Sẵn 6-7 tỷ tiền mặt xây nhà, CĐM vẫn đồng lòng khuyên cô vợ này nên tiếp tục đi ở thuê vì 1 lý do

Admin
Với hoàn cảnh hiện tại, CĐM cho rằng quyết định chi tiền tỷ xây nhà là dại!

Chưa dư dả tài chính nên đành phải đi thuê nhà là lựa chọn có phần dễ hiểu, chẳng có gì đáng thắc mắc hay đáng bàn. Nhưng ngay cả khi có sẵn trong tay số tiền 6-7 tỷ đồng, CĐM vẫn nhất quyết cản vợ chồng này không nên chi tiền xây nhà. Nội tình đúng là càng ngẫm, càng thấy chưa nên xây nhà lúc này.

“Chưa đứng tên mảnh đất, tội gì mà vét sạch vốn liếng xây nhà trên đó?”

Chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại cũng như dự định chi tiền tỷ để xây nhà, cô vợ cho biết: “Em đang có 6-7 tỷ tiền mặt, đây là toàn bộ số tiền em kiếm được từ công việc kinh doanh riêng. Nhà chồng em đang có mảnh đất, hiện vẫn là ông bà (bố mẹ chồng) đứng tên trên sổ đỏ. Ông bà có bảo vợ chồng em cứ xây nhà đi, sau này ông bà sẽ làm thủ tục sang tên mảnh đất đó cho vợ chồng em.

Thực sự là em cũng khá băn khoăn.

Sẵn 6-7 tỷ tiền mặt xây nhà, CĐM vẫn đồng lòng khuyên cô vợ này nên tiếp tục đi ở thuê vì 1 lý do- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cách đây 6-7 năm, em cũng đã dùng toàn bộ tiền kiếm được từ công việc kinh doanh để xây cho nhà chồng 1 cái nhà 2 tầng rồi. Hồi đó, lương của chồng em chỉ khoảng 8-9 triệu, cũng chỉ đủ để nuôi thân anh và nuôi con, nên tiền xây nhà đó cho ông bà là tiền tiết kiệm của riêng em.

Lúc bàn việc xây nhà trên mảnh đất đang đứng tên ông bà, chồng em lại bảo nếu ông bà sang tên, thì chỉ chồng em đứng tên thôi, em không đứng tên cùng. Sau này 2 vợ chồng em già thì sẽ sang tên cho 3 con. Em bảo nếu thế thì em ok thôi, nhưng vậy thì em sẽ không bỏ 6-7 tỷ của em ra để xây nhà nữa, thì chồng em lại bảo em không tin tưởng anh, em ích kỷ…”.

Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều “xúm” vào khuyên cô vợ này đừng dại mà vét sạch vốn liếng của bản thân để xây nhà trên mảnh đất mà chưa chắc mình đã được đứng tên. 6-7 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, chưa kể, cũng chẳng có gì đảm bảo 2 vợ chồng sẽ không nảy sinh xích mích dẫn tới cảnh đường ai nấy đi. Phụ nữ lấy chồng rồi cũng vẫn nên “chừa cho bản thân một đường lui”.

“Bạn ích kỷ lắm bạn biết không? Nhưng là ích kỷ với chính bản thân bạn chứ không phải với chồng hay nhà chồng. Lẽ ra bố mẹ chồng nên sang tên mảnh đất cho 2 bạn trước khi xây nhà, hoặc nếu không, thì chồng cũng phải đồng ý cho bạn đứng tên cùng trên mảnh đất mà 2 bạn đang định xây nhà. Chứ chồng còn chẳng muốn cho bạn đứng tên mảnh đất, mà bạn lại còn định dành 6-7 tỷ bản thân kiếm được để xây nhà trên mảnh đất đó, không ích kỷ với bản thân thì là gì? Đừng có dại mà làm vậy bạn ạ, mình khuyên chân thành với tư cách một người đàn ông và cũng là 1 người chồng” - Một người hết sức khuyên nhủ.

“Lương chồng có 8-9 triệu, mà vợ xây hẳn cái nhà 2 tầng cho bố mẹ chồng. Mình mà lấy được người vợ như thế, mình xin bố mẹ sang tên mảnh đất của bố mẹ cho cả 2 vợ chồng luôn chứ chẳng đùa” - Một người đàn ông khác bình luận.

“Chồng và nhà chồng đã có quan điểm như vậy thì đừng có chi tiền xây nhà bạn ơi, bạn chủ động kinh tế mà, nên nghĩ cho mình trước tiên. Tương lai chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nếu 2 vợ chồng chưa có nhà riêng thì 6-7 tỷ của bạn cũng đủ mua 1 căn chung cư rồi, còn không thích ở chung cư thì cứ đi thuê nhà, số tiền ấy để phòng thân” - Một cô vợ chia sẻ.

Vì sao vợ chồng nên minh bạch chuyện tài chính lẫn tài sản thừa kế?

Nhiều người thường nghĩ việc minh bạch tài chính và tài sản trong hôn nhân là không thực sự cần thiết, vì đâu phải tự nhiên mà người ta lại bảo “của chồng, công vợ”? Nhưng trên thực tế, nếu không minh bạch với nhau 2 vấn đề này, rất có thể vợ chồng sẽ rơi vào cảnh xích mích, không tin tưởng lẫn nhau, giống như trường hợp của gia đình trong câu chuyện phía trên.

Sẵn 6-7 tỷ tiền mặt xây nhà, CĐM vẫn đồng lòng khuyên cô vợ này nên tiếp tục đi ở thuê vì 1 lý do- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Vậy phải làm sao để hạn chế xích mích do vấn đề tài chính hoặc tài sản thừa kế trong hôn nhân?

1 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân

Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải thành thật với nhau về mức thu nhập cũng như các khoản nợ cá nhân. Sau đó, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên ngồi xuống, cùng nhau bàn bạc và thống nhất:

1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?

2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?

3. Hàng tháng/hàng năm, vợ chồng sẽ biếu ông bà nội - ngoại bao nhiêu tiền?

4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?

2 - Tài sản được thừa kế có đứng tên cả 2 hay không?

Đây là vấn đề mà cả 2 nên trò chuyện ngay từ khi xác định sẽ về chung 1 nhà, chứ chưa cần tới thông báo thừa kế của bố mẹ. Không ít trường hợp, chỉ đến khi bố mẹ quyết định trao lại tài sản thừa kế, mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Việc này, chúng ta hoàn toàn có thể lường trước được.

Ví dụ như nhà ngoại để lại tài sản thừa kế là căn nhà cho con gái, hoặc nhà nội để lại mảnh lại đất cho con trai, thì trong trường hợp đó, cả 2 vợ chồng sẽ cùng đứng tên trên giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, hay “bố mẹ cho ai thì chỉ riêng người đó được nhận”?

Đương nhiên, đáp án cho câu hỏi này chỉ có bạn và người bạn đời mới trả lời được. Không có quyết định nào là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vì mỗi người một suy nghĩ, mỗi nhà một hoàn cảnh, miễn sao cả 2 có lường trước tình huống ấy, và có bàn bạc để thống nhất là được.