
Mỗi khi phấn khích với ý tưởng AI nào đó, co-founder kiêm CEO Anthropic Dario Amodei sẽ bật dậy khỏi ghế và lao đến bảng trắng. Ông vẽ nguệch ngoạc các biểu đồ; đường cong giống hệt như cây gậy khúc côn cầu để minh họa trí thông minh vô hạn của máy móc. Đôi tay nhẹ nhàng đưa lên mái tóc xoăn, như thể đang vuốt ve chính các tế bào thần kinh.
Kể từ khi thành lập Anthropic vào năm 2021, Dario Amodei và chị gái mình, chủ tịch Daniela Amodei, đã định vị đây như một công ty khởi nghiệp AI tiên tiến. Trong một cuộc phỏng vấn podcast năm ngoái, Dario Amodei cho biết có 10 đến 25% khả năng AI có thể hủy diệt loài người.


Điều ám ảnh Amodei nhất, có lẽ là làm thế nào con người có thể tiếp cận AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát) một cách an toàn. Câu hỏi hóc búa đến nỗi buộc anh và 6 người sáng lập khác của Anthropic rời khỏi OpenAI ngay lập tức vì không đủ niềm tin ở CEO Sam Altman. Tại Anthropic, một cuộc chạy đua nước rút đã diễn ra nhằm thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho tất cả các mô hình AI - để chúng thực sự giúp ích cho con người thay vì, theo cách này hay cách khác, phá hủy tất cả.
Và thế là Claude, được phát triển bởi Anthropic, ra mắt thị trường vào tháng 12/2022. Mặc dù chưa đạt được mức độ phổ biến tương tự như ChatGPT, song chatbot này đã chứng minh được lợi thế của mình trong lĩnh vực AI sáng tạo.
Với sự hỗ trợ về tài chính từ các nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng, Anthropic mong muốn có thể cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi lớn như OpenAI. Claude, hỗ trợ bởi các mô hình Claude 2 và Claude 2.1, là chatbot AI được thiết kế để hợp tác, viết lách và trả lời câu hỏi, tương tự như ChatGPT và Bard của Google.
Điểm sáng tạo lớn nhất là Claude áp dụng các phương pháp luận ưu tiên đạo đức và hiểu biết bối cảnh. Chính điều này đã làm nổi bật hệ thống AI của CEO Dario Amodei trong các cuộc trò chuyện an toàn, qua đó mở ra một hướng đi mới trong phát triển AI.
Ngay từ khi chỉ còn là một đứa trẻ, Amodei đã sống trong thế giới của những con số, sau đó trở nên ám ảnh với toán học.
“Tôi ám ảnh bởi toán học. Tôi muốn làm một thứ gì đó giúp ích cho xã hội và mọi người”, Amodei nói và cho biết năm 2014 đã bắt đầu làm việc cho phòng nghiên cứu Mỹ của Baidu. Làm việc dưới sự chỉ đạo của Andrew Ng, người tiên phong về AI, Amodei dần hiểu rằng, tính toán và dữ liệu có thể tạo ra các mô hình vượt trội hơn nhiều.

Năm 2015, Sam Altman tiếp cận Amodei khi nung nấu ý định tạo ra một startup AGI theo cách an toàn và cởi mở. Amodei đã cùng ăn tối tại Khách sạn Rosewood với Altman và Elon Musk, song không mấy thoả mãn với ý tưởng này.
“Các mục tiêu không rõ ràng với tôi. Có vẻ như nó liên quan nhiều hơn đến các nhà đầu tư công nghệ và doanh nhân nổi tiếng hơn là các nhà nghiên cứu AI thực thụ”, anh nói.
Nhiều tháng sau, OpenAI hoạt động như một công ty phi lợi nhuận với mục tiêu phát triển AI theo hướng “có khả năng mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại và không bị ràng buộc bởi nhu cầu tạo ra lợi nhuận tài chính”. Ấn tượng trước những bộ não thiên tài, trong đó có một số đồng nghiệp cũ tại Google Brain, Amodei quyết định tham gia thử nghiệm táo bạo của Altman. Chị gái Daniela Amodei cũng dấn thân bước lên con tàu cùng em trai mình.
Tuy nhiên, khác biệt về tư tưởng khiến chị em nhà Amodei thất vọng. Một số nhân viên cũng bắt đầu lo lắng về hướng đi của OpenAI bởi công ty không hề ưu tiên sự an toàn như những gì được kỳ vọng.
“Một trong những lý do khiến tôi thất vọng là khi những vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, công ty bắt đầu đi theo hướng ngược lại”, Amodei nói và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với Altman.


Cuối năm 2020, Amodei và 6 nhân viên khác của OpenAI, bao gồm cả chị gái Daniela, quyết định nghỉ việc để thành lập công ty riêng. Họ ngồi lại cùng nhau tại sân sau nhà Amodei - tất cả đều đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Cựu CEO của Google Eric Schmidt cũng có mặt để nghe giới thiệu sản phẩm.
Eric Schmidt sau cùng đầu tư vào Anthropic, nhưng phần lớn nguồn tài trợ ban đầu—124 triệu USD—đến từ các nguồn liên kết với một phong trào được gọi là chủ nghĩa vị tha hiệu quả. Nhà đầu tư chính trong vòng hạt giống của Anthropic là Jaan Tallinn, một kỹ sư người Estonia kiếm được hàng tỷ USD khi giúp thành lập Skype và Kazaa.
Nhiệm vụ đầu tiên của Anthropic là xây dựng một mô hình có thể sánh ngang hoặc vượt qua OpenAI, Google và Meta. Đây chính là nghịch lý của Anthropic: Để tạo ra AI an toàn, công ty phải chấp nhận rủi ro tạo ra AI nguy hiểm. Chris Olah, cựu nghiên cứu viên Thiel, đồng thời là một trong những người sáng lập Anthropic, cho biết: “Thế giới sẽ đơn giản hơn nhiều nếu bạn có thể làm việc an toàn mà không cần phải đi đến tận cùng. Nhưng có vẻ như đó không phải là thế giới mà chúng ta đang sống”.
Thế nhưng, suy cho cùng, Amodei vẫn tin rằng chiến lược của mình hiệu quả. Minh chứng rõ ràng nhất là sự rối ren lúc này tại OpenAI - nơi Sam Altman háo hức đưa các công nghệ mới ra thị trường bất chấp đạo đức và độ an toàn.

Nhiều CEO công nghệ có xuất phát điểm giống nhau. Sự kết hợp mạnh mẽ giữa bộ não thiên tài, chủ nghĩa lý tưởng cũng như lời hứa ‘giải cứu’ thế giới khiến mọi người sẵn sàng đổ hàng triệu USD vào các ý nghĩ viển vông. Họ tin rằng những CEO kia, chẳng bao lâu, sẽ được tung hô và xuất hiện trên bìa tạp chí.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn, hào quang trước đây sẽ vụt tắt, thế chân bằng loạt bê bối và khủng hoảng. Mark Zuckerberg từ ‘cậu bé thiên tài’ trở thành ‘ông chủ chuyên sao chép ý tưởng’. Elon Musk, từ danh xưng ‘Tony Stark thật’ đi giải cứu thế giới, nay bị đàm tiếu, ghét bỏ. Và có vẻ như Sam Altman, CEO OpenAI, cũng đang bước vào kỷ nguyên phản diện của chính mình.
Tháng 5/2023, Anthropic huy động được 450 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Google và Salesforce. Đến tháng 8, công ty này tiếp tục huy động được 100 triệu USD từ hai công ty viễn thông châu Á. Amazon và Google cũng cam kết chi lần lượt 4 tỷ USD và 2 tỷ USD cho Anthropic.
Trong năm 2023, định giá Anthropic tăng gấp 3 lần lên 15 tỷ USD. Doanh thu hàng tháng khi ấy rơi vào khoảng 8 triệu USD. Hiện công ty được định giá hơn 60 tỷ USD, tính đến tháng 3/2025, theo CNBC.
Năm ngoái, Anthropic chuyển trụ sở đến tòa nhà hiện đại cao 10 tầng phía nam Phố Market, gần Tòa nhà Salesforce Tower khổng lồ. Nhân sự tăng từ gần 200 lên khoảng 1.000 người trong vòng chưa đầy 1 năm.
Có điều gì đó khác biệt bên trong mô hình của Anthropic. Claude dường như đã thu hút được một lượng người theo dõi cuồng nhiệt. Theo tờ The New York Times, nó đã trở thành “chatbot được nhiều người am hiểu công nghệ lựa chọn” bởi giỏi mã hóa hơn các mô hình khác.

Dẫu vậy, Anthropic vẫn nhận thức được rõ những thách thức và rủi ro tiềm ẩn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ lớn. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là khả năng “giả vờ tuân thủ” của các mô hình AI như Claude.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong một số tình huống nhất định, Claude đã cư xử một cách “giả tạo” để đạt được mục tiêu của mình, ngay cả khi điều đó đi ngược lại các nguyên tắc đạo đức được thiết kế sẵn.
“Trong tình huống mà AI nghĩ rằng có xung đột về sở thích, nó sẽ thực hiện những hành động thực sự tồi tệ”, một nhà nghiên cứu mô tả tình huống.
Điều này cho thấy việc đảm bảo AI an toàn và luôn hành động vì lợi ích của con người là một nhiệm vụ khó khăn. Chính Amodei cũng thừa nhận, thế giới sẽ phải cần đến một sự kiện đủ chấn động để tất cả hiểu ra mức độ rủi ro đáng sợ của các siêu AI trong tương lai.
Theo: Wired, The NY Times