Yuka Mizuno (43 tuổi, Nhật Bản) từng là người mẫu cho một tờ tạp chí. Kể từ khi chuyển ra ở riêng, cô bắt đầu học cách sống tiết kiệm. “Mẹ tôi là một người siêu tiết kiệm. Chính vì thế, tôi học được một vài kinh nghiệm từ bà nên không cảm thấy việc này quá khó khăn. Tuy nhiên, cách thức tiết kiệm của mỗi người là khác nhau. Tôi chọn cách tiết kiệm nhưng vẫn khiến bản thân cảm thấy vui”, cô chia sẻ.
Với phương pháp tiết kiệm của mình, ở tuổi 22, cô đã có trong tay 1 triệu yên và chuyến đến Tokyo, thực hiện giấc mơ trở nên tự lập. Tiếp tục duy trì lối sống này, đến năm 29 tuổi, Yuka đã nâng tổng số tiền tiết kiệm lên đến 10 triệu yên. Hiện, ở tuổi U45 tổng số tiền cô dành dụm được đã vượt quá 20 triệu yên (khoảng 3 tỷ đồng). Ngoài ra, người phụ nữ đã có đủ tiền để mua căn nhà thứ 2.
Theo Toyo Keizai, điều đáng ngạc nhiên là Yuka không có khoản đầu tư nào. Số tiền cô có được tất cả nhờ việc theo đuổi những thói quen chi tiêu tốt. “Chủ trương tiết kiệm của vợ chồng tôi là không kìm nén những gì bản thân thực sự muốn. Tôi không vì mục tiêu tiết kiệm mà bỏ trang điểm, mua sắm hay vui chơi với bạn bè cho dù thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức bình thường. Chúng tôi luôn tìm ra các cách khác nhau để tiết kiệm. Thực tế bạn có thể mua nhiều thứ rẻ hơn mức bạn nghĩ”, Yuka bộc bạch.
Dưới đây là 7 thủ thuật tiết kiệm được Yuka chia sẻ trên Toyo Keizai
Mua quần áo và mỹ phẩm giá rẻ
Người phụ nữ này từng không ngần ngại mua những món hàng hiệu đắt đỏ. Song cô đã ngừng làm việc này khi nhận ra “dù đắt đỏ và tốt đến mức nào chúng cũng không thể tồn tại được mãi mãi”. Chính vì thế, cô đã chuyển sang mua những loại trang phục với mức giá rẻ hơn mà vẫn có chất lượng tốt.
Với mỹ phẩm, Yuka cũng áp dụng phương pháp này. “Tôi từng làm cộng tác viên cho một tờ tạp chí làm đẹp. Kể từ khi biết rằng có nhiều sản phẩm chất lượng tốt với giá thành rẻ, tôi bắt đầu thay đổi thói quen chi tiêu”, cô kể.
Chia sẻ thêm người phụ nữ này cho biết chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều sản phẩm giá rẻ mà chất lượng vẫn tốt. Điều quan trọng là bạn cần dành thời gian để tìm hiểu.
Không đến tiệm làm móng
Trước đây, Yuka thường chăm sóc móng ngoài tiệm với mức giá 4.000 yên/lần. Kể từ khi tự làm việc này ở nhà, cô tiết kiệm được 48.000 yên/năm. Với số tiền này, cô gợi ý có thể sử dụng để nghỉ 1-2 đêm ở khách sạn. “Bạn cần đánh giá lại các khoản chi mà bản thân coi là đương nhiên để có thể dùng cho những mục đích khác cần thiết hơn”, cô chia sẻ.
Không mua hàng hiệu cao cấp chỉ để khoe khoang
Yuka cho rằng bản thân cô và một số người thường có nhu cầu sắm các loại túi xách, phụ kiện đến từ những nhà mốt nổi tiếng. “Nhưng cuối cùng một số món đồ đã nằm trong tủ suốt một thời gian dài bởi không phù hợp với phong cách thường ngày. Khi nghĩ lại, tôi thấy mình mua chúng chỉ vì muốn mọi người nghĩ tốt về mình. Đó thực sự là việc làm lãng phí tiền bạc”, người phụ nữ chia sẻ.
Kể từ đó, Yuka thay đổi thói quen chi tiêu. Thay vì mua những món hàng hiệu chỉ đặt trong tủ kính, cô lựa chọn những phụ kiện có thể sử dụng hàng ngày. "Nó không chỉ để trưng bày mà còn là phần thưởng cho chính bạn, cảm thấy vui vì được dùng món đồ yêu thích", cô nói.
Kiểm tra các ứng dụng trả tiền hàng tháng
Mỗi tháng, bạn thường phải trả tiền cho các ứng dụng nghe nhạc, xem phim. Số tiền tuy nhỏ nhưng nếu tính theo năm thì con số có thể khiến bạn bất ngờ.
Ngoài ra, điều đáng sợ là những khoản phí này thường được trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Nên đôi khi, bạn không hề hay biết.
“Lúc đầu, mọi người thản nhiên đăng ký vì nghĩ rằng chúng miễn phí. Thậm chí, sau thời gian dùng thử không tính tiền, một số ứng dụng bắt đầu tính phí mà không có thông báo cho bạn. Vì thế, hãy thường xuyên kiểm tra những ứng dụng đăng ký và xem chúng có thực sự cần thiết hay không”, Yuka kể.
Nên mua nhà hơn là đi thuê
Yuka cho biết hãy mua nhà, thay vì mãi mãi đi thuê. “Cho dù sống trong căn nhà có giá thuê bao nhiêu thì nó mãi mãi không bao giờ thuộc về bạn. Nếu muốn có một ngôi nhà của riêng mình, hãy bắt đầu bằng cách giảm các chi phí thuê nhà”.
Lúc còn trẻ, Yuka chọn thuê chung nhà với 1 người bạn để chia đôi tiền thuê nhà. Nhờ thế, cô tiết kiệm được 800.000 yên/năm. Sau 10 năm, cô để ra được 8 triệu yên.
Không để có thời gian rảnh
Với Yuka, nhiều thời gian rảnh đồng nghĩa với việc kiếm được ít tiền hơn. “Là một người mẫu tự do, tôi hiểu rằng nếu không có việc làm, thu nhập sẽ giảm. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ tôi đã có ý thức biến thời gian rảnh của mình thành tiền, như tranh thủ làm thêm các công việc bán thời gian.
Hiện đã làm mẹ, tôi không còn nhiều thời gian rảnh nhưng thói quen vẫn còn đó. Trong khi ngồi trên tàu điện, tôi luôn tận dụng để nghiên cứu về công việc”, người phụ nữ cho biết.
Tiết kiệm tiền trước khi tiêu
Bản thân Yuka bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi. Trong suốt thời gian đó cô đặt lịch cố định để ứng dụng ngân hàng chuyển từ 20.000 yên/tháng (khoảng 3,2 triệu đồng) từ tài khoản nhận lương sang tài khoản tiết kiệm. Người phụ nữ này cho biết số tiền cô dành cho tiết kiệm tăng theo các năm. Cô nghĩ rằng, nếu tiết kiệm những gì còn lại sau khi đã tiêu xài, cô gần như chẳng để ra được mấy. Nhưng nếu rút tiền ra từ đầu, cô chắc chắn có thể tiết kiệm.
(Theo Toyo Keizai)