn đề quản lý tài chính trong hôn nhân vẫn luôn là một trong những vấn đề dễ gây ra mâu thuẫn nhất trong mối quan hệ vợ chồng. Dễ hiểu thôi, một người thích tiêu pha, một người muốn tiết kiệm, làm sao không mâu thuẫn cho được?
Vậy nên là gì để hạn chế tình trạng vợ chồng bất đồng vì chuyện tiền bạc? Câu trả lời, về cơ bản, có thể gói gọn trong 2 vấn đề dưới đây.
1 - Thành thật về mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay.
Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.
Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ:
1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
3. Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng?
4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Phải làm rõ được 4 vấn đề này, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn vợ chồng cứ tối ngày cãi vã, xích mích chuyện tiền bạc, đúng không?