Rắn thần 7 đầu Naga và truyền thuyết về các vị vua

Admin
Rắn Naga được gọi là rắn thần, thường xuất hiện với hình dáng là 3 đầu, 5 đầu, đôi khi có đến 7 đầu. Rắn thần Naga còn tượng trưng cho thần Siva với hai hàm nghĩa là hủy diệt và tái sinh.

Trong văn hóa Champa, rắn Naga mang ý nghĩa tái sinh, là sức mạnh của nguồn nước, là quyền năng của thiên nhiên ban tặng. Theo như các nhà nghiên cứu, Bình Định chọn rắn thần Naga làm biểu tượng linh vật cho xứ sở này trong năm Ất Tỵ 2025 bởi vì xuất phát từ sự ảnh hưởng của nền văn hóa Champa còn lưu dấu nơi này.

Cụm tháp Dương Long (Tây Sơn, Bình Định) - cụm tháp có nhiều đậm chất Khơme, có nhiều hiện vật trang trí hình tượng rắn Naga nhất.  Ảnh: Dũng Nhân

Cụm tháp Dương Long (Tây Sơn, Bình Định) - cụm tháp có nhiều đậm chất Khơme, có nhiều hiện vật trang trí hình tượng rắn Naga nhất. Ảnh: Dũng Nhân

Vùng đất Bình Định (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV) là kinh đô của vương triều Vijaya vương quốc Champa. Đây là vương triều mà văn hóa Champa chạm tới sự rực rỡ nhất trong kiến trúc, nghệ thuật. Chính vì thế, rắn Naga với ý nghĩa của sự tái sinh, của nguồn nước – nơi bắt đầu của hết thảy sự sống, trầm tích của văn hóa Champa như tạc vào mạch nguồn phát triển của Bình Định. Đó là biểu tượng cho một quá khứ rực rỡ đầy tự hào, là nền móng cho sự vươn lên phát triển hôm nay, mai sau.

Rắn thần Naga là hiện thân của thần Siva

Th.s Nguyễn Thị Nhân – chuyên viên Phòng Trưng bày Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh Bình Định) cho hay, hình tượng con rắn trong thần thoại Ấn Độ được coi là rắn thần. Rắn Naga thường được thể hiện có 3 hoặc 5 đầu, đôi khi có đến 7 đầu.

Rắn Naga 5 đầu, hiện vật từ tháp Dương Long được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Rắn Naga 7 đầu, hiện vật từ tháp Dương Long được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang, loài rắn có nọc độc rất nguy hiểm. Rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Siva, vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.

Trong khi đó, truyền thuyết lập quốc của người Khơme kể rằng có một người Bàlamôn tên là Kaudinya đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khơme, chiến thắng một nữ vương có tên là Soma hoặc Gagini, con của vua rắn Naga và lấy người phụ nữ này làm vợ, sinh ra dòng dõi các vị vua.

Rắn Naga được tạo hình từ chất liệu đá sa thạch, là hiện vật từ tháp Dương Long ở Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Rắn Naga được tạo hình từ chất liệu đá sa thạch là hiện vật từ tháp Dương Long ở Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Người Khơme tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Vì thế, rắn Naga còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ nguồn nước và các công trình thủy nông của người Khơme cổ. Rắn Naga thường xuất hiện trên các bậc cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma.

Ông Bùi Tĩnh – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, chia sẻ rằng hình tượng rắn Naga cũng xuất hiện rất nhiều trong Balamôn giáo và kiến trúc Phật giáo. Trong Bàlamôn giáo và Phật giáo rắn Naga không những là vị thần mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết bàn. Trong các ngôi đền cổ, các kiến trúc sư Khơme luôn xây dựng nhiều chiếc cầu vồng có hình rắn Naga, tượng trưng cho cầu nối liền giữa cõi trần gian và niết bàn. Rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh).

Rắn Naga cũng là mô típ quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Khơme. Phật thoại mô tả cuộc đời của đức Phật từ khi Ngài mới sinh đến khi nhập cõi niết bàn đều có liên quan đến rắn naga. Hình tượng Rắn Naga bảo vệ cho Đức phật tọa thiền là một đề tài quen thuộc trong Phật giáo Nam Tông của người Khơme. Trong các ngôi chùa Khơme, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đức phật…

Biểu tượng cho sự sống tái sinh

Nếu trong văn hóa Á Đông, rắn là biểu tượng cho sự ẩn giấu, thông thái, lột xác và không ngừng phát triển thì ở văn hóa Champa, rắn là hiện thân của vị thần mang hàm ý hủy diệt và tái sinh. Là biểu hiện cho sự phồn thực, cho sự phát triển của cây cỏ mùa xuân và một nền nông nghiệp lúa nước phồn thịnh.

Rắn Naga là hiện thân của thần Siva, trong văn hóa Khơme đây là biểu tượng cho sự phồn thịnh, cho nền nông nghiệp lúa nước. Do chịu ảnh hưởng của văn hóa Khơme, kiến trúc tháp Champa đã đưa tạo hình rắn Naga vào trang trí. Ảnh:Thu Dịu

Rắn Naga là hiện thân của thần Siva, trong văn hóa Khơme đây là biểu tượng cho sự phồn thịnh, cho nền nông nghiệp lúa nước. Do chịu ảnh hưởng của văn hóa Khơme, kiến trúc tháp Champa đã đưa tạo hình rắn Naga vào trang trí. Ảnh:Thu Dịu

Theo Th.s Nguyễn Thị Nhân, ở Bình Định, cụm tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) là cụm tháp có nhiều phù điêu trang trí bằng rắn Naga nhất. Sở dĩ cụm tháp Dương Long có nhiều tượng trang trí rắn Naga là do sự ảnh hưởng, giao thoa trong kiến trúc Khơme và kiến trúc tháp Chăm.

Trong cuốn sách "Theo Dấu vương triều" của TS. Lê Đình Phụng lý giải, do hoàn cảnh lịch sử, khoảng thế kỷ XII, XIII, đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giữa Champa và vương quốc Angkor của người Khơme. Vương quốc Champa từng bị Angkor xâm chiếm, do vậy ảnh hưởng của kiến trúc Khơme lúc này bắt đầu xuất hiện ở kiến trúc của tháp Chăm. Người Khơme có tín ngưỡng bản địa thờ rắn, do vậy việc xây dựng tháp Dương Long với sự xuất hiện của hàng trăm phù điêu trang trí rắn thần Naga xuất phát từ đây.

phù điêu rắn Naga được tạc dưới dạng có 3 và 5 cái đầu và luôn có một đầu ở vị trí trung tâm lớn nhất, chạm khắc rõ nét nhất; còn 2 và 4 cái đầu còn lại có tính đối xứng qua cái đầu trung tâm này và được giản lược đi rất nhiều.

Phù điêu rắn Naga được tìm thấy ở Bình Định được tạo hình dưới dạng có 3, 5 đầu và luôn có một đầu ở vị trí trung tâm lớn nhất, được chạm khắc rõ nét nhất, còn lại đối xứng qua cái đầu trung tâm và giản lược đi rất nhiều. Ảnh: Thu Dịu

Tương tự, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, dẫn chứng rằng rắn Naga ở tháp Dương Long là một hiện tượng đặc biệt trong điêu khắc cổ Champa. Từ những hiện vật thu thập được trong đợt khai quật khảo cổ học năm 2006 cho thấy, có từ 70-80% là chạm khắc hình rắn. Trong hàng trăm tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở khu vực tháp Dương Long thì hình tượng rắn cũng chiếm đa số. Rắn Naga ở tháp Dương Long chạm khắc chi li, cầu kỳ, đa dạng, trang trí đậm đặc từ xung quanh chân tháp lên đến cửa giả, cửa chính... gồm rắn 5 đầu, rắn 3 đầu, rắn 1 đầu...

"Hình tượng rắn Naga trang trí nhiều ở tháo Dương Long đã nói lên quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Chăm, người Ấn Độ và người Khơme. Dù thể hiện ở bất kỳ hình tượng nào, thì rắn Naga là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người", nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, chia sẻ.

Trong góc nhìn nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa – Giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn nói: "Không chỉ hình tượng rắn Naga mà hầu hết các tác phẩm điêu khắc Champa ở Bình Định được làm từ chất liệu đá sa thạch, rất sống động, mở ra không gian nhìn đa chiều, gợi mở cho chúng ta khi chiêm ngưỡng. Đó là vẻ là vẻ đẹp của thời gian".