Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cô vợ đã khiến tất cả phải đặt câu hỏi: “Sao nhà này can đảm quá vậy?”.
Chuyện là vợ chồng chị hiện có 2 con, 1 bé học lớp 6, 1 bé học lớp 3. Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng rơi vào khoảng 12-15 triệu đồng. Tuy nhiên hiện tại, vợ chồng chị lại đang nợ đến 3 tỷ. Tổng số tiền chi tiêu và trả nợ hàng tháng lên tới 34 triệu đồng, âm hẳn 19 triệu đồng.
“Hiện tại, tất cả các khoản nợ của vợ chồng em (nợ ngân hàng, nợ vay ngoài, vay người thân, bạn bè) là 3 tỷ. Thu nhập cả hai vợ chồng là 12-15 triệu. Em biết khoản thu này không thể chống cự được vì chi cả lãi và trả góp ngân hàng cùng với khi sinh hoạt đã lên tới 34 triệu/tháng. Số tiền thiếu, chúng em lại phải đi vay” - Cô viết.
Vậy là nợ nối nợ, nợ cũ còn chưa trả hết nhưng nợ mới đã được cộng thêm, vì nếu không vay thì không có tiền trả nợ cũ và tiền trang trải cuộc sống. Hiện tại, cô vợ này đang tính kinh doanh Spa, kết hợp với buôn bán đồ ăn do bản thân cũng có khả năng nấu nướng. Tuy nhiên, làm gì cũng cần có vốn, mà với tình trạng hiện tại, việc có vốn để kinh doanh cũng là vấn đề rất nan giải.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải đặt câu hỏi: Sao thu nhập có 12-15 triệu mà lại dám vay nợ tới 3 tỷ đồng?
2 điều cần nhớ nếu không muốn phá sản vì nợ nần
Vay tiền để mua nhà, làm nhà hay kinh doanh, vốn không phải là điều xấu. Nhưng nếu không biết cách tính toán để cân đối khoản vay với khả năng trả nợ, việc bế tắc vì nợ nần sẽ là điều rất hiển nhiên.
Trước khi đưa ra quyết định vay tiền, dù với bất kỳ mục đích gì, đây là 2 điều bạn cần nhớ nếu không muốn phá sản.
1 - Tổng số nợ không được vượt quá 36% thu nhập
Dù đó là nợ vay mua nhà, mua xe, hay nợ thẻ tín dụng, tổng các khoản nợ mà bạn phải trả hàng tháng, tối đa, chỉ nên chiếm 36% tổng thu nhập. Nhớ mốc này để cân đối, tính toán trước khi đưa ra quyết định vay nợ. Nếu không, rất có thể nhà đã có, nhưng vẫn ngay ngáy lo lắng vì áp lực trả nợ.
Nếu bạn chưa biết: Lời khuyên "tổng số nợ không được vượt quá 36% thu nhập" chính là 1 phần của Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ. Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.
Ví dụ như trường hợp của cặp vợ chồng câu chuyện phía trên, với mức thu nhập tối đa hàng tháng là 15 triệu đồng, số tiền tối đa mà gia đình nên dành để trả nợ trong một tháng là: 15.000.000 x 36% = 5.400.000.
2 - Đã đi vay, phải có kế hoạch trả dù có bị chủ nợ đòi hay không
Có vay, có trả, dù là vay ngân hàng hay vay người thân, bạn bè Nhưng không ít người lại ỷ y vào việc “chủ nợ chưa đòi, bao giờ đòi thì trả sau” mà không lường trước đến việc nếu lúc người ta đòi, mà mình đủ khả năng xoay để trả, thì sao?
Thế nên việc lên kế hoạch trả nợ khi có nợ là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đảm bảo khả năng trả nợ, mà còn cho thấy người đi vay nợ là người biết lên kế hoạch, biết giữ chữ tín. Chứ đi vay xong mà ỷ y mãi không trả, hoặc đợi đến lúc bị đòi mới trả, có lẽ, chẳng ai dám cho vay lần 2, lần 3 nữa,...