Honda sáp nhập với Nissan có thể cũng vô dụng: Tốc độ phát triển xe điện Trung Quốc nhanh gấp đôi bất kỳ thương hiệu nào của Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản

Admin
Mẫu xe điện mới được Trung Quốc ra lò trong chưa đến 3 năm, nhanh gấp đôi các hãng Phương Tây, phần mềm công nghệ mới thì cập nhật liên tục.
Honda sáp nhập với Nissan có thể cũng vô dụng: Tốc độ phát triển xe điện Trung Quốc nhanh gấp đôi bất kỳ thương hiệu nào của Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản- Ảnh 1.

Tờ Economist cho hay tốc độ đổi mới là thứ khiến ngành xe điện Trung Quốc vượt trội chứ không riêng gì quy mô, bởi vậy Honda có sáp nhập với Nissan cũng không giải quyết được vấn đề và thời hoàng kim của các hãng xe Nhật Bản này đã qua.

Các mẫu xe điện mới được Trung Quốc ra lò trong chưa đến 3 năm, nhanh gấp đôi các hãng Phương Tây, phần mềm công nghệ mới thì cập nhật liên tục. Hiện chưa có bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào của Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản tìm ra cách để so bì với Trung Quốc về tốc độ phát triển xe điện.

Trong bối cảnh đó, việc mở rộng quy mô bằng cách sáp nhập Honda với Nissan không phải câu trả lời cho thách thức của các hãng ô tô Nhật Bản hiện nay. Vấn đề cốt lõi nằm ở khả năng phát triển công nghệ, đổi mới sản xuất với tốc độ nhanh chóng.

Do đó dù Honda có khả năng sáp nhập cùng Nissan hay tái khởi động lại thương hiệu Predule đã ngừng sản xuất cách đây 25 năm dưới dạng xe Hybrid thì tờ Economist cũng cho rằng 2 hãng ô tô này chỉ đang cố gắng níu kéo hào quang trong quá khứ.

Vật lộn

Tờ Economist cho hay cả 2 hãng xe hơi Nhật Bản đều đang phải vật lộn với sự biến động trong ngành công nghiệp ô tô.

Để bắt kịp các đối thủ Trung Quốc tại thị trường trong nước và ngày càng tăng trên toàn thế giới, thì các hãng xe phải tung ra các loại xe điện mới liên tục để cạnh tranh, đồng thời đầu tư mạnh vào phần mềm trong khi vẫn phải tiếp tục bán ô tô xăng để kiếm tiền đổ vào sự chuyển đổi này.

Thế rồi khả năng ông Donald Trump đánh thuế trở lại khiến những hãng ô tô Nhật Bản càng gặp khó bởi chi phí sản xuất tại Mỹ không hề rẻ.

Chính điều này khiến Honda và Nissan phải kết luận rằng quan hệ đối tác phát triển xe điện được công bố vào tháng 3 sẽ là không đủ và một cuộc sáp nhập toàn diện cần được lên kế hoạch.

Về phía Nissan, công ty này đang gặp vô vàn khó khăn. Lợi nhuận hoạt động trong sáu tháng tính đến tháng 9/2024 đã giảm gần 90% so với một năm trước đó.

Honda sáp nhập với Nissan có thể cũng vô dụng: Tốc độ phát triển xe điện Trung Quốc nhanh gấp đôi bất kỳ thương hiệu nào của Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản- Ảnh 2.

Tại thị trường quan trọng nhất là Bắc Mỹ, thị phần của Nissan đã giảm trong khi doanh số bán hàng ở Trung Quốc cũng lao dốc.

Mặc dù hãng đã công bố sa thải 9.000 lao động và cắt giảm 20% công suất sản xuất vào tháng 11/2024 nhưng các nhà đầu tư vẫn không tin rằng hãng có chiến lược rõ ràng cho mảng xe điện hoặc xe hybrid, vốn đang ngày càng được người mua xe ưa chuộng.

Theo Economist, một liên minh Honda-Nissan-Mitsubishi có thể giúp các thương hiệu này dồn nguồn lực vào công nghệ để bắt kịp đối thủ Trung Quốc, nhưng điều này cần thời gian.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc đã phải tốn hàng thập niên với sự hỗ trợ từ chính phủ mới có thể phát triển được một chuỗi cung ứng và ngành xe điện toàn diện, bùng nổ như hiện nay.

Bởi vậy việc liên doanh giữa 2 doanh nghiệp là chưa đủ để tăng tốc bắt kịp đối thủ vì chúng còn liên quan đến xây dựng chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn nguyên liệu, cắt giảm chi phí, đột phá công nghệ mũi nhọn để nâng cấp liên tục...

Tệ hơn, một thỏa thuận sáp nhập chắc chắn sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc như đóng cửa nhà máy, sa thải lao động tại Nhật Bản, điều cực kỳ nhạy cảm với nền kinh tế này.

Tờ Economist cho hay có tin đồn rằng Foxconn, một nhà sản xuất nổi tiếng trong mảng điện thoại đang muốn bành trướng ở lĩnh vực ô tô và điện tử tiêu dùng, qua đó đã đàm phán với Nissan về khả năng mua lại các thiết kế về phần cứng như khung gầm và hệ thống treo.

Ngoài ra các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng có thể quan tâm đến việc mua Nissan để sản xuất tại Mỹ, qua đó tránh được thuế quan cho xe nhập khẩu.

Chính những điều này đã thúc đẩy cuộc đàm phán giữa Honda và Nissan.

Bất chấp điều đó, tờ Economist cho rằng động thái này có lẽ không phải câu trả lời cho ngành ô tô Nhật Bản.

*Nguồn: Economist