Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là lĩnh vực bùng nổ và có tiềm năng mang lại hàng nghìn tỷ USD trong tương lai. Đây cũng là lý do nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư mạnh cho công nghệ này.
Tuy nhiên, khi AI trở nên thông minh hơn con người thì làm sao để an toàn? Đây cũng là vấn đề được ba nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này lên tiếng. Họ là GS Yoshua Bengio, GS Yann LeCun (hai người được coi như "Quái kiệt" và "Bố già" AI ) và tỷ phú Jensen Huang, CEO của hãng chip Nvidia. Ba người là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024, vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.
Ngay sau lễ trao giải VinFuture 2024, cả ba vị chuyên gia này đều có những chia sẻ ấn tượng về AI, đặc biệt là cách để an toàn hơn khi công nghệ này trở nên thông minh hơn con người.
Theo GS Yoshua Bengio, chúng ta phải tôn trọng các quan điểm khác nhau về câu hỏi đâu là khi nào AI thông minh như con người. Trong thời gian ngắn có thể đáng lo nhưng vài thế kỷ nữa thì không. Làm sao kiểm soát hệ thống thông minh hơn con người vẫn là thách thức lớn và mở.
Tiếp lời GS Yoshua Bengio, GS Yann LeCun cho rằng: "Tôi cũng trao đổi nhiều khi có thực thể thông minh là mối nguy hiểm với con người, thậm chí khát vọng thống trị chúng ta. Tuy nhiên, câu trả lời hiện tại là "chưa". Chúng ta có thể mua 1 món đồ chơi nhỏ, 1 thiết bị chơi cờ (có giá 30 euro) với chúng ta và có khi chúng ta thua. Vậy việc này nguy hiểm không? Câu trả lời là không. Vâng, thực tế chỉ nguy hiểm khi chúng ta đưa động lực gì cho AI.
Hiện nay AI chưa có động lực. AI mới có tri thức. Thế nên chúng ta phải tạo ra động lực tích cực, đóng góp cho cộng đồng và để AI làm cái đúng phục vụ con người. Đó là vấn đề về kỹ thuật. Chẳng hạn, trong 50 năm qua, con người chế tạo máy bay ngày càng an toàn hơn. Tôi tin với AI thì chúng ta cũng làm được điều đó. Nhiều người cho là AI thống trị con người thì đó là quan điểm sai, bởi vì ngay cả trong xã hội có nhiều người thông minh nhưng không đồng nghĩa rằng họ muốn thống trị thế giới".
Theo ông, việc quan trọng là sao để tránh có người xấu lợi dụng AI. Nhưng đây lại là vấn đề của con người, trong khi AI là công cụ.
Về động lực của AI, GS Yoshua Bengio phản biện rằng: "Có nhiều thứ tôi không đồng tình. Bởi vì chỉ một vấn đề nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của con người. GS LeCun nói đúng về động lực của AI, nhưng động lực xấu hình thành thế nào?".
Theo vị GS này, AI có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, kinh doanh… và con người hoàn toàn có thể đưa động lực vào máy. Có người muốn biến máy trở thành con người và tự dưng khi đó máy muốn bảo toàn cho chính nó.
"Khi con người muốn tắt máy nhưng máy không chịu. Khi chúng ta huấn luyện cho máy thì máy sẽ nghĩ là làm sao làm tốt để giành được phần thưởng, nhưng nó cũng sẽ nghĩ làm sao để chiếm luôn quyền trao thưởng. Tất nhiên, chúng ta phải đảm bảo rằng kịch bản đó không xảy ra ", GS Yoshua Bengio cho biết.
Theo ông: "Có quá nhiều điều chưa biết về AI. Tôi nghĩ rằng để an toàn xây dựng máy móc như công cụ, khi chúng ta biết rõ hậu quả thì sẽ biết việc cần làm và phải làm thế nào".
GS Bengio chỉ ra, một trong những nguy cơ đáng sợ nhất là sự mất kiểm soát đối với AI khi nó tiến hóa vượt xa trí tuệ của con người. Trong đó, khả năng tự học hỏi và phát triển của AI sẽ khiến con người khó lường trước cũng như không thể kiểm soát hành vi của chúng. Đây thực sự là một vấn đề lớn vì con người vẫn chưa biết là thế nào để kiểm soát AI khi chúng trở nên thông minh hơn chúng ta.
Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục phát triển AI?
Theo GS Yoshua Bengio, có một số ước tính cho rằng khi AI đạt đến mức độ như con người, tổng giá trị hiện tại ròng của thị trường này sẽ vào khoảng 10 triệu tỷ USD. Vậy, nếu một công ty có thể kiểm soát thị trường này thì giá trị của công ty đó sẽ lên đến mức cao như vậy. Đây là một số tiền rất lớn.
CEO Nvidia nói gì về AI?
Được coi là người đặt nền móng cho sự phát triển của AI hiện đại, theo CEO Nvidia Jensen Huang, AI thực sự mang lại sức mạnh vượt trội, nhưng nó không thay thế con người hoàn toàn. Theo ông, AI có thể đảm nhiệm khoảng 80% tác vụ trong một công việc, nhưng không phải là toàn bộ. Lý do rất đơn giản là có những yếu tố mà AI không bao giờ có được, chẳng hạn như sự đồng cảm, lòng tốt hay khát vọng. Đây là những điều cốt lõi tạo nên giá trị của con người.
"Vì vậy, thay vì lo ngại AI sẽ "cướp" mất công việc của mình, chúng ta nên tập trung học cách sử dụng AI để tăng năng suất lao động. Một thực tế là AI không lấy đi công việc của bạn, nhưng một người khác biết cách tận dụng AI thì có thể làm điều đó ", ông Jensen Huang nhấn mạnh.
Theo ông Jensen Huang, chúng ta biết rằng những chiếc xe được chế tạo ngày nay an toàn hơn nhiều so với những chiếc xe cách đây 50 năm hay 100 năm. Lý do rất đơn giản là do công nghệ tốt hơn.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ AI, CEO Nvidia cho rằng: "Điều đầu tiên nên làm là xây dựng công nghệ tốt hơn. Các nhà nghiên cứu AI trên toàn thế giới đang làm việc hăng say để cải thiện độ chính xác, khả năng lý luận, sự liên kết của AI với các giá trị cốt lõi của con người. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đảm bảo rằng AI chỉ làm đúng những công việc mà nó được thiết kế và không được sử dụng sai mục đích. Ví dụ, một AI được thiết kế để phát triển chip không nên được dùng cho việc kế toán hay marketing".
Tỷ phú Jensen Huang nhấn mạnh, hệ sinh thái AI trong tương lai cần có nhiều công cụ giám sát, nơi một AI được bao quanh bởi các AI khác nhằm đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ.
Tối 6/12, tại Lễ trao giải VinFuture 2024, Giải thưởng Chính của năm nay đã vinh danh 5 nhà khoa học, bao gồm gồm GS Yoshua Bengio (ĐH Montreal, Canada), GS Geoffrey E. Hinton (Viện Vector, Canada), ông Jensen Huang (Nhà sáng lập và CEO Tập đoàn Nvidia, Mỹ), GS Yann LeCun (Tập đoàn Meta và ĐH New York, Mỹ), và GS Fei-Fei Li (ĐH Stanford, Mỹ), vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.