Nam thanh niên bất ngờ liệt nửa mặt và lời cảnh báo về thói quen sinh hoạt

Admin
Chỉ trong 3 ngày kể từ lúc có dấu hiệu tê mặt trái, nam thanh niên 27 tuổi bất ngờ bị méo miệng và mắt nhắm không kín.

Tê mặt và méo miệng đột ngột

Bệnh nhân L.V.V. (27 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân với tình trạng liệt mặt trái bất thường. Trước đó 3 ngày, V. cảm thấy tê bì vùng mặt, kèm nặng đầu và mệt mỏi. Đến sáng ngày nhập viện, triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn: miệng méo lệch sang phải, mắt trái khô rát, không nhắm kín được và đau đầu nhẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân không sốt, không chóng mặt, buồn nôn hay rối loạn vận động. 

Theo khai thác bệnh sử, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý mạn tính, gia đình không ghi nhận các bệnh như ung thư hay tai biến mạch máu não.

Nam thanh niên bất ngờ liệt nửa mặt và lời cảnh báo về thói quen sinh hoạt- Ảnh 1.

Nam thanh niên bất ngờ liệt nửa mặt.

Qua thăm khám chuyên sâu, Ths.BS Nguyễn Thị Huyền Thu - chuyên khoa Thần Kinh nhận thấy dấu hiệu điển hình của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt Bell) ở mặt trái: nếp nhăn trán và rãnh mũi má bên trái mờ, mắt trái không nhắm kín hoàn toàn, nhãn trung lệch sang phải - dấu hiệu Charles-Bell đặc trưng.

Để làm rõ nguyên nhân, bác sĩ Thu đã chỉ định: Tổng phân tích tế bào máu: Kiểm tra dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm sinh hóa máu: Đánh giá chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu và CRP. Chụp MRI sọ não: Xác định tổn thương thần kinh, mạch máu não hoặc khối u.

Kết quả xét nghiệm máu và sinh hóa không cho thấy bất thường đáng kể. MRI sọ não ghi nhận viêm nhẹ niêm mạc đa xoang và phì đại cuốn mũi dưới hai bên, nhưng không phát hiện tổn thương ở não hay mạch máu não liên quan đến triệu chứng liệt mặt. 

Đồng thời, bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng (như sốt, viêm tai) hay tổn thương cấu trúc, bác sĩ nhận định rằng yếu tố lạnh có thể là thủ phạm, nhất là trong bối cảnh hiện tại ở Hà Nội – thời điểm nhiệt độ thường xuống thấp và gió lạnh tràn vừa qua.

Dựa trên dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ Thu chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bên trái, từ đó đưa ra hướng điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bao gồm:

Sử dụng thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng; bổ sung Vitamin B1, B6, B12, Mecobalamin, kết hợp thuốc tái tạo Myelin và thuốc giãn mạch. 

Ngoài ra, bệnh nhân cần bảo vệ mắt bằng kính, lót gạc khi ngủ, nhỏ nước mắt nhân tạo. Hỗ trợ phục hồi bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. 

Để phòng ngừa, cần tránh lạnh, giữ ấm, hạn chế tắm đêm, tập luyện thường xuyên, duy trì dinh dưỡng hợp lý và tuân thủ lịch tái khám.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cần điều trị sớm

Dây thần kinh số 7, hay còn gọi là dây thần kinh mặt, đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các cơ vận động ở mặt, từ nhăn trán, nhắm mắt, cười cho đến huýt sáo. Khi dây này bị tổn thương ở phần ngoại biên (ngoài não), khả năng vận động một bên mặt sẽ bị ảnh hưởng.

Dù không đe dọa tính mạng, nhưng bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng méo miệng, mất đối xứng khuôn mặt do cơ mặt bị kéo về bên lành. 

Ngoài ra, bệnh nhân còn mất khả năng nhắm mắt hoàn toàn, gây khô mắt và dễ viêm loét giác mạc. Một số trường hợp còn đi kèm rối loạn vị giác, giảm tiết nước bọt, nước mắt hoặc di chứng co cứng cơ mặt nếu không điều trị kịp thời.

Theo BS. Thu, nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố:

Tiếp xúc với lạnh: Không khí lạnh có thể gây viêm phù nề dây thần kinh hoặc co thắt mạch máu nuôi dưỡng, dẫn đến thiếu máu cục bộ, chèn ép dây thần kinh và làm tê liệt chức năng vận động. Đây là một nguyên nhân phổ biến đặc biệt trong mùa đông hoặc thời tiết chuyển mùa. 

Nhiễm trùng: Các bệnh như viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm tuyến mang tai, hoặc virus như herpes zoster (zona) có thể tấn công dây thần kinh, gây tổn thương trực tiếp. Chấn thương và khối u: Dù ít gặp hơn, tổn thương sọ não hoặc khối u chèn ép cũng là những yếu tố cần xem xét.

Theo BS.Thu, về việc chữa trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh nhân có tiên lượng tốt nếu được can thiệp sớm, với khả năng hồi phục gần hoàn toàn trong 2-3 tháng. Nếu chậm trễ trong quá trình thăm khám và phát hiện bệnh, nguy cơ để lại di chứng như co giật cơ mặt hoặc thoái hóa thần kinh rất dễ xảy ra.

Ở bệnh nhân V, cần tránh tiếp xúc với lạnh, giữ ấm vùng đầu mặt, và theo dõi sát sao trong giai đoạn đầu để đánh giá hiệu quả điều trị. Còn đối với các trường hợp hiếm gặp như liệt hai bên mặt, cần xem xét các bệnh lý phức tạp hơn như hội chứng Guillain-Barré, đòi hỏi chẩn đoán chuyên sâu qua xét nghiệm dịch não tủy, điện thần kinh cơ.

Nam thanh niên bất ngờ liệt nửa mặt và lời cảnh báo về thói quen sinh hoạt- Ảnh 2.

Làm việc căng thẳng, thức khuya cũng là thói quen không tốt (Ảnh minh họa).

Ngày nay, bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 ngày càng phổ biến hơn ở người trẻ do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Việc tắm khuya, để quạt hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào mặt, ra ngoài trời lạnh mà không giữ ấm có thể khiến dây thần kinh mặt bị viêm, phù nề, dẫn đến liệt nửa mặt.

Ngoài ra, làm việc căng thẳng, thức khuya cũng là thói quen không tốt, tuy không là thủ phạm trực tiếp gây ra liệt mặt nhưng nó là nguy cơ tác động gián tiếp. Làm việc muộn khiến cho thần kinh, hệ tim mạch cũng hoạt động trong trạng thái căng thẳng. Chúng sản sinh nhiều gốc tự do – yếu tố liên quan mật thiết đến sự hủy hoại bao myelin của dây thần kinh như dây số 7. 

Chủ spa liệt nửa mặt, 3 lần nhập viện vì "một trận cười" giá chát

Nó có thể không gây ra liệt mặt ngay lập tức sau một đêm làm việc muộn nhưng sự tích lũy của nó có thể làm cho dây thần kinh dễ bị dính nguy cơ.

Bên cạnh đó, suy giảm miễn dịch, cùng với nhiễm virus trong diễn biến thời tiết phức tạp, ô nhiễm môi trường cũng là yếu tố nguy cơ khiến bệnh xuất hiện đột ngột.

BS.Thu cảnh báo về việc bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết bất lợi, theo đó ngay khi thấy xuất hiện các biểu hiện điển hình của bệnh như liệt mặt, méo miệng… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay ở giai đoạn nhẹ, phòng tránh biến chứng nguy hiểm.