Chàng trai 2k1 tiết kiệm 4 cây vàng sau 3 năm đi làm: Có 1 nguyên tắc để không FOMO khi giá vàng liên tục lập đỉnh

Admin
Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn với những người không có nhiều thời gian tìm hiểu tài chính.

Những ngày qua, vàng tiếp tục tăng giá, giữ vững con số loanh quanh ở mức trên 100 triệu đồng/lượng. Nhiều dân công sở còn đùa vui rằng "mức tăng giá vàng còn nhanh hơn cả sự thăng chức và tăng lương của tôi".

Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn, đặc biệt với những người không có nhiều kinh nghiệm tài chính hoặc không muốn mạo hiểm đầu tư. Đó cũng là lý do mà Nguyễn Hoàng Minh (SN 2k1, quê ở TP Thủ Đức) lựa chọn kênh đầu tư trong 3 năm mới đi làm qua.

Trong thời gian mới đi làm, anh chàng tập trung công việc, không có nhiều thời gian đi tìm hiểu nên đã lựa chọn vàng là kênh đầu tư. Sau 3 năm, anh chàng tích luỹ được 4 cây vàng nhờ thói quen mua 1-2 chỉ vàng hàng tháng.

Chàng trai 2k1 tích luỹ 4 cây vàng sau 3 năm đi làm

Nguyễn Hoàng Minh, 24 tuổi, hiện là Software Engineer (kỹ sư phần mềm) tại một công ty công nghệ ở quận 7 (TP.HCM).

Công việc full-time đầu tiên vào năm 2022 với mức lương khởi điểm 17 triệu đồng/tháng. Ba năm sau, thu nhập của anh tăng lên khoảng 20-27 triệu đồng/tháng (tuỳ thuộc vào số lượng job freelance nhận thêm mỗi tháng). Có những thời điểm, anh chàng có 2 công việc full-time cùng lúc.

Khi mới đi làm, Minh nhận ra rằng nếu không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, đồng lương dù không nhỏ cũng dễ bay mất vì các khoản sinh hoạt, ăn uống, hay mua sắm.

Minh chia sẻ: "Có lẽ mình là con trai nên không có quá nhiều nhu cầu chi tiêu đắt đỏ. Mình vẫn sống ở căn phòng trọ từ thời sinh viên, học cách tự nấu ăn tại nhà. Công việc của mình khá bận rộn, thường làm từ sáng đến tối trước máy tính. Thường mình chi tiêu nhiều vào cuối tuần, chứ trong tuần làm xong việc là đã hết ngày rồi”.

Chàng trai 2k1 tiết kiệm 4 cây vàng sau 3 năm đi làm: Có 1 nguyên tắc để không FOMO khi giá vàng liên tục lập đỉnh- Ảnh 1.

Công việc của Minh yêu cầu làm việc nhiều, nên anh chàng cũng có ít thời gian chi tiêu. (Ảnh minh hoạ)

Minh tâm sự dành khoảng 3,5 triệu đồng/tháng cho chi phí thuê phòng trọ nhỏ gần công ty. Anh chàng thường dành khoảng 30-50% để đầu tư, và chọn vàng là lựa chọn đầu tư ổn định cho mình. Nếu tháng nào tiêu lố vào số tiền đầu tư, Minh sẽ cố gắng tích góp để cân đo đóng đếm, miễn sao qua 2 tháng thì vẫn được thêm 1-2 chỉ vàng là được.

"Có tháng giá vàng xuống thấp, mình cố gắng chắt chiu, bớt đi chơi để mua thêm 2 chỉ. Mình không thấy khổ sở khi tiết kiệm, ngược lại cảm thấy vui vì mỗi tháng đều có một khoản nhỏ để mua vàng, như một phần thưởng cho bản thân" - Minh tâm sự.

Ba nguyên tắc tài chính giúp tích lũy vàng

Trong hành trình tích lũy vàng, Minh đã đúc kết được ba nguyên tắc tài chính của mình để tránh rủi ro. "Công việc của mình khá bận rộn, không có nhiều thời gian đầu tư tài chính nên mình thường đầu tư an toàn, không muốn rủi ro quá nhiều. Mình vẫn mong ước mua được căn nhà hay bất động sản nho nhỏ trước tuổi 30 nên dù có tiết kiệm và ít chi tiêu, song mình thấy xứng đáng khi nhìn vào số tiền mình đang tích luỹ dẫn được" - anh chàng cho hay.

Với riêng mình, anh có 3 nguyên tắc chính trong hành trình tài chính của mình:

1. Phương pháp "DCA": Giảm rủi ro, tối ưu giá mua

Hoàng Minh thường áp dụng phương pháp "DCA" (Dollar-Cost Averaging) - hay bình quân giá - để mua vàng đều đặn mỗi tháng, thay vì dồn toàn bộ tiền mua một lần. Cách tiếp cận này giúp anh giảm rủi ro khi giá vàng biến động mạnh và tối ưu hóa giá mua trung bình . "Dự đoán giá vàng lên hay xuống là điều rất khó, nên mình chọn cách mua cố định theo số DCA mỗi tháng, bất kể giá cao hay thấp," Minh giải thích.

Minh cho biết sẽ không bao giờ cầm 100% tiền của mình mà mua ngay lập tức, mà anh chàng thường lên kế hoạch mua theo từng tuần hoặc tháng.

Ví dụ, khi giá vàng tăng lên 120 triệu đồng/cây (12 triệu đồng/lượng), Minh chỉ mua khoảng 0.25 lượng (2.5 chỉ) với 3 triệu đồng. Nhưng khi giá giảm xuống 90 triệu đồng/cây (9 triệu đồng/lượng), anh mua được khoảng 0.33 lượng (3.3 chỉ) với cùng số tiền. Nhờ đó, giá mua trung bình của anh rơi vào khoảng 103 triệu đồng/cây – thấp hơn đáng kể so với việc mua ở mức giá đỉnh 120 triệu đồng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng dồn hết tiền mặt mua vàng lúc lập đỉnh là 120 triệu đồng/cây.

"Nhiều người thường khuyên dù giá vàng tăng hay giảm thì đều cố gắng mua 1 chỉ. Mình cũng áp dụng điều này, nhưng cũng sử dụng thêm cả con số DCA để đỡ bị áp lực tâm lý khi giá vàng dao động. Quan trọng là phải kiên nhẫn và duy trì thói quen" - Minh tâm sự.

Chàng trai 2k1 tiết kiệm 4 cây vàng sau 3 năm đi làm: Có 1 nguyên tắc để không FOMO khi giá vàng liên tục lập đỉnh- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

2. Tìm hiểu chu kỳ thị trường

Với kinh nghiệm mua vàng 3 năm và cũng học hỏi thêm kinh nghiệm của nhiều người, Minh rút ra hiểu chu kỳ thị trường của vàng, vốn thường trải qua ba giai đoạn: Tích lũy, tăng trưởng, và phân phối (suy thoái). Trong giai đoạn tích lũy, giá vàng đi ngang và ít biến động, là thời điểm lý tưởng để mua vào. "Có thời điểm giá vàng dao động quanh 60-70 triệu đồng/lượng cả năm trời. Mình tranh thủ mua nhiều nhất có thể trong giai đoạn này," anh chàng chia sẻ.

Khi thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng, giá vàng có thể tăng vọt, như từ 70 triệu lên 100 triệu đồng/lượng. Sau đó, trong giai đoạn phân phối, giá giảm nhưng thường ổn định ở mức đáy mới cao hơn đáy cũ, ví dụ từ 60 triệu xuống 50 triệu đồng/lượng.

"Hiểu chu kỳ giúp mình đỡ bị FOMO (PV - hội chứng sợ bỏ lỡ) hơn. Mình cũng không ôm hi vọng vàng giảm xuống quá thấp để mua vào, hoặc khi vàng liên tục lập đỉnh thì mua thêm. Đó là quan điểm cá nhân của riêng mình thôi" - Minh nói.

Chàng trai 2k1 tiết kiệm 4 cây vàng sau 3 năm đi làm: Có 1 nguyên tắc để không FOMO khi giá vàng liên tục lập đỉnh- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

3. Đa dạng hoá tài sản bằng việc mua vàng và đầu tư an toàn

Nguyên tắc thứ ba của Minh là không đặt toàn bộ nguồn lực tài chính vào vàng mà kết hợp với đầu tư an toàn để đa dạng hóa tài sản và tăng tiềm năng sinh lời. Minh có một số cách đầu tư như chứng khoản, hoặc cổ phiếu từ các công ty lớn và ổn định. Tuy nhiên, 2 hình thức đầu tư này vẫn chưa quá cao, chỉ chiếm khoảng 10-30% thu nhập hiện tại của anh chàng.

"Mình không muốn mạo hiểm với các cổ phiếu tăng trưởng nóng. Thay vào đó, mình chọn những công ty có nền tảng tốt, trả cổ tức đều đặn, và ít biến động," anh chàng chia sẻ.

Ngoài ra, Minh dành thời gian nghiên cứu báo cáo tài chính của các công ty và tham khảo ý kiến từ các diễn đàn đầu tư để đưa ra quyết định sáng suốt. "Mình không chạy theo lời khuyên mua bán trên mạng. Mình chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu rõ " Minh cho hay.