Singapore ra luật cho phép phong tỏa tài khoản ngân hàng để ngăn chặn lừa đảo

Admin
Theo quy định pháp lý mới chính thức có hiệu lực từ 1/7, cảnh sát Singapore có quyền phong tỏa tài khoản ngân hàng của một khách hàng nếu có bằng chứng cho thấy họ đang trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Singapore ra luật cho phép phong tỏa tài khoản ngân hàng để ngăn chặn lừa đảo- Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Đạo luật này đã được Quốc hội Singapore thông qua hồi tháng 1 năm nay, cho phép cơ quan chức năng tạm dừng các giao dịch ngân hàng nếu có chứng cứ thuyết phục rằng chủ tài khoản sắp chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, ngay cả khi hành động chuyển tiền là tự nguyện.

Trước đây, cảnh sát Singapore không có thẩm quyền ngăn chặn các nạn nhân tiềm năng chuyển tiền, ngay cả khi rõ ràng họ đang bị lừa.

TTXVN cho biết, theo quy định mới, tài khoản ngân hàng, quyền truy cập ATM và các khoản tín dụng của cá nhân bị phong tỏa sẽ tạm thời phong tỏa, song người bị phong tỏa vẫn được rút tiền để chi trả cho các chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Bộ Nội vụ Singapore cho biết nhấn mạnh đạo luật mới cho phép cảnh sát bảo vệ tốt hơn các nạn nhân của những vụ lừa đảo đang diễn ra. Lệnh hạn chế này chỉ được áp dụng như biện pháp cuối cùng, khi mọi nỗ lực thuyết phục đã thất bại. Lệnh hạn chế sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày và có thể được gia hạn tối đa 5 lần.

Theo báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã thiệt hại ước tính khoảng 37 tỷ USD do gian lận mạng trong năm 2023.

Cứ 10 phút lại xảy ra 1 vụ lừa đảo

Theo thống kê từ Bộ Nội vụ Singapore, chỉ riêng trong năm 2024, đã có 51.501 vụ lừa đảo được ghi nhận, tương đương cứ 10 phút lại xảy ra 1 vụ. Tổng thiệt hại lên tới 1,1 tỷ USD. Từ năm 2019 đến nay, người dân Singapore đã mất tổng cộng hơn 3,4 tỷ USD vì các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.

Khoảng 75% số vụ lừa đảo trong năm 2024 cho thấy, nạn nhân tự nguyện chuyển tiền mà không bị đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản. Cảnh sát nhận định các nạn nhân bị thao túng qua nhiều hình thức tinh vi như lừa đảo thương mại điện tử, tuyển dụng việc làm ảo, giả mạo quan chức chính phủ, lừa tình cảm qua mạng, cài đặt phần mềm độc hại.

Đặc biệt, tội phạm mạng ngày càng tận dụng công nghệ AI để tạo video và giả mạo khuôn mặt nhằm tăng độ tin cậy. Trong cảnh báo hồi tháng 3, Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết nhiều đối tượng đã dùng AI giả danh quan chức để yêu cầu các doanh nghiệp chuyển tiền từ tài khoản công ty.

Theo bà Yuen, Trưởng phòng Pháp lý & Tuân thủ của Ngân hàng OCBC, khi đến ngân hàng, nạn nhân đã tin kẻ lừa đảo đến mức rất khó ngăn họ chuyển tiền, đặc biệt với các vụ lừa tình cảm, đầu tư và mạo danh quan chức chính phủ.

Ông Eugene Tan, Phó Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho rằng mặc dù luật này có thể bị cho là xâm phạm quyền riêng tư, song chính phủ coi lừa đảo là một vấn nạn xã hội gây gánh nặng cho cộng đồng và gia đình nạn nhân.