Sốt đất lan rộng khắp phía Bắc, có nơi tăng gấp đôi

Admin
Lúc đầu chỉ "nóng" ở một số tỉnh nhưng hiện sốt đất đã ngày càng lan rộng sau thông tin sáp nhập địa phương và những chính sách mới của Chính phủ.

Vùng ven Hà Nội nổi sóng

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội) hay Lương Sơn, Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình (Hòa Bình), Hưng Yên…đều xuất hiện nhiều tín hiệu đáng chú ý. Mặt bằng giá rao bán tăng lên, lượng người quan tâm cũng tăng vọt.

Theo khảo sát của Công ty PropertyGuru Việt Nam, đất nền tại huyện Thạch Thất hiện tăng khoảng 10% so với tháng 7 và tháng 8/2024.

Cụ thể, đất xã Tiến Xuân có vị trí mặt tiền đường tăng từ 27-30 triệu đồng/m² lên 29-32 triệu đồng/m². Đất tại Bình Yên giá cũng tăng từ 20-22 triệu đồng/m² lên 22-24 triệu đồng/m².

Đất xã Thạch Hòa, vị trí đường đôi tăng từ 35-36 triệu đồng/m² lên 38-40 triệu đồng/m².

Sốt đất lan rộng khắp phía Bắc, có nơi tăng gấp đôi- Ảnh 1.

Giá đất vùng ven Hà Nội đang tăng mạnh. (Ảnh minh họa: CafeF)

Cũng thuộc địa bàn Thạch Thất, đất Tân Xã ở những vị trí mặt tiền đường kinh doanh, giá đất tăng từ 34-36 triệu đồng/m² lên 37-40 triệu đồng/m². Đất Tân Xã, đường 2 ô tô tránh nhau, giá tăng từ 22-25 triệu đồng/m² lên 24-27 triệu đồng/m².

Đối với thị trường đất nền huyện Quốc Oai, mặt bằng giá mới cũng đã được thiết lập. Ví dụ, với đất nền Hòa Thạch, ở những khu vực ô tô có thể đi vào, giá tăng từ 21-23 triệu đồng/m² lên 23-25 triệu đồng/m².

Ở vị trí mặt đường tỉnh lộ 412B, đất Đông Yên tăng giá từ 37-41 triệu đồng/m² lên mức 40-43,5 triệu đồng/m². Với các vị trí nằm sâu trong làng, mức tăng cũng đáng kể, từ 9-11 triệu đồng/m² lên 10,5-12 triệu đồng/m².

Đất nền ở huyện Sơn Tây, những mảnh gần khu công nghệ cao cũng là một điểm nóng của thị trường đất nền Hòa Lạc. Đất đường Đồng Trạng ở vị trí đường lớn mở rộng 18m, gần quy hoạch tuyến ga Metro 05, giá tăng từ 29-30 triệu đồng/m² lên 30-31 triệu đồng/m².

Đất Cổ Đông ở vị trí đường lớn, ô tô tránh nhau tăng giá từ 26-29 triệu đồng/m² lên 28-30,5 triệu đồng/m² Những vị trí nằm trong làng, không kinh doanh buôn bán được, kém đẹp hơn, giá cũng tăng từ 12-14 triệu đồng/m² lên 15-18 triệu đồng/m².

Theo anh Trần Văn Minh, một môi giới bất động sản địa bàn Hòa Lạc, khu vực các xã Yên Bài, Vân Hòa, Yên Bình, Sơn Tây, Đồng Mô, Tiến Xuân đang thu hút đông lượng khách xem.

Lý do là hiệu ứng lan tỏa từ việc công bố các chính sách của Chính phủ về phát triển khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc và việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, xây dựng các trục giao thông then chốt và "bơm" vốn, ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà...

" Giá đất tại nhiều khu vực vùng ven hiện đã tăng 10 - 20%, nhưng lượng nhà đầu tư quan tâm vẫn khá lớn. Mỗi tuần, tôi dẫn hàng chục khách đi xem đất tại khu vực Hoà Lạc và Quốc Oai ", anh Minh nói.

Còn theo một văn phòng môi giới bất động sản tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, sau thời gian trầm lắng, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã quay lại với thị trường đất nền ven đô.

Chỉ trong gần 1 tháng qua, văn phòng môi giới này liên tục đón các nhà đầu tư đến hỏi mua đất. Đa số đều quan tâm đến phân khúc 3-5 tỷ đồng/lô, nằm ở vị trí thuận lợi, gần với tuyến đường sắt đô thị.

Đất tỉnh cũng nóng hầm hập

Một trong những địa phương có giá đất gây sốc thời gian gây đây là Phú Thọ , khi bất động sản tại thành phố Việt Trì liên tục được chuyển nhượng với giá tăng đột biến.

Sốt đất lan rộng khắp phía Bắc, có nơi tăng gấp đôi- Ảnh 2.

Đất Phú Thọ nóng hầm hập sau thông tin sáp nhập địa phương. (Ảnh: Dân Việt)

Giá đất tại các phường của thành phố này như Thanh Miếu, Gia Cẩm, Trưng Vương, Bạch Hạc, Sông Lô, Thọ Sơn…đều ghi nhận mức tăng 20 - 30%, thậm chí có khu đất nền hạ tầng giao thông đồng bộ còn tăng đến 50% so với cuối năm 2024. Đây là những xã, phường thuộc khu vực trung tâm hành chính của tỉnh Phú Thọ và cửa ngõ TP. Việt Trì tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc.

Không ít khu đô thị bỏ hoang nhiều năm không có người mua nay cũng "sốt" trở lại.

Đơn cử, tại khu đô thị Bến Gót (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì) chỉ có duy nhất 3 ngôi nhà đã được xây dựng, còn lại là các lô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nhưng gần đây, mỗi ngày đón hàng chục nhà đầu tư tìm đến hỏi mua đất và chốt giao dịch. Giá đất vì thế cũng nhanh chóng tăng, lên 26 - 27 triệu đồng/m2. Trước Tết, đất ở đây được cắm biển giao bán chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2 mà vẫn không ai hỏi.

Tại khu tái định cư thuộc khu 14 (phường Thanh Miếu) giá đất cũng đang "nhảy múa". Nhiều lô trước đây có giá 28 - 30 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 36 triệu đồng/m2.

Tại Bắc Giang , khoảng nửa tháng trở lại đây, giá đất nền khu vực phía nam thành phố cũng tăng nhanh.

The môi giới, một lô đất tại 1 dự án gần Siêu thị GO! Bắc Giang có diện tích 84m2 hiện có giá khoảng 8,1 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần. Hay một lô đất khác có diện tích 133m2 có giá khoảng 17 tỷ đồng, cao hơn tuần trước khoảng 3 tỷ đồng. Lô khác rộng 75m2 giá khoảng 7 tỷ đồng, cao hơn 1,7 tỷ đồng. Dù giá cao nhưng chủ đất chưa bán vì chờ tăng hơn nữa.

Tại Hưng Yên , khảo sát mới đây của PropertyGuru Việt Nam ghi nhận, đất nền Hưng Yên trong thời gian qua thiết lập mặt bằng giá mới. Tùy từng vị trí, diện tích, hướng, mức tăng đạt trung bình từ 6-15% so với tháng 12/2024.

Những lô đất thuộc khu vực vòng xuyến (bùng binh) huyện Văn Giang, giá chào bán 125 - 150 triệu đồng/m2. Đất thuộc Phụng Công, Xuân Cao và Cửu Cao đang ở mức 40 - 55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5% so với tháng 1/2025.

Đất tại khu vực thành phố Hưng Yên cũng thiết lập mặt bằng giá mới, tăng từ 5 - 7%, trong mạch tăng trưởng 50 - 80% của 5 năm vừa qua.

Theo đó, đất kinh doanh mặt đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo (thành phố Hưng Yên), giá chào bán hiện tại là 30 - 35 triệu đồng/m2. Những lô đất có đặc điểm tương tự tại đường An Vũ, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Linh (phường Hiến Nam), giá bán 26 - 32 triệu đồng/m2.

Sốt đất lan rộng khắp phía Bắc, có nơi tăng gấp đôi- Ảnh 3.

quyet1.jpgÔng Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc

Tại Thái Bình , cơn sốt đất càng lúc càng nóng khi ghi nhận giá trúng đấu giá lên tới hơn 153 triệu đồng/m2, con số này ghi nhận ngang ngửa với nhiều quận, huyện tại TP. Hà Nội.

Mới đây, phiên đấu giá đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ghi nhận giá trúng cao nhất lên tới 23 tỷ đồng cho lô đất có diện tích 150,4 m2, tương đương hơn 153 triệu đồng/m2, gấp 1,8 lần so với giá khởi điểm. Đây là lô đất có giá trúng cao nhất tại khu vực này.

Thực tế cho thấy, khảo sát của PropertyGuru Việt Nam, giá rao bán đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang dao động trong khoảng từ 4 - 25 triệu đồng/m2, con số này ghi nhận tăng 30,6% trong vòng 1 năm qua.

Coi chừng “mắc kẹt” trong sốt đất

Trước thực trạng cơn sốt đất đang lan rộng, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang...và nhiều địa phương khác đồng loạt đưa ra cảnh báo để người dân tránh rơi vào “bẫy” sốt đất, khiến nguy cơ chôn vốn vào đất.

Các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ "bong bóng" bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - cho hay thời gian gần đây, lợi dụng thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) kích thích nhu cầu mua bất động sản.

" Nếu tình trạng đẩy giá và đầu cơ tiếp tục diễn ra mà không có sự can thiệp kịp thời thì nguy cơ thị trường đối mặt với những đợt điều chỉnh mạnh là rất lớn. Những đợt sốt đất dựa trên tin tức, không đi kèm với kế hoạch phát triển cụ thể, thường chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Giá đất có thể tăng nhanh nhưng khó duy trì mức cao trong thời gian dài ", ông Đính nhận định.

Ông cũng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trước các “cơn sốt ảo”. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng.

Theo ông Đính, những nơi có kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách “thu hút” người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc PropertyGuru Việt Nam cũng nhận định, đất nền vẫn là phân khúc tiềm năng nhưng không đồng nghĩa với việc “mua đâu cũng thắng”. Hiệu quả đầu tư phụ thuộc vào từng khu vực và từng thời điểm cụ thể.

Thực tế, không ít nhà đầu tư lao vào đất nền ở giai đoạn đỉnh sốt nhưng sau đó gặp khó khăn trong thanh khoản, thậm chí phải cắt lỗ khi cần tiền gấp. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, nhà đầu tư rất dễ đối mặt với rủi ro.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cũng cho rằng, thời gian qua giá đất tại nhiều địa phương đã có sự biến động lớn sau có thông tin sáp nhập tỉnh thành.

Nhưng theo ông, một sai lầm phổ biến của nhà đầu tư Việt Nam hiện đang mắc phải là quan điểm “gần trụ sở hành chính thì giá đất tăng”.

Ông Quyết lý giải: “ Nhiều người nghĩ gần trụ sở hành chính thì giá đất cao. Thực tế, khu vực này chỉ phục vụ công chức cần sự yên tĩnh, trang nghiêm nên không tạo ra sức hút lớn về dân số hay hoạt động kinh tế. Giá bất động sản chỉ bứt phá ở nơi kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi ".

Nhìn lại lịch sử, ông Quyết cũng nhắc đến trường hợp sáp nhập Hà Tây và Mê Linh vào Hà Nội năm 2008. Thời điểm đó, nhiều người kỳ vọng giá đất ở Hà Đông, Sơn Tây hay Mê Linh sẽ “cất cánh” ngay sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, thực tế phải mất 10 - 15 năm để giá đất tăng nhờ sự phát triển hạ tầng và kinh tế.

Ông Quyết cũng đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá cao để đổ xô ôm đất rồi mắc kẹt. Giá bất động sản phụ thuộc vào kinh tế và hạ tầng, chứ không phải trung tâm hành chính.