Một trong những tay chơi mới nổi trong ngành bán dẫn đang làm giới công nghệ phải ngẩng đầu nhìn: Rapidus, hãng bán dẫn đến từ Nhật Bản, vừa đẩy mạnh kế hoạch sản xuất chip tiến trình 2nm — công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay — giữa lúc nhận được sự quan tâm rõ rệt từ những tên tuổi lớn như Apple và Google.
Trong khi TSMC vẫn đang thống trị mảng sản xuất chip tiên tiến, và Intel hay Samsung vẫn vật lộn để giành lại thị phần, Rapidus âm thầm bứt tốc. Công ty này hiện đã xây dựng một nhà máy riêng tại Hokkaido, Nhật Bản, và đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 2nm vào năm 2027.

Nếu Rapidus thành công trong việc tối ưu hóa dây chuyền sản xuất và đạt tỷ lệ thành phẩm cao với công nghệ tiên tiến, ngành bán dẫn toàn cầu có thể sẽ chào đón một đối thủ đáng gờm mới, đến từ xứ sở hoa anh đào.
Điều đặc biệt khiến Rapidus trở thành một ẩn số đáng gờm nằm ở công nghệ mà họ sử dụng. Theo các nguồn tin từ DigiTimes, Rapidus đang kết hợp hai công nghệ mới: BSPDN (Backside Power Delivery Network) và GAA (Gate-All-Around) — hai bước đột phá có thể thay đổi cục diện ngành bán dẫn. Trước Rapidus, chỉ có Intel từng tích hợp BSPDN trên tiến trình 18A của mình. Sự kết hợp này hứa hẹn nâng cao hiệu năng và giảm điện năng tiêu thụ đáng kể trên chip 2nm, giúp Rapidus có cơ hội nổi bật trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, con đường đến đích của Rapidus không hề dễ dàng. Công ty hiện đang gặp khó trong việc vận hành hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) mà họ mới nhận từ ASML — một phần không thể thiếu trong quy trình sản xuất chip hiện đại. Tỷ lệ thành phẩm (yield rate) cũng đang là rào cản lớn khi công nghệ 2nm vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. Dù vậy, Rapidus cho biết họ đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm sản xuất và dự kiến sẽ có mẫu chip thử nghiệm vào giữa tháng 5.
Một điểm đáng chú ý khác đến từ phía khách hàng tiềm năng. Theo Nikkei Asia, Rapidus đã bắt đầu liên hệ với Apple và Google để bàn về việc sản xuất hàng loạt chip tiên tiến, có thể chính là chip 2nm. Dù hiện tại hãng này được cho là chậm hơn TSMC khoảng hai năm, họ vẫn tự tin có thể thu hẹp khoảng cách bằng việc cung cấp giải pháp “hiệu quả hơn”.