Dì Vũ, người phụ nữ trung niên 62 tuổi với hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc nội trợ và quán xuyến việc nhà, luôn duy trì lối sống đơn giản và tiết kiệm. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi mọi thứ trở nên khó khăn và biến động, dì Vũ càng cảm thấy lựa chọn sống tiết kiệm là điều vô cùng hợp lý.
Với 12 bí kíp tiết kiệm trong chi tiêu và sinh hoạt, dì Vũ đã tiết kiệm được ít nhất 3 triệu đồng/tháng, không chỉ giúp gia đình sống thoải mái mà còn duy trì một cuộc sống chất lượng, không lo lắng về tài chính. Hãy cùng khám phá những bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả mà người phụ nữ này đã áp dụng!

1. Mua sắm số lượng lớn cho các sản phẩm tiêu dùng
Đối với các vật dụng thiết yếu như nước giặt, giấy vệ sinh, dì Vũ khuyên rằng nên mua với số lượng lớn vì nhiều cửa hàng hay siêu thị thường áp dụng mức giá ưu đãi cho các sản phẩm mua số lượng nhiều. Đây đều là những món đồ dùng hằng ngày, không lo bị hết hạn hay hỏng hóc, nên việc tích trữ sẽ giúp tiết kiệm chi phí lâu dài.
2. Tự làm các sản phẩm vệ sinh gia đình
Thay vì bỏ tiền mua các dung dịch vệ sinh chuyên dụng, dì Vũ thường "tự chế" mọi thứ. Ví dụ, để vệ sinh khu bếp, dì thường dùng giấm trắng cùng baking soda, vừa hiệu quả lại tiết kiệm. Để làm sạch sàn nhà phòng tắm, dì dùng hỗn hợp nước ấm và xà phòng, giúp sàn luôn sạch sẽ và thơm tho mà không cần phải chi tiền cho các sản phẩm đắt đỏ. Cách làm này không chỉ an toàn mà còn cực kỳ tiết kiệm.
3. Không để tủ lạnh quá đầy
Với dì Vũ, một trong những cách tiết kiệm hiệu quả nhất là không lãng phí thực phẩm. Để làm được điều này, dì luôn chú trọng việc lưu trữ tủ lạnh một cách khoa học. Dì khuyên rằng tủ lạnh chỉ nên chứa khoảng 80% thực phẩm, không nên nhồi nhét quá nhiều đồ. Cách này không chỉ giúp không gian tủ lạnh luôn gọn gàng mà còn giúp người nội trợ dễ dàng nhận biết và sử dụng các nguyên liệu trước khi chúng hư hỏng, tránh lãng phí.

4. Kiểm tra định kỳ đồng hồ điện nước
Cứ đến cuối tháng, dì Vũ luôn dành thời gian kiểm tra đồng hồ điện, nước để đảm bảo không có sự lãng phí. Việc này còn giúp dễ dàng phát hiện sớm những hỏng hóc của các thiết bị trong nhà, từ đó có thể sửa chữa kịp thời, tránh gây thiệt hại lớn.
5. Sửa chữa thay vì thay mới
Khi đồ đạc trong nhà hỏng hóc, dì Vũ thường tìm cách sửa chữa thay vì vội vàng thay mới. Chẳng hạn, khi chiếc bàn bị tróc sơn, dì sẽ tự tay sơn lại để không phải tốn tiền mua mới. Còn với các thiết bị điện tử, dì sẽ kiểm tra kỹ càng, nếu có thể tự thay linh kiện hoặc khắc phục được thì dì sẽ làm thay vì đem đi sửa, giúp tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
6. Dọn dẹp tủ đồ và thanh lý đồ cũ
Dì Vũ thường xuyên dọn dẹp tủ quần áo và các vật dụng không dùng đến để giữ cho không gian sống luôn gọn gàng. Với những món đồ cũ hoặc hư hỏng nhiều, dì sẽ không ngần ngại vứt bỏ, còn những món vẫn còn giá trị sử dụng nhưng không cần thiết, dì sẽ thanh lý để thu lại một khoản tiền nhỏ. Cách này không chỉ giúp nhà cửa bớt chật chội mà còn tạo ra một nguồn tài chính nhỏ để tái đầu tư vào những món đồ cần thiết hơn.

7. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Những phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm... thường có chi phí rất rẻ, giúp tiết kiệm được phí xăng dầu hoặc phí đỗ xe. Dì Vũ chia sẻ rằng, nhờ chăm sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng, dì không chỉ tránh được tình trạng tắc đường mà còn tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Chỉ tính riêng tiền di chuyển, dì đã tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/tháng, một con số không hề nhỏ, giúp dì có thể dùng số tiền này cho các khoản chi tiêu khác.
8. Giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội
Điều này nghe có vẻ không liên quan đến việc mua sắm và tiết kiệm, nhưng dì Vũ cho rằng việc lướt web nhiều có thể vô tình kích thích nhu cầu mua sắm online. Dù thực tế chúng ta không thực sự cần món đồ đó, nhưng vì quảng cáo hiển thị liên tục, trông đẹp mắt và hấp dẫn, chúng ta dễ bị cám dỗ và bấm mua.
Dì Vũ chia sẻ rằng, để tránh rơi vào tình trạng này, dì hạn chế lướt web không mục đích và luôn kiểm tra lại trước khi quyết định mua bất cứ thứ gì, giúp tiết kiệm rất nhiều tiền bạc và không gian trong nhà.
9. Giảm số lần ăn ngoài và đặt đồ ăn mang về
Mặc dù ăn ngoài rất tiện lợi, nhưng dì Vũ luôn nhận thấy rằng điểm yếu lớn nhất của nó là tốn kém. Vì vậy, dì ưu tiên nấu ăn ở nhà, không chỉ giúp tiết kiệm mà còn đảm bảo sức khỏe. Để tránh sự nhàm chán trong các bữa ăn, dì thường lên kế hoạch ăn ngoài khoảng 2 - 3 lần mỗi tháng, giúp vừa thay đổi khẩu vị mà lại không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách gia đình.

10. Thiết lập thời gian suy nghĩ trước khi mua đồ
Với những món đồ không mang tính cấp bách, dì Vũ luôn dành một khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ xem có thực sự cần mua hay không. Dì thường đợi khoảng 2-3 ngày, trong thời gian đó, dì sẽ tự hỏi lại bản thân xem món đồ đó có thực sự cần thiết hay không. Nếu khi nghĩ lại mà vẫn thấy mình cần thì lúc đó dì mới quyết định chi tiền.
11. Giảm bớt căng thẳng và chăm sóc bản thân
Nhiều người thường có thói quen mỗi khi căng thẳng sẽ ra sức chi tiêu và mua sắm như 1 cách xả stress hiệu quả. Cho nên, thay vì cố gắng thay đổi thói quen, chúng ta nên tập trung vào việc chăm sóc bản thân và sắp xếp cuộc sống để giamr bớt những lo âu, căng thẳng.
12. Xây dựng thói quen ghi chép chi tiêu
Dì Vũ luôn ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng ngày và hàng tháng để dễ dàng theo dõi và nhận diện những khoản chi không cần thiết. Dì cho rằng việc làm này không chỉ giúp phát hiện được các khoản thừa thãi mà còn giúp lập kế hoạch chi tiêu hợp lý cho tháng tiếp theo, từ đó cải thiện khả năng tiết kiệm.
Nguồn: Toutiao