Tâm lý e ngại về thể chế, thiếu quyết liệt xử lý nhà, đất dôi dư ở Thanh Hóa

Admin
Do tâm lý e ngại thể chế và một số nguyên nhân khác khiến nhiều công trình, trụ sở dôi dư sau sắp xếp ở Thanh Hóa đang bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Trong năm 2024, công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn được ngành chức năng Thanh Hóa quyết liệt triển khai.

Cụ thể, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều chuyển 8 cơ sở nhà, đất; thu hồi 1 cơ sở; chuyển giao về địa phương quản lý , xử lý 4 cơ sở; giữ lại tiếp tục sử dụng 98 cơ sở; giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý, sử dụng, khai thác 31 cơ sở nhà, đất của đơn vị ngành dọc Trung ương chuyển giao về tỉnh.

Trong năm 2024, phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp, xử lý đối với 4 cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh; tham gia ý kiến đối với 9 phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tuy nhiên, việc xử lý nhà, đất dôi dư ở Thanh Hóa vẫn còn hạn chế, bất cập chưa được khắc phục, như: Tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư theo các hình thức "bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất", "điều chuyển", "thu hồi" theo phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt còn chậm , chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều công trình, trụ sở dôi dư sau sắp xếp còn đang bỏ trống, xuống cấp, hoang phế do bảo quản kém, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị .

Công tác quản lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, điển hình là tình trạng thiếu hồ sơ nhà , đất, hồ sơ thiếu thông tin hoặc chưa được cập nhật, bổ sung thông tin trong quá trình quản lý, có nơi trong sổ sách và thực tế còn chênh lệch số liệu về diện tích, vị trí; một số cơ sở nhà, đất đang bị tổ chức, cá nhân khác lấn chiếm đất công; một số đơn vị cho thuê, mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định của pháp luật...

Vướng mắc thể chế

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, tiến độ xử lý nhà, đất dôi dư chậm có nguyên nhân khách quan do vướng mắc về thể chế (một số quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp lại, xử lý nhà, đất mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung vào cuối năm 2024; một số quy định tại Nghị định số 167 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công...).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xử lý nhà, đất dôi dư; người đứng đầu còn tâm lý e ngại về thể chế, thiếu quyết liệt , chưa chủ động trong chỉ đạo xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn quản lý. Một số địa phương chậm lập, trình duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện được do không phù hợp với quy hoạch...

Ngày 11/1, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi vừa ký văn bản yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương giải quyết các đề xuất xử lý tài sản công dôi dư đảm bảo kịp thời, đúng quy định; khẩn trương thực hiện rà soát lại phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được phê duyệt để đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định pháp luật về đất đai (trong đó bám sát các quy định mới liên quan đến sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được sửa đổi, bổ sung và sẽ sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới)...