Sở TN&MT Hà Nội: Giá mua bán thực tế cao hơn bảng giá đất bình quân 250%, cá biệt phố Hàng Khay (Hoàn Kiếm) giá cao đột biến 1,2 tỷ đồng/m2

Admin
Qua khảo sát, Sở TN&MT Hà Nội đánh giá, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn mức cùng vị trí tại bảng giá đất của thành phố bình quân 250% nên cần điều chỉnh để sát thị trường.

Bảng giá đất điều chỉnh của Hà Nội có hiệu lực từ 20/12 đến hết năm 2025. Trong đó, giá đất ở có mức cao nhất là hơn 695,3 triệu đồng một m2 với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm.

Cụ thể, đường Trần Hưng Đạo (từ Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) trước đó có giá đất cao nhất là 114 triệu đồng/m2 nay tăng lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần.

Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đất ở đường Hai Bà Trưng (từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) cũng có giá cao nhất 695,3 triệu đồng/m2.

Mức giá này cũng được áp dụng cho các tuyến đường Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt.

Các mức điều chỉnh này được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng thực tế hai năm qua. Cơ quan này thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, nhìn chung, giá đất ở theo bảng mới tăng bình quân 190 - 270%.

Với đất ở đô thị, ghi nhận giá giao dịch thực tế tại các quận phổ biến 35-650 triệu đồng/m2. Cá biệt, quận Hoàn Kiếm có giá chuyển nhượng thực tế cao đột biến như: phố Hàng Bông chuyển nhượng dao động 750 triệu-1,03 tỷ đồng/m2, phố Hàng Thiếc khoảng 642 triệu-1 tỷ đồng/m2. Hay trên phố Hàng Gai, giá chuyển nhượng còn cao hơn, từ 969 triệu-1,2 tỷ đồng/m2.

Mua bán đất ở tại các thị trấn huyện ven, như đường 32 (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức), đường Ngô Xuân Quảng (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm)... cũng ghi nhận từ 100-120 triệu đồng/m2.

"Giá đất thực tế trên thị trường giảm dần từ các quận Trung tâm TP, thị trấn ven đô thị và đến các huyện, xã trung tâm. Giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn mức cùng vị trí tại bảng giá đất của thành phố bình quân 250%", Sở TN&MT đánh giá.

Bảng giá đất cũng là cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất. "Việc điều chỉnh bảng giá là cấp thiết, nhằm đảm bảo nguồn thu từ đấu giá đất", theo Sở TN&MT.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.