Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...nhiều khu vực trước đây là các làng, xã, sau quá trình đô thị hoá "tự phát" đã trở thành những "làng đô thị" với mật độ dân số tăng cao, nhà cửa san sát, chen chúc nhau, đặc biệt những con ngõ ngày càng nhỏ, có nơi chỉ vừa 1 xe qua lại.
Những ngôi "làng đô thị" này cực kỳ đông đúc, hỗn loạn, giao thông như mê cung, chật hẹp, ngột ngạt dưới những ngôi nhà nhỏ, cao tầng áp sát nhau, có những nơi không thấy ánh sáng mặt trời bao giờ.
Đặc biệt, những con ngõ nhỏ tối tăm, lòng vòng, sâu hun hút, có nơi bề ngang chỉ tầm 1 mét, vừa đủ cho 1 chiếc xe máy đi qua, nhưng lại là tuyến giao thông chính của cả một khu vực có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ gia đình. Mỗi khi có hộ gia đình xây hoặc sửa nhà, những con ngõ này cũng trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng bụi bặm, cát, gạch, xi măng lấn ra lòng đường vốn đã chật hẹp, khiến nhiều người đi lại khó khăn.
Ngõ đã nhỏ, những con ngách, con hẻm thậm chí còn nhỏ hơn, sâu hun hút như những chiếc vòi bạch tuộc vươn ra khắp nơi, tạo nên một bức tranh giao thông "làng đô thị" vô cùng rối rắm, hỗn loạn. Nếu không phải là người dân sinh sống lâu năm tại đây, người lạ hoặc người mới đến chắc hẳn sẽ khó tìm được đường đến và đường ra khi đã lạc vào mê cung này.

Những con ngõ chật chội, đông đúc ngày càng nhiều ở giữa lòng đô thị lớn. (Ảnh: Minh Đức).
Đáng nói, sự phát triển tự phát, không theo một quy hoạch nào của các ngôi "làng đô thị" này đã khiến cho người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Thực tế, vụ cháy tại Khương Hạ (Hà Nội) diễn ra năm 2023 khiến 56 người chết và 37 người bị thương hay vụ cháy nhà trọ tại con ngõ sâu trên đường Trung Kính (Hà Nội) khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với những ngôi "làng đô thị" này khi con ngõ quá nhỏ, khiến việc tiếp cận phòng cháy chữa cháy rất khó khăn.
Theo thống kê, tại Hà Nội có gần 9.500 phố, ngõ với hơn 2.300 khu dân cư nằm trong ngõ sâu 200 m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận; trong đó khoảng 90% con ngõ, ngách rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3 m.
Nói về thực trạng này, ông Trần Trung Chính - Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, các "làng đô thị" tại Việt Nam hiện nay đều đã vượt các tiêu chuẩn đô thị hay “làng đô thị” cho con người được sống an toàn và lâu dài, đều tiệm cận mức nguy hiểm, mà vụ cháy thảm khốc chung cư mini làm chết 56 người ở phường Khương Đình, Hà Nội năm 2023 là một trong số các ví dụ rõ nét.
Theo ông, dân số đô thị Việt Nam tăng rất nhanh do di dân vào đô thị và những làng kề cận thành phố “là điểm đến đầu tiên, nơi tạm trú có giá nhà phải chăng trong chiến lược sinh tồn của người nhập cư”.
Những làng ven Hà Nội khoảng trước năm 1990 khi chưa trở thành “làng đô thị, làng phòng trọ, làng chứa kho, xưởng sản xuất...” mật độ dân số khoảng 1.000 người/km². Nhưng chỉ từ 1990 - 2006 đã có “148 làng như vậy đã trở thành 'đô thị' theo cách những người di cư mới đến cư trú, thêm vào mật độ người tại các ngôi làng đô thị hóa ở Hà Nội”.
Điểm mật độ dân số hiện nay ở vài “phường đi lên từ làng” sẽ thấy mức tăng: phường Thịnh Quang 40.584 người/km², Khương Thượng 46.221 người/km²...; quận Thanh Xuân: phường Kim Giang 58.925 người/km², Khương Trung 47.431 người/km², hai phường Thanh Xuân Bắc và Nam đều khoảng 42.000 người/km², Khương Đình 24.202 người/km²…
Đồng quan điểm, ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, những phố, ngõ, ngách nhỏ hẹp hôm nay là “vấn đề của lịch sử”.
Trong khi dân số tăng nhanh, những ngõ, phố nhỏ của Hà Nội không những khó được mở rộng ra mà thậm chí còn bị thu hẹp đi. Thực tế cho thấy, nơi “tấc đất tấc vàng”, người dân hầu như đều xây nhà hết diện tích “sổ đỏ”, chưa kể còn lấn thêm ra. Có rất nhiều ngõ ngách trước đây không quá chật hẹp, nhưng bây giờ “thắt” lại như cổ chai vì tình trạng lấn đất. Khi người dân chen nhau vào sống ở nội thành, chuyện quá tải hạ tầng là không tránh khỏi.

Những con ngõ ngày càng nhỏ bé, sâu hun hút nhưng lại là nơi cư trú của rất nhiều người. (Ảnh: Minh Đức).
" Tuy nhiên, những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của vừa qua là hồi chuông cảnh báo về việc đã đến lúc phải hành động để giải quyết tồn tại lịch sử để lại ", ông Tuấn nhấn mạnh.
Xóa “ổ chuột hóa” trong lòng đô thị hiện đại
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi) nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta cần phải quy hoạch lại các khu "làng đô thị" tại các thành phố lớn.
" Việc quy hoạch lại các khu “làng đô thị” cần được coi là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, không chỉ để nâng cao chất lượng sống mà còn để phát triển bền vững. Nếu chúng ta không can thiệp sớm và bài bản, tình trạng “ổ chuột hóa” trong lòng đô thị hiện đại là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong vài thập niên tới" , ông Huy cho biết.
Cũng theo ông, vấn đề "làng đô thị" không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng về an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, khả năng tiếp cận y tế và hạ tầng dịch vụ. Điều đáng lo ngại là, càng ngày càng có xu hướng nhà cao tầng mọc lên trong chính những ngõ hẻm đó, làm trầm trọng thêm áp lực hạ tầng vốn đã quá tải.

Theo các chuyên gia cần phải quy hoạch lại những "làng đô thị" để đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân. (Ảnh: Minh Đức).
Tuy nhiên, làng xã tại Việt Nam không đơn thuần chỉ là nơi cư trú mà nhiều ngôi làng còn gắn với những giá trị lịch sử, văn hoá. Vì vậy, theo các chuyên gia, để quy hoạch lại các "làng đô thị" cần xem xét, đánh giá cụ thể từng yếu tố để có phương án quy hoạch phù hợp.
Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, đối với những ngôi làng không có nhiều giá trị văn hoá, lịch sử thì nên quy hoạch lại hoàn toàn thành những khu đô thị hiện đại, đáng sống.
Cụ thể, tiến hành thu hồi đất của toàn bộ làng để xây dựng lại thành khu đô thị mới, nên thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng tại chỗ. Nếu người dân có nhà 30 m², 4 tầng (diện tích khoảng 120 m²) trong ngõ nhỏ, chật hẹp thì khi vào khu đô thị cũng sẽ được đền bù 120 m² nhà chung cư ở trên cao. Còn những người vẫn muốn ở nhà mặt đất thì phải chấp nhận đền bù ở những khu vực xa hơn, chứ không thể nhận đất ở trung tâm thành phố.
Ông Đặng Huy Đông- Viện trưởng Viện QH&PT
Sau khi có mặt bằng thì các cần có quy hoạch chỉnh trang đô thị cụ thể. Ví dụ, 1 khu đô thi 10ha, thì có thể dùng 4ha để xây dựng những toà chung cư cao 20 - 30 tầng để cho người dân sinh sống, 7ha còn lại làm đường đi, trường học, công viên, bệnh viện...Đặc biệt khu đô thị này phải được kết nối bằng hệ thống giao thông công cộng như metro, xe bus...
" Nếu quy hoạch được như vậy thì gần như người dân sống tại các khu đô thị này sẽ không cần phải đi ra đường, giảm khoảng 40% lượng người sẽ ra đường. Đây chính là lý do ở nhiều quốc gia trên thế giới không thấy trẻ con và người già ra đường vì họ sinh hoạt hết trong khu dân cư rồi. Đấy cũng là mô hình đô thị không phác thải ", ông Đông nhấn mạnh.
Còn đối với những ngôi làng có giá trị lịch sử hay khu phố cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn, tôn tạo thì thực hiện giải pháp là giãn dân để phục chế, phục hồi kiến trúc nguyên bản, năng cao giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư và nguồn thu ngân sách. Việc giãn dân khu vực này là tạo nơi ở mới theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), có kết nối giao thông thuận lợi với khu phố cổ.
Đồng quan điểm, ông Trần Trung Chính - Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, hơn 80% di sản thủ đô có nguồn gốc từ làng, vô số làng của Hà Nội được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, nhiều loại hình di tích văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn cho văn hóa đô thị, không thể làm mất được.
Vì vậy, theo ông việc chọn giải pháp nâng cấp, sửa chữa, thậm trí có thể xây mới…cần xác định vai trò nòng cốt của người làng bản địa trong tư cách những người chủ sở hữu nhiều tài sản vật chất, tinh thần của tổ chức định cư làng, sau đó mới là những người nhập cư.
Cũng theo ông, nếu phải phá bỏ hoàn toàn những ngôi nhà tự xây, chính quyền nên tiếp quản đất và bán cho các nhà phát triển để xây dựng các tòa nhà cao tầng mới.
Tuy nhiên, ông việc phá bỏ này không chỉ xóa bỏ dấu vết lịch sử và văn hóa độc đáo của các ngôi làng, mà còn tốn kém và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng xung quanh. Vì vậy, nên nâng cấp các làng đô thị Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, hình thành sự phát triển thông qua liên minh của các chủ sở hữu tài sản nhỏ, tích hợp đất đai, tích hợp các quyền tài nguyên và kết hợp xây dựng với sự tự nguyện, tự quản của dân làng.
Trong khi đó, theo ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc quy hoạch lại các làng đô thị là bài toán dài hơi, phải thực hiện kiên trì, từng bước, đặc biệt cần sự công khai, minh bạch, hiệu quả quản lý dự án của các cơ quan quản lý. Thậm chí, không chỉ chính quyền địa phương mà ngay cả Trung ương cũng cần vào cuộc, vì đây là trung tâm chính trị - kinh tế, là bộ mặt của cả nước.
Cùng với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, chuyện quy hoạch lại khu vực nội đô trong tổng thể quy hoạch chung của cả thành phố là vô cùng quan trọng, trên hành trình hướng đến xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, trong trường hợp buộc phải xây dựng mới, giải pháp tốt nhất để tái thiết các khu "làng đô thị" là tái định cư tại chỗ. Sau khi lấy đất của người dân sẽ đổi bằng số m2 tương ứng trong các khu nhà cao tầng của khu đô thị.
" Tôi tin rằng, giữa việc lựa chọn sống trong những căn nhà chật chội, tối tăm, ngõ sâu hun hút, không đảm bảo an toàn, người dân sẽ chọn sống ở một khu đô thị đầy đủ tiện ích, chất lượng sống tốt hơn ", ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, để xây dựng những khu đô thị này cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và nhà nước. Doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu trách nhiệm lập dự án, xây dựng, tái định cư và khai thác thương mại.
Nhà nước hỗ trợ về thủ tục hành chính, giao đất sạch, quy hoạch 1/500, cấp giấy phép nhanh gọn. Đồng thời tạo quỹ tín dụng ưu đãi (giống mô hình Singapore) để hỗ trợ vốn dài hạn cho doanh nghiệp tham gia cải tạo đô thị.
" Nếu làm tốt, đây sẽ là cơ hội vàng cho cả ba bên: Nhà nước giảm áp lực quy hoạch, doanh nghiệp có quỹ đất sạch tại trung tâm, người dân có môi trường sống văn minh và giá trị tài sản tăng mạnh ", ông Huy nhấn mạnh.