343 dự án TP.HCM được gỡ vướng sẽ cung cấp ra thị trường 216.000 căn hộ

Admin
Đây là thông tin được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu tại diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" diễn ra sáng nay 9/4.

Tại diễn đàn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã có một số ý kiến đánh giá về hai Nghị quyết 170 và 171. Ông Châu cho rằng các chính sách trên đã làm đầy khoảng trống pháp luật đất đai, bổ sung đầy đủ các phương thức tiếp cận, sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

"Chúng tôi nhận thức vấn đề thể chế là hàng đầu nên hiệp hội kiên trì trong việc xây dựng pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, người tiêu dùng trong thị trường bất động sản. Trong thị trường bất động sản thì người mua nhà là người yếu thế, trừ những người mua bất động sản siêu sang. Sự kiên trì của chúng tôi đã được đền đáp với đột phá thể chế từ Đại hội Đảng XIII", ông Châu nói. 

Cũng theo tinh thần của Nghị quyết 18, đã yêu cầu phải sửa đồng bộ các luật. Như vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư đã trả những luật về đúng vị trí của nó. Ví dụ như Luật Đất đai thì không nói về kinh doanh bất động sản. Khi nào về luật nào liên quan thì dẫn chiếu đến luật kia, Chủ tịch HoREA cho biết thêm.

343 dự án TP.HCM được gỡ vướng sẽ cung cấp ra thị trường 216.000 căn hộ- Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM trả lời tại phiên thảo luận.

Nếu như trước kia, theo luật cũ, TP.HCM có 86 dự án không thể triển khai được liên quan đến 57.000 căn nhà. Doanh nghiệp bị chôn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bây giờ có Nghị quyết 171 thì các dự án dần được tháo gỡ. 

"Đến nay, TP.HCM nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với 1.913 ha, mỗi dự án có 830 căn nhà thì 343 dự án sẽ có một lượng nhà ở ra thị trường rất lớn. Dự kiến sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường trong vòng 3-10 năm tới. 

Khi chúng ta đầu tư khoảng 1.000 tỷ cho mỗi ha dự án nhà ở thương mại thì sẽ có 1,9 triệu tỷ đồng đầu tư ra ngoài xã hội, tác động lan tỏa đến hơn 35 ngành kinh tế, từ sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, thi công xây lắp, tư vấn xây dựng đến hoạt động tín dụng, thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai", ông Châu nhận định. 

Còn nội suy trong cả nước có thể sẽ có khoảng 900 dự án nhà ở thương mại đăng ký thực hiện “dự án thí điểm” với quy mô sử dụng đất vào khoảng 5.000ha, thị trường bất động sản sẽ có thêm khoảng 650.000 căn nhà cung ứng cho thị trường bất động sản trong 3-10 năm tới sẽ tạo ra tác động lớn hơn gấp 3 lần quy mô các dự án tại TP.HCM.

Như vậy, điều này có thể thu hút lượng vốn đầu tư lên đến khoảng 5 triệu tỷ đồng tạo ra tác động lan toả đến cả nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và từ năm 2026 trở đi thì tăng trưởng GDP phải đạt 2 con số từ 10% trở lên.

Tuy nhiên, hiện trên cả nước có khoảng hơn 1.500 dự án đang vướng mắc tồn đọng. Vì vậy, Chủ tịch HoREA mong Chính phủ không chỉ áp dụng cho dự án của ba địa phương mà cho tất cả các địa phương có dự án tương tự.