"Chiến thần" livestream bán hàng giả, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử ở đâu?

Admin
(NLĐO) - Các sàn thương mại điện tử nơi cung cấp "chợ ảo" cho người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng bán hàng và có hưởng phần trăm từ doanh thu

Những ngày qua, thông tin Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và 3 người khác bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam đã khiến dư luận dậy sóng.

"Chiến thần" livestream bán hàng giả, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử ở đâu?- Ảnh 1.

Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam vì sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng

Tuy vậy, khi xuất hiện thông tin những người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) quảng cáo lừa dối khách hàng, bán hàng giả… lại chưa thấy sàn thương mại điện tử lên tiếng, cũng như chịu trách nhiệm.

Theo tìm hiểu, những phiên livestream doanh thu từ vài tỉ đến trăm tỉ đồng sẽ đem đến nguồn thu không nhỏ cho các sàn thương mại điện tử. Các sàn đều có chính sách thu phí nhất định với giao dịch thực hiện hành công hoặc phát sinh.

Cụ thể, các loại phí cơ bản gồm: phí cố định, phí thanh toán, phí cho các gói freeship… Vừa qua, một số sàn đã tăng phí từ ngày 1-4-2025, theo đó tùy vào từng mặt hàng, tổng phí người bán phải trả cho các sàn dao động từ 6,5% - 15%. Phí này thường được tính dựa trên mỗi đơn hàng thành công.

Các sàn thương mại điện tử đều khẳng định việc đăng tải sản phẩm của nhà bán hàng hoạt động trên sàn, cũng như có đội ngũ chuyên trách để thực thi các chính sách và áp dụng chế tài, bao gồm: gỡ bỏ sản phẩm, tạm thời đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà bán hàng trong từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, cũng chính các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng là nơi "hồi sinh", "tẩy trắng" cho các "chiến thần". Trong năm 2024 vừa qua, một chiến thần livestream bị cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng và phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sau đó, "chiến thần" này vẫn tiếp tục livestream thường xuyên trên các chợ online.

TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), nhấn mạnh sàn thương mại điện tử cần có quy chế kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua bộ lọc.

Nếu lực lượng chức năng vào cuộc phải khóa ngay tài khoản vi phạm, tránh tình trạng sau khi bị xử phạt hành chính lại "tẩy trắng" và quay trở lại bán sản phẩm.

Chợ truyền thống, siêu thị đều phải chịu trách nhiệm liên đới về chất lượng hàng hóa.

Do vậy, các chợ online cũng cần phải chịu trách nhiệm nếu người bán trên sàn vi phạm, thay vì chọn cách im lặng.

"Vừa qua, chúng ta nói nhiều về trách nhiệm của KOL nhưng ít thấy đề cập đến vai trò của các sàn thương mại điện tử" - TS Đào Cẩm Thủy nhấn mạnh.