Hà Nội những ngày tháng 1 tiết trời dần lạnh hơn, cũng vì thế mà người ta thường tìm về những món đồ ăn, đồ uống ấm nóng để xoa dịu cái lạnh. Trong số đó, bánh trôi tàu là món quà chiều được nhiều người yêu thích mỗi khi đông về.
Bánh trôi tàu, thức quà chiều đông Hà Nội
Khác với bánh trôi trong dịp Tết Hàn Thực, bánh trôi tàu là món ăn có phần cầu kỳ hơn. Nguyên liệu làm bánh thì chỉ là gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen. Nhưng phần nước dùng lại là sự kết hợp của nước đường với chút gừng và nước cốt dừa, rắc lên trên với lạc, vừng hay dừa nạo.
Mỗi một bát bánh trôi tàu thường có 2 - 3 viên bánh trôi với đủ 2 loại nhân. Những chiếc bánh được nặn hình tròn thường sẽ là bánh nhân đậu xanh, còn bánh nặn dài sẽ là bánh nhân vừng đen. Chiếc bánh mềm dẻo kết hợp với phần nhân bùi thơm, tạo nên hòa quyện thơm ngon.
Thế nhưng, thứ quyết định đến chất lượng của món bánh trôi tàu lại chính là phần nước đường gừng ấm nóng. Phần nước này được được đun sôi liu riu cho đến khi sánh lại, sao cho không bị quá đặc mà cũng không quá loãng. Nước có màu nâu hổ phách oánh ánh, hương vị phải ngọt thanh và đặc biệt thơm nức mùi gừng cay cay.
Ở Hà Nội mỗi khi mùa đông về, có lẽ không khó để tìm kiếm món bánh trôi tàu. Với nhiều người, món ăn này chỉ cần đơn giản là quán vỉa hè, để có thể tạt vào ăn một bát bánh trôi tàu vào buổi chiều về. Giữa cái tiết trời lạnh, cùng ăn một bát bánh trôi tàu ấm nóng, hít hà cái mùi thơm nức, thưởng thức vị ngọt dịu của nước đường, cảm nhận vị cay của gừng nơi đầu lưỡi. Nhâm nhi miếng bánh trôi mềm dẻo ngọt ngào, chúng ta bỗng cảm thấy thật dễ chịu. Ăn xong, vị cay cay của nước đường gừng đâu đó vẫn còn đọng lại, cơ thể cũng cảm thấy ấm áp hơn.
Phần nhân bên trong của những chiếc bánh trôi tàu.
Món bánh trôi tàu chẳng phải là một món ăn no, đơn giản chỉ là một thức quà trong những ngày mùa đông. Bởi thế, ngồi trên con phố Hà Nội, ăn bát bánh trôi tàu, vừa ngắm đường phố vừa tâm sự với bạn bè dăm ba câu chuyện, quả thật, niềm vui đôi khi chỉ như vậy là đủ.
Hàng bánh trôi tàu có tuổi đời hơn 30 năm trên phố cổ, khách đến tấp nập mỗi khi mùa đông về
Nằm ở góc phố Hàng Điếu, đoạn giao với đường Thành, gần với chợ Hàng Da, Hà Nội, có một quán bánh trôi tàu vỉa hè mà cứ tầm chiều đến lại tấp nập người ghé vào. Đó là hàng bánh trôi tàu cô Bích. Nếu như mùa hè ở đây bán đủ các loại chè truyền thống quen thuộc thì cứ mỗi khi sang mùa thu và đông, ở đây lại có những món chè nóng hổi, và nổi bật chính là món bánh trôi tàu.
Một bát bánh trôi tàu ở đây có giá 20.000 đồng, mỗi bát sẽ có 2 viên bánh nhân đậu xanh và 1 viên bánh nhân vừng đen. Chủ quán bánh trôi tàu này là cô Bích, 60 tuổi. Được biết, quán nhà cô Bích đến nay cũng đã mở được 30 năm. Chị Đặng Bích Phương, con gái cô Bích, cho biết: "Quán được mẹ mình mở đã được hơn 30 năm từ lúc mình còn chưa ra đời. Ngày xưa nhà mình chỉ bán chè, sau này dần dần bán thêm bánh trôi tàu và các loại chè nóng. Mùa hè thì nhà mình có các loại chè như đỗ đen, đỗ xanh, chè bưởi... cứ tầm khoảng vào mùa thu, tháng 9, tháng 10 thì lại chuyển sang bán các loại chè nóng, trong đó có bánh trôi tàu".
Chè nóng ở quán cô Bích thì ngoài bánh trôi tàu còn có chè sắn, chè đậu đen, chè bà cốt và tất cả đều đồng giá 20.000 đồng. Trong đó, bánh trôi tàu luôn là món bán chạy và được nhiều người yêu thích nhất. Các món chè còn lại được đánh giá ở mức ổn. Trong đó, chè sắn có phần khá độc đáo khi kết hợp cùng với ngô nếp.
Viên dài bên trái là nhân mè đen, viên tròn bên phải là nhân đậu xanh.
Nói về bí quyết đông khách, chị Phương tâm sự: "Có lẽ chắc tại nhà chị bán rẻ, các nhà khác bán 20.000 có 2 viên, nhà chị bán 20.000 mà có 3 viên. Bát bánh trôi tàu bình thường sẽ có 2 viên đậu xanh, 1 viên mè đen. Nhưng khách mà thích ăn 3 đậu xanh hay 3 mè đen thì cũng đều được hết".
Bát bánh trôi tàu ở đây có hương vị hài hòa, phần bánh với lớp vỏ bên ngoài thì mịn màng, bên trong lại dai dẻo, nhân đậu xanh và mè đen cũng thơm ngon. Nước đường gừng thơm nồng mùi gừng cay, nước cốt dừa, lạc rang, vừng... cũng được cho với lượng vừa phải để sao cho mọi thứ hòa quyện với nhau một cách hợp lý và ngon lành.
Để nước đường có màu đẹp mắt và ngọt thanh thì quán sử dụng đường thốt nốt, gừng cũng tuyến chọn loại gừng ngon. Mỗi ngày, quán bán mở từ 9 - 10h sáng và bán đến khoảng 10h tối, nhưng đông khách nhất vẫn là khoảng thời gian buổi chiều và buổi tối sau giờ ăn cơm.
Chè sắn ăn ở mức ổn, không quá ngọt, phần sắn dẻo, có thêm ngô nếp ăn khá vui miệng.
"Bán món này vất vả chứ vì khâu nào mình cũng phải làm cẩn thận. Sáng 6h nhà mình đã phải dậy nấu rồi. Mà làm nhiều loại chè thì lại phải chuẩn bị nhiều công đoạn khác nhau. Rồi việc nặn bánh cũng mất nhiều thời gian. Làm cái này mà không yêu thích thì không làm nổi" - chị Phương chia sẻ thêm.
Chè bà cốt cũng là món chè được nhiều người yêu thích.
Bởi thế, 2 con gái của cô Bích giờ cũng theo nghề của mẹ, bởi đó là công việc đã gắn bó với gia đình cuối cả mấy chục năm, và đơn giản là 2 con gái của cô cũng yêu nghề này.