Mang chiếc xe máy điện "made by Vietnam" lần đầu tiên tới Sống Lưng Khủng Long: Muôn trùng khó!

Admin
Sống Lưng Khủng Long ở Sơn La là điểm check-in đầy hấp dẫn với du khách..

Ngày hôm trước, tôi đã đi từ Hà Nội tới thị xã Tà Xùa (Sơn La) bằng Dat Bike Quantum S1 mà không phải đẩy bộ. Hành trình hơn 200km này đã cho thấy rằng xe máy điện có thể đi phượt theo một cách thú vị.

Nhưng thử thách của ngày tiếp theo khó hơn rất nhiều: Tôi sẽ dùng chiếc xe này đi tới Sống Lưng Khủng Long, xuống gần điểm check-in (tức là quãng đường mà các xe máy "truyền thống" khác cũng vẫn thường xuyên qua lại được), đi ngược lên, và đi một mạch về Hà Nội.

Mang chiếc xe máy điện

Dat Bike Quantum S1 tại nơi nghỉ ở Tà Xùa.

Nhằm chuẩn bị cho hành trình khó khăn này, tôi cần đảm bảo pin đầy 100%. Ngay khi tới nơi nghỉ vào khoảng 9h30 tối hôm trước, tôi đã cắm sạc cho xe khi pin xe chỉ còn 19%.

Tuy nhiên, Tà Xùa đang lạnh quá! Mà nhiệt độ cực đoan là một trong những yếu tố đáng sợ nhất với pin xe điện. Nên để giám sát việc sạc, tôi đặt báo thức để kiểm tra:

- 0h30: Dung lượng pin đạt 75%, nhiệt độ pin 15 độ C;

- 1h30: Dung lượng pin vẫn là 75%, nhiệt độ pin cũng 15 độ C;

Do trời quá lạnh, tôi đã thực sự nghĩ xe tự ngắt sạc để bảo vệ pin. Nhưng hóa ra không phải như vậy.

5h30 tôi dậy và kiểm tra xe thì hóa ra ai đó đã... rút sạc xe ra rồi. Tôi cắm sạc lại và tiếp tục theo dõi.

- 6h12: Dung lượng pin đạt 89%, nhiệt độ pin 16 độ C;

- 7h30: Dung lượng pin 100%, nhiệt độ pin 15 độ C.

Tà Xùa vào sáng ngày tôi khởi hành tiếp chỉ 6 độ C, sương giăng khắp thị xã. Tôi mặc 7 lớp áo, 4 lớp quần, đeo 3 lớp găng tay và đi 3 lớp tất mới ngăn được gió và sương lạnh; nhưng pin của xe thì lúc nào cũng duy trì ở tối thiểu 15 độ C nhờ Battery Management System (BMS) đã tự trích điện giữ ấm.

Mang chiếc xe máy điện

May mắn, pin vẫn kịp sạc lên 100% trước khi khởi hành.

Trong lúc tôi sửa soạn đồ để chuẩn bị di chuyển, anh chủ nhà bất ngờ xuất hiện, cười thân thiện và nói:

- Đêm quá lúc hơn 12h anh rút sạc ra. Không biết đã đủ điện chưa...

- À sáng em vừa cắm lại rồi. Nhưng... sao mình lại rút ra thế ạ?

- Nhà anh toàn gỗ thế này, lại chẳng có ai trông...

Nỗi lo của anh chủ nhà rất chính xác, chỉ là có lẽ anh không biết tôi đã chủ động đặt hẹn giờ chứ không phó mặc cho chiếc xe sạc qua đêm. Cũng may, pin vẫn kịp nạp lên 100% trước khi hành trình bắt đầu.

Mang chiếc xe máy điện

Sương giăng dày khắp thị xã Tà Xùa vào sáng ngày tôi khởi hành; nhiệt độ chỉ khoảng 6 độ C.

Chinh phục Sống Lưng Khủng Long

Sống Lưng Khủng Long là một điểm du lịch nằm ở xã Háng Đồng, cách thị xã Tà Xùa hơn 10km. Đường tới đây toàn là đường núi quanh co; số đoạn mặt đường bê tông vỡ còn nhiều hơn cả số đoạn dốc cao.

Đường tới Sống Lưng Khủng Long có một điều khiến tôi sẽ nhớ mãi. Tại một khúc đường đầu dốc lên, nước chảy từ trên núi xuống mang theo một chút đất, tôi lại đang đi ở chế độ S (chế độ Thể Thao). Vừa đi qua chỗ đường ướt đó thì tôi thốc ga để lên dốc. Trái với mong đợi xe sẽ vọt lên mạnh mẽ thì tôi lại nghe thấy tiếng loẹt xoẹt của lốp và tiếng rít của động cơ.

Đường trơn trượt mà tôi lại kéo ga mạnh quá. Bánh xe gặp đường đất ẩm, mất độ bám nên xoay tít, xe cũng bị xoay chéo sang bên trái. Trong đầu tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để cả người và xe cùng... nằm ra đất, nhưng tay phải đã kịp phản xạ nhả hết ga nên xe cân bằng lại.

Tôi không ngã, vẫn đi tiếp, nhưng rón rén hơn nhiều.

Mang chiếc xe máy điện
Mang chiếc xe máy điện
Mang chiếc xe máy điện

Càng tới gần Sống Lưng Khủng Long, sương càng mỏng và trời càng ấm hơn.

Ghìm phanh chặt hết cỡ!

Như đã nêu ở bài trước: Tôi chưa từng đến Tà Xùa; những gì tôi có trong đầu đến từ các video đi phượt tôi đã xem trước đó. Tôi đã suýt đi qua lối xuống Sống Lưng Khủng Long, nhưng tiếng gọi từ người dân địa phương đã giúp tôi định hình ra được là mình đã tới nơi.

Chính xác hơn, họ gọi mời đi xe ôm: "Anh ơi đi xe ôm xuống Sống Lưng anh ơi, xe này không đi được đâu".

Trong lúc tìm chỗ quay đầu để tới lối xuống, một vài người chạy xe ôm ở đây đi theo và liên tục khuyên nhủ: "Xe này không đi được đâu anh ơi, xe này xuống sống lưng là đường ghê quá, không đi được! Xe điện không đi được."

Mang chiếc xe máy điện

Người dân địa phương nói xe của anh đi được vì "xe này khác".

Vốn có dự định sẽ tự đi xe xuống Sống Lưng Khủng Long từ trước nên tôi "cứng đầu". Nhìn một lượt xe của người dân (xe Win, xe Dream, Xe Wave, lốp thường), rồi tôi hỏi "vặn":

- Thế sao xe anh đi được?

- Xe này khác. Xe này chuyên leo núi.

"Thì xe này cũng khác mà!" - tôi cười vui trả lời, rồi xuống Sống Lưng Khủng Long.

Người dân bản vẫn liên tục nói với theo sau lưng: "Để xe lại mà đi xe ôm, anh ơi"; "xe tay ga không xuống được đâu"; "đường xấu lắm, ngã đấy"...

Người dân địa phương liên tục can ngăn, không nên tự đi xuống Sống Lưng Khủng Long.

Đường xuống rất dốc, đầy các rãnh sâu, đá, và mố đất, nhưng may mắn là hôm này trời chỉ có sương khiến đất hơi ẩm chứ chưa đến nỗi nhão nhoét. So với cánh xe ôm chạy đi chạy lại chỗ này cả chục lần mỗi này, tay lái của tôi không đủ vững; do vậy mà khả năng tôi ngã lăn ra đất là chuyện không khó xảy ra.

Suốt khoảng 10m đầu tiên dốc xuống rất gắt, tôi ghìm chặt hai phanh, hạ cả hai chân xuống để giữ thăng bằng, cố gắng điều hướng cho xe không đi vào rãnh. Xe nhích từng chút, từng chút, cuối cùng thì cũng đã qua dốc an toàn.

Các đoạn sau đó đường xấu, chủ yếu là do nhiều đá và mố đất, đường trơn, và do xe chạy qua chạy lại suốt nên có nhiều rãnh trên đường. "Đúng là trước đến nay làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường" - tôi tự nhủ.

Xét cho cùng, thứ khiến tôi lo ngại nhất là con dốc đầu tiên; dốc cao mà nhiều rãnh quá! Khi đi lên sẽ cần lấy đà từ xa rồi băng lên thật khéo, tránh đi vào rãnh đất, mà nhất thiết không được dừng lại, vì dừng lại sẽ mất đà, cộng với đường đất trơn thì xe có thể sẽ tụt dốc, rồi có thể sẽ ngã.

Mang chiếc xe máy điện

Các điểm check-in nổi tiếng ở Sống Lưng Khủng Long chính là nơi có nhiều người đi bộ phía xa.

Sau hơn 6 phút chạy ở nơi đường đi không ra đường đi này, tôi đã đến gần điểm chụp ảnh check-in, nơi được gọi là Sống Lưng Khủng Long. Nơi này có tên như vậy vì đây là đỉnh của dãy núi; cao, hẹp, gồ ghề và khó chinh phục khiến người ta liên tưởng đến sống lưng của khủng long.

"Xe ga không xuống được. Hôm nọ vừa có một ông Tây lao xuống vực kìa" - Một người dân địa phương khác tiến tới và ngăn tôi lại, vừa nói vừa chỉ tay xuống điểm check-in phía xa.

Tôi biết đường phía trước chỉ phù hợp để đi bộ, nên đương nhiên hành trình của chiếc Dat Bike Quantum S1 - một chiếc xe máy điện - tới đây là kết thúc.

Công suất lớn chưa chắc đã hay!

Mang chiếc xe máy điện

Vì mục đích chính chỉ là mang xe tới đây nên tôi ngồi nghỉ, ngắm cảnh, uống nước, ăn nhẹ. Nghỉ ngơi thực ra chỉ là kế trì hoãn; tôi muốn trì hoãn đi ngược lên vì trong đầu vẫn lo đoạn dốc ban đầu. Dat Bike Quantum S1 có chiều cao gầm 150mm, không đủ cao để tránh hoàn toàn việc sập gầm hay cạ gầm - điều tối kỵ với xe điện vì có thể làm hỏng pack pin. Nhằm tạm giúp xe có thêm độ bám khi đi lên, tôi chủ động xì bớt hơi ở lốp sau.

Tuy nhiên, điều đầu tiên cần làm trước khi đi xe ngược lên là lùi xe và quay đầu ở nơi hơi dốc, vừa đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau với một bên là vực thẳm. Dat Bike Quantum S1 có chế độ đi lùi, tiếp thêm chút lực khi cần lùi xe. Nhưng con dốc này quá cao so với lực lùi của xe; lấy đà một hồi thì tôi và chế độ đi lùi cũng đã đưa được chiếc xe 140kg này lùi tới nơi đủ rộng để quay đầu.

Ngay từ đầu đoạn đường quay lại có một con dốc cao; do lấy đà không đủ và chạy ở chế độ D nên xe không vượt lên được, tôi phải dùng chân đỡ thêm để leo qua - trong tiếng cười nói của những người chạy xe ôm sau lưng.

Xe không vượt qua được con dốc cao do thiếu đà và chạy ở chế độ thường.

Đây cũng là lúc tôi tiếp tục phạm một sai lầm. Tôi đã bấm chuyển chế độ lái của xe sang S mà quên đi mất mình vừa bị trượt bánh trên đường tới Sống Lưng Khủng Long.

Ở đoạn dốc tiếp theo, lốp không đủ độ bám và xe trượt bánh. Khi chế độ Hill Assit của xe chưa kích hoạt thì tôi đã có "Hill Assist" từ hai bạn đi đường, họ đã lao tới giữ xe và đẩy tôi đi tiếp.

Khi chế độ S có vẻ quá mạnh mà chế độ D lại không đủ thì có lẽ Dat Bike nên có thêm một chế độ nào đó ở giữa - tôi thoáng nghĩ vậy. Nhưng thực ra, tôi cũng nghĩ là chế độ đó không cần thiết lắm, vì chắc không phải ai cũng thường xuyên mang Dat Bike Quantum S1 đến Sống Lưng Khủng Long hoặc những nơi có địa hình tương tự.

Bánh xe mất độ bám ở đầu dốc làm mất đà, mất thăng bằng, nhưng không tụt dốc nhờ "Hill Assist" từ người đi đường.

Như đã nhắc vài lần, tôi biết đến Sống Lưng Khủng Long qua một vài đoạn video xem từ Youtube. Trong lúc đi lên, tôi bỗng nhớ đến lời giới thiệu trong một video: "Hướng đường phía bên trái này cũng có thể lên đường thị xã, dài hơn nhưng dốc thoải hơn và dễ đi hơn". Tôi đã đi theo đường đó để tránh con dốc gắt ban đầu, và hóa ra, lời giới thiệu của một người xa lạ trên Youtube đấy chính xác.

Duy chỉ có một điều. Trong lúc đi lên, do đi không khéo nên tôi đã để đá quệt vào gầm xe. May mắn cho tôi, cú va đó chỉ làm mẻ tấm ốp gầm bằng nhựa, chưa tác động trực tiếp đến pin.

Mang chiếc xe máy điện

Đồi chè Thanh Sơn vào 15h ngày hôm sau; trời âm u hơn hẳn.

Vì đường từ Hà Nội tới Tà Xùa có nhiều đoạn dốc đi lên, đường đi ngược trở lại sẽ nhẹ nhàng hơn. Cũng chính vì điều này, tôi tự tin rằng xe đủ pin để tôi đi liên tục về tới Hà Nội mà không cần sạc thêm.

Một điều thú vị khác mà gần một tháng sau khi đi về tôi mới nhận ra: Trong hành trình từ Tà Xùa về Hà Nội, tôi không một chút mảy may lo nghĩ về chuyện đẩy bộ, cũng chẳng thiết nhìn quãng đường ước tính còn lại. Không rõ tự lúc nào, thứ ám ảnh đầu óc tôi suốt lượt đi bỗng "bốc hơi"?!?

Quãng đường về không có nhiều điều đáng chú ý, trừ việc tôi đã để Cruise Control ở tốc độ 50km/h thường xuyên hơn, và dường như mức tiêu thụ điện không khác so với chiều đi. Hành trình của tôi kết thúc vào khoảng 18h tại Hà Nội, khi pin còn 9%.

Mang chiếc xe máy điện
Mang chiếc xe máy điện

Xe đã có thể về tới Hà Nội với pin còn 9%; quãng đường đi được từ lần sạc cuối (1-CHARGE) lên tới gần 250km; quãng đường còn lại ước tính là 38km.

Dưới đây là bảng tổng hợp các thông số về vận hành của xe trong suốt hành trình:

Quãng đườngTrạng thái pin
Ngày 1:
Hà Nội - Bắc Yên - Tà Xùa
218km
- 100% (tại Hà Nội) → 22% (tại Bắc Yên)
- 22% → 35% (sạc bồi tại Bắc Yên)
- 35% → 19% (tại Tà Xùa)
Ngày 2:
Tà Xùa - Háng Đồng - Hà Nội
250km100% (tại Tà Xùa) → 11% (tại Hà Nội)
Tổng hành trình:468km2 lần sạc đầy, 1 lần sạc bồi

*Ghi chú: Chuyến đi được thực hiện vào ngày 19, 20/12/2024.